Đội tuyển Việt Nam: Từ chuyện bóng đá đến một thế hệ trẻ chiến đấu vì lòng tự tôn dân tộc

Những chàng trai trẻ của đội tuyển Việt Nam - với ngôi sao vàng trên ngực áo, chạy miệt mài trên sân với một tinh thần dân tộc nồng nàn, một lòng tự tôn yêu nước.

Không chỉ bóng đá, mà còn là lòng tự tôn dân tộc.

Trong những ngày căng thẳng vì đại dịch hoành hành, không khí chung trên cả đất nước hình chữ S bất ngờ sôi động hơn hẳn bởi sự trở lại của bóng đá. Với nòng cốt là thế hệ trẻ, đặc biệt là Gen Z, đội tuyển Việt Nam đang tràn đầy hy vọng tiến sâu hơn tại Vòng loại World Cup khu vực châu Á. Người ta đã nhìn thấy những chàng trai ấy ngã xuống, nhăn mặt đau đớn rồi lại vùng đứng lên. Hơn hết, đó không chỉ là bóng đá, mà còn là lòng tự tôn của cả một dân tộc.

Những đôi chân không mỏi trên sân cỏ 

Người ta vẫn nhớ như in ngày hôm đó: một buổi chiều nặng nề của tháng 8, trên sân vận động Selayang, Malaysia. Hôm ấy, người ta thấy Văn Thanh phải lao đao khi liên tục bị đối phương tấn công ở cánh phải. Người ta thấy Công Phượng cúi gằm mặt sau khi sút hỏng quả phạt đền ở phút 65, thấy Tuấn Anh - Xuân Trường thất thế trong việc kiểm soát thế trận ở tuyến giữa.

Hôm đó, 24/8/2017, U22 Việt Nam với thế hệ đầy triển vọng phơi áo 0-3 trước đối thủ truyền kiếp Thái Lan, đồng thời bị loại khỏi SEA Games 29 ngay từ vòng bảng. Người thì rơi nước mắt, kẻ thì quay lưng. Thế hệ mà chúng ta vẫn hết mực tung hô những ngày qua, lúc đó họ lãnh đủ.

doi tuyen viet nam tu chuyen bong da den mot the he tre chien dau vi long tu ton dan toc - anh 0
Thất bại đầy cay đắng tại SEA Games 2017 trên đất Malaysia

Những chàng trai thế hệ đầu của Gen Z ngày hôm đó nhận vô vàn búa rìu của dư luận, từ “Thất bại ê chề” đến “Thất bại tủi nhục bậc nhất lịch sử”. Người ta đã nói rất nhiều về những chàng trai vừa bước qua tuổi 20 khi ấy. Rằng những Công Phượng, Xuân Trường đã tới giới hạn của tài năng, rằng Tuấn Anh sẽ không bao giờ tìm lại được phong độ.

Chắc chắn, với nhiều người, sự quay lưng trên có thể chấm dứt cả sự nghiệp cầu thủ ngay từ khi chớm nở. Nhưng với những chàng trai sinh năm 1995, 1996 khi ấy, đó là một động lực to lớn thúc đẩy họ vượt lên bản thân, và tạo nên kỳ tích tại Thường Châu năm 2018.

doi tuyen viet nam tu chuyen bong da den mot the he tre chien dau vi long tu ton dan toc - anh 0
Những chàng trai Gen Z đi lên từ thất bại và kỳ tích Thường Châu 2018

Là một thế hệ không chùn bước, trước khi có được những vinh quang gần đây, họ đã miệt mài không ngừng tập luyện, rèn giũa bản thân để trở nên mạnh mẽ hơn. Hơn ai hết, những chàng trai ấy hiểu chỉ có một con đường duy nhất dẫn đến chiến thắng, đó là trở thành phiên bản tốt hơn của bản thân qua từng ngày. Cũng hơn ai hết, họ hiểu sự cay đắng tột cùng của thất bại và không bao giờ muốn quay trở lại với nó. Dù chắc chắn, chính thất bại đã giúp họ có động lực to lớn hơn để tiến lên, bằng những đôi chân không bao giờ mỏi. 

Những năm tháng bôn ba xứ người để đem về vinh quang

Năm 2016, khi vừa bước qua tuổi 21, Công Phượng khăn gói lên đường sang Nhật Bản “du học”, mang theo nhiều hi vọng về một thế hệ vàng tiếp theo của bóng đá Việt Nam. Nhưng từ thời điểm đó đến năm 2020, cầu thủ quê Nghệ An khi thì ở Hàn Quốc, khi thì về Việt Nam, hoặc đến tận Bỉ, vẫn chưa bao giờ được cho là thành công khi xuất ngoại.

Nhắc đến đây, người ta thấy thương xót cho sự lận đận của anh, từ khi nổi lên là một thần đồng bóng đá Việt Nam vào những năm 2014. Tuy nhiên, dù không thành công nhưng Công Phượng cũng đã trưởng thành và mạnh mẽ hơn rất nhiều, điều giúp anh vẫn có mặt trong ĐTQG hiện nay.

doi tuyen viet nam tu chuyen bong da den mot the he tre chien dau vi long tu ton dan toc - anh 0
Xuất ngoại từ khi còn rất trẻ, những Công Phượng, Xuân Trường ngày ấy gặp vô vàn khó khăn trên xứ người

Cũng trong năm 2016, lần lượt Tuấn Anh và Xuân Trường cũng lần lượt bước ra biển lớn. Cũng giống như Công Phượng, hai chàng trai trẻ trầy trật trong việc thích nghi và đều lần lượt thất bại trở về. Xuân Trường còn một lần sang Thái Lan năm 2018, nhưng kết quả cũng chẳng tốt hơn là bao.

Gần đây nhất, người ta thấy Văn Hậu sang Hà Lan ở tuổi 20, nhưng rồi cũng phải trở về sau 1 năm vì nhiều lý do khách quan lẫn chủ quan. Tuy nhiên, phải điểm mặt kể tên qua, người ta mới thấy được thành công của ngày hôm nay, được đánh đổi bằng những sự đầu tư về tiền bạc, thời gian và công sức, bằng ý chí không ngừng vươn lên, và bằng nghị lực đáng ngưỡng mộ của những Gen Z trên đội tuyển, khi ấy cũng chỉ vừa bước qua ngưỡng 20. 

Vượt lên giới hạn của bản thân 

Người ta vẫn hay biết đến tiền vệ tài hoa Nguyễn Tuấn Anh với một lịch sử chấn thương dày đặc. Trong suốt sự nghiệp hơn 6 năm thi đấu chuyên nghiệp, Tuấn Anh đã có tổng thời gian làm bạn với giường bệnh khoảng gần 18 tháng. Chàng trai sinh năm 1995 chính là một hình mẫu điển hình cho câu nói “tài hoa bạc mệnh” khi bóng ma chấn thương không ngừng theo bước anh trong suốt chiều dài sự nghiệp.

Ấy vậy, trong trận đấu với Indonesia ngày 7/6, người ta vẫn thấy bóng dáng gầy gò đó lao vào tranh chấp quyết liệt với những cầu thủ to con của đội bạn, thấy cầu thủ số 11 của tuyển Việt Nam mạnh dạn cầm bóng xộc thẳng vào trung lộ đối phương. Người ta ắt sẽ hỏi, vì điều gì mà Tuấn Anh không tiếc mình như thế?

doi tuyen viet nam tu chuyen bong da den mot the he tre chien dