Đạt nhiều thành công "vượt tuổi" nơi xứ người ở độ 23, đến nay Toàn Phạm đã có những trải lòng "chân thật" về cuộc sống du học từng không như mơ của mình.
Trong những ngày đầu năm mới, tôi có dịp được biết đến Toàn Phạm khi vô tình xem được một video nói về chặng hành trình truyền cảm hứng của cậu ấy để có được thành công "vượt tuổi" hiện tại. Đến nay, đoạn clip ấy đã sở hữu hơn 8 triệu lượt xem với sự ngưỡng mộ của rất nhiều bạn trẻ. Không khoa trương, Toan Pham chỉ kể câu chuyện của mình bằng những bức ảnh cũ và các dòng chữ điểm lại từng cột mốc đáng nhớ, nhưng điều để lại trong lòng người xem là một sự ngưỡng mộ vô cùng lớn.
Toàn Phạm tên thật là Phạm Quốc Toàn, sinh năm 1998, hiện đang là du học sinh tại Úc và giữ chức Quản lý khách sạn tại Tập đoàn TOGA Group (TFE) ở Melbourne - Australia. Chia sẻ với , Toan Pham cho biết mình đã tốt nghiệp Cử nhân Kinh tế tại ĐH Central Queensland University (Úc), sau đó, cậu bạn nhận học bổng Thạc sĩ Quản Trị Kinh Doanh của trường ĐH Victoria University (Úc).
Trong quá trình 5 năm học tập và làm việc tại Úc, Toàn Phạm đã liên tiếp đạt được những thành tích ấn tượng như Đạt giải "Nhà sáng lập ấn tượng" trong Cuộc Thi khởi nghiệp của Úc; tham gia một vài dự án tiêu biểu hoàn thành để hướng tới 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc; Nhận huy hiệu Công Dân Toàn Cầu năm 2021 từ Common Purpose (Tổ chức phi lợi nhuận – Phát triển các nhà lãnh đạo toàn cầu vượt qua ranh giới cá nhân).
Bên cạnh đó, Toàn Phạm còn nhận được khá nhiều lời mời tham gia những chương trình danh giá như: Trở thành người cố vấn cho các bạn sinh viên Việt Nam và Malaysia trong chương trình lãnh đạo trẻ; được vinh dự mời tham gia hội thảo cùng Bộ Trưởng Bộ Giáo Dục Đại Học Bang Victoria – Úc. Đặc biệt, thời gian qua, cậu bạn còn trực tiếp tham gia tuyến đầu chống dịch Covid-19 với vai trò quản lý dự án trong khách sạn cách ly.
Đấu tranh giữa ước mơ cá nhân và tuân theo ý muốn của bố mẹ
Thành công là vậy, nhưng điểu miêu tả cuộc sống hiện tại, bạn sẽ nói gì?
Để hỏi liệu mình đã hài lòng với cuộc sống hiện tại chưa? Thì thật sự là chưa, bởi vì mình vẫn muốn trải nghiệm và phát triển bản thân nhiều hơn nữa. Mình luôn ý thức rằng, những thành tựu mình đạt được chỉ là một hạt cát nhỏ bé dưới đáy đại dương rộng lớn. Mọi thứ mới chỉ bắt đầu. Sẽ còn rất nhiều những khó khăn, thử thách phía trước.
Mình cũng không mong cầu quá nhiều, mình chỉ hi vọng bản thân sẽ có đủ dũng cảm, không ngừng cố gắng và luôn giữ được ngọn lửa nhiệt huyết của tuổi trẻ để mạnh mẽ vượt qua mọi bão táp mưa giông phía trước.
Tua ngược thời gian về 5 năm trước một chút, điều gì đã thôi thúc bạn đi học?
Mình xuất phát điểm là 1 học sinh giỏi Hoá, thi đỗ chuyên Hoá (THPT chuyên Hưng Yên). Hồi nhỏ mình đã từng mơ ước sẽ trở thành một bác sĩ. Nhưng trong suốt những năm tháng học cấp 3, mình nhận ra rằng mình có một mơ ước khác. Thú thật, mình là một người rất cá tính, luôn thích khám phá những điều mới mẻ và thử thách bản thân. Mình nghĩ rằng mình không phù hợp để làm bác sĩ, và đó cũng không thật sự là mơ ước của mình, mà đó là sự mong mỏi từ gia đình nhiều hơn.
Cuối cùng thì mình đã quyết định đề xuất ý kiến này với gia đình, tuy nhiên, mình đã bị phụ huynh phản đối. Mình đã dùng mọi can đảm của một chàng trai năm 18 tuổi để thuyết phục bố mẹ trong suốt một khoảng thời gian dài. Đã có những lúc bố mẹ không nói chuyện với mình. Mình hiểu tất cả đều xuất phát từ tình yêu thương, sự bao bọc vô bờ bến của ba mẹ. Tuy nhiên, điều đó không những không làm mình chùn bước, mà còn khiến mình quyết tâm hơn. Sau một thời gian dài thuyết phục, cuối cùng ba mẹ cũng đồng ý.
Vậy Tiếng Anh thời điểm đó có là một cản trở với bạn?
Mình vốn dĩ là dân chuyên khối tự nhiên, nên mình không học giỏi Tiếng Anh. Thời điểm mình xin bố mẹ đi du học, trình độ tiếng anh của mình còn dưới mức trung bình. Mình còn chả hiểu người nước ngoài nói gì khi xem TV. Sau khi thi đỗ ĐH xong, mình đã quyết định bảo lưu kết quả, lên Hà Nội tập trung học tập và ôn luyện IELTS. Sau khi đạt được ngưỡng IELTS cần thiết, mình đã xin visa và đi du học Úc.
Mình kể điều này ra đây với hi vọng có thể truyền động lực cho những bạn nào giống như mình. Muốn đi du học nhưng ngay từ đầu đã không giỏi Tiếng Anh. Mình nghĩ mọi cố gắng sẽ không bao giờ là muộn. Chỉ cần bạn thật sự nghiêm túc và bền bỉ theo đuổi, bạn sẽ đạt được những thứ bạn muốn.
Đi du học rồi mới biết, rời xa vòng tay ba mẹ nó "bão tố" thế nào!
"Nằng nặc" đòi bố mẹ cho đi du học, nhưng những ngày đầu sang xứ người có thật sự "như mơ"?
Mình đi du học tự túc, nhà cũng không giàu có gì. Chỉ nhận được một phần nhỏ học bổng là 20 tuần học Tiếng Anh trước khi vào học Đại học và 20% học bổng năm học đầu tiên. Toàn bộ học phí còn lại bố mẹ chu cấp, ngoài giờ học, mình tranh thủ làm thêm để trang trải tiền sinh hoạt phí. Kỳ nghỉ hè nếu siêng thì có thể phụ thêm ba mẹ được một chút ít học phí (đấy là nếu bạn chăm chỉ làm 2-3 công việc 1 lúc).
Những ngày đầu sang đây, mình thật sự rất sốc. Sốc văn hoá, sốc về cái "cuộc sống màu hồng" mà mình đã từng nghĩ. Mình bắt đầu ngưng mơ mộng. Thứ duy nhất mình suy nghĩ lúc này là mình đã xin gia đình đi du học bằng được, đã quyết định chọn một con đường khác hoàn toàn so với phần đông đám bạn cùng trang lứa. Do đó, mình không được phép thất bại, mình chỉ được phép thành công. Mình luôn ý thức rằng mình sẽ phải tự mình chịu trách nhiệm cho những quyết định của bản thân.
Và rồi mình đã rất nỗ lực, bền bỉ và quyết tâm vừa học vừa làm. Riết rồi cũng thành quen. Trước khi kiếm được công việc như hiện tại, mình đã phải làm thêm rất nhiều việc mà phần lớn các bạn du học sinh bên này cũng từng làm qua như rửa bát, phụ bếp, bán hàng thuê, dọn dẹp… Bạn nào tốt thì kiếm được công việc ổn định, lương cao, chủ tốt. Nhưng thử nghĩ mà xem, một đứa du học sinh 18 tuổi, mới sang nơi đất khách quê người, không ai thân thích, tiếng anh còn chưa sõi thì ai thuê mình?
Có vẻ bạn đã trải qua những điều gì đó rất "kinh khủng"...
Lại nhớ lúc mới sang chân ướt chân ráo, được ông anh thuê trọ cùng khu rủ đi làm thêm trong hãng gà. Lần đầu tiên mình vào một cái xưởng đông lạnh rét như thế, mọi người cứ hình dung như là đang nằm trong tủ lạnh ngăn đá vậy. Mình làm được một ngày xong chạy mất dép luôn. Vừa nhọc, vừa tủi.
Rồi có đơt đi làm trong cái nhà máy ở tận khu công nghiệp, xa phương tiện giao thông công cộng, đi làm đến tối về muộn, hết cả tàu, không biết đường về, vừa đi lạc đường vừa tủi thân khóc. Rồi những hôm trời mùa đông lạnh 1 độ C, mới 4h sáng mình đã dậy và ra chợ bán hoa quả thuê. Lúc đi trên đường thấy những lớp sương mỏng đã đóng băng trên đầu các ngọn cỏ, vây mà mình vẫn đứng bán hàng ngoài trời, dưới cái thời tiết băng giá ấy, chân tay thật sự rất tê buốt. Chưa kể đi làm gặp phải một số người chủ không tốt, bóc lột sức lao động, trả lương thấp…
Rồi những khi trái gió trở trời, lúc ốm đau, thèm bát cháo gà mẹ nấu cũng chẳng có mà ăn. Mình vốn bị đau dạ dày, có một khoảng thời gian vừa học vừa làm vừa thi cử, bị quá sức nên phải nhập viện. Chỉ có một thân một mình nơi xứ người, thật sự rất tủi thân. Ốm đau cũng không dám than thở vì sợ gia đình lo lắng, tự đi mua thuốc, tự nấu cháo ăn. Đấy cũng là lần đầu tiên trong đời mình nấu cháo. Thế mới thấy rời xa vòng tay ba mẹ là bão tố ra sao. Nhưng nhờ có vậy mà mình đã trưởng thành và tự lập hơn rất nhiều cả trong suy nghĩ lẫn hành động.
Lúc đó bạn làm thế nào để vượt qua tất cả những chuyện này?
Mình chưa một lần kể với bố mẹ hay bất kỳ ai về những khó khăn mà mình đã trải qua. Nhưng hôm nay, mình xin phép được trải lòng. Những gì mình chia sẻ hôm nay chỉ là những mảnh ghép nhỏ trong suốt quá trình mình sinh sống, học tập và làm việc tại Úc. Có lẽ câu chuyện mình kể hôm nay nó không màu hồng như những gì bạn tưởng tượng, hoặc thậm chí nó cũng không giống với những bạn du học sinh khác, nhưng đó là những trải nghiệm thật của bản thân mình, là mồ hôi, nước mắt, là niềm tin và hi vọng của mình.
Mình kể ra đây không phải là để kể khổ hay xin sự đồng cảm từ mọi người, mà để những bạn đi sau sẽ có những góc nhìn chân thực hơn về cuộc sống của những du học sinh tự túc bên này. Nhân tiện đây, mình cũng muốn gửi một lời nhắn nhủ tới những bạn trẻ đang có ý định đi du học tự túc như mình thì hãy cân nhắc thật kỹ xem liệu bạn có thật sự nghiêm túc với con đường này không để tránh việc đứt gánh giữa đường.
Bởi mình đã chứng kiến rất nhiều trường hợp phải bỏ học giữa chừng và về nước vì không thể thích nghi được với cuộc sống nơi xứ người. Bởi bạn biết đấy, học tập ở nước ngoài đã vất vả rồi, cộng thêm việc vừa học vừa làm nữa thì bạn phải sắp xếp thời gian rất khoa học mới không để bị ảnh hưởng tới kết quả học tập mà vẫn kiếm được tiền để trang trải sinh hoạt phí.
Không thể khẳng định đi du học tự túc thì không chất lượng bằng du học diện học bổng
Có chỗ đứng tốt ở nước ngoài, thế nhưng bạn có từng nghĩ đến chuyện sẽ trở về nước làm việc?
Mình không quan trọng là phải làm việc ở nước ngoài hay trong nước. Mình nghĩ chỉ cần bản thân tạo ra những giá trị tích cực thì làm gì, ở đâu cũng đều đáng trân trọng.
Tại thời điểm hiện tại mình vẫn tập trung xây dựng và phát triển bản thân tại nước ngoài. Khi đã tích luỹ đủ kiến thức, kinh nghiệm và tài chính, mình muốn làm một điều gì đó thật ý nghĩa cho quê hương, đất nước mình. Đó cũng là một phần động lực giúp mình vững tin tiến về phía trước.
Bạn nghĩ như thế nào về quan điểm đi du học tự túc thì sẽ không chất lượng bằng du học có học bổng? Vì một số ý kiến cho rằng sinh viên du học về nước không còn được "trải thảm" như trước đây chỉ vì số lượng du học tự túc quá đông và chưa chắc đã giỏi?
Đây là một câu hỏi rất hay! Mình công nhận là hiện nay số lượng du học sinh thật sự rất nhiều và ở môi trường nào thì cũng sẽ có người giỏi và người chưa giỏi.
Với mình, đã gọi là đi học thì nó phải xuất phát từ tinh thần ham học hỏi trước đã. Dù học trong nước hay đi du học nước ngoài bạn cũng phải thật sự nghiêm túc và đam mê với việc học. Mình không phủ nhận rằng những bạn đi du học theo diện học bổng là những bạn giỏi, nhưng cũng không thể khẳng định là những bạn đi du học tự túc thì sẽ không chất lượng bằng.
Một người thành công đến đâu còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Người xưa đã dạy rồi "đường dài mới biết ngựa hay"! Đi học chỉ là nền tảng đầu tiên giúp chúng ta hình thành cái móng. Cái móng chắc là một chuyện, nhưng từ cái móng đó, xây dựng thành ngôi nhà 2 tầng hay 1 toà lâu đài thì còn tuỳ thuộc vào ý chí phấn đấu, tuỳ thuộc vào trải nghiệm nhân sinh của mỗi người.
Theo bạn, du học có nên là một lựa chọn cần cân nhắc kỹ trong thời đại ngày nay thay vì là lựa chọn tốt nhất (nếu có cơ hội thì cứ đi) như trước đây? Đặc biệt là trong thời buổi Covid-19, nó có như một cú đạp phanh cần thiết để chúng ta cân nhắc lại việc nên đi du học hay không?
Theo mình, đã là gọi lựa chọn thì đều sẽ là 50/50. Bạn chưa chọn thì sao biết nó đúng hay sai. Cân nhắc là tốt, điều đó chứng tỏ bạn đang thật sự nghiêm túc và thận trọng trong những quyết định của bản thân.
Nhưng mình nghĩ rằng khi niềm tin đủ lớn, đam mê đủ mãnh liệt, thì không gì có thể ngăn cản được bạn cả. Nếu bạn thật sự nghiêm túc, quyết tâm, có định hướng và có mục tiêu cụ thể, thì còn chần chừ gì nữa, hãy xách ba lô lên và đi thôi! Hãy nhớ rằng dù bạn quyết định như thế nào, dù COVID-19 có hoành hành đến đâu, thì trái đất vẫn quay, 1 ngày vẫn có 24 giờ và thời gian vẫn chẳng chờ đợi ai hết.
Lựa chọn là của mỗi người. Cho dù bạn có chọn sai đi chăng nữa thì mình tin là bạn vẫn sẽ được nhiều hơn mất. Hãy trân trọng những sai lầm trong quá khứ và hướng tới tương lai bạn nhé!
Cảm ơn những chia sẻ của Toàn Phạm cùng !
Vượt qua ranh giới tuổi tác của Gen Z, Gen Y..., Gen Vie - Thế hệ những người trẻ Việt Nam không thiếu câu chuyện truyền cảm hứng và nhiều hành trình thú vị để kể bạn nghe. Tuyến bài Humans of GenVie sẽ giới thiệu đến bạn những gương mặt Việt, và cả trải nghiệm của những người Việt đầy đam mê, năng lượng tích cực trong mọi lĩnh vực.
Nguồn: TH&PL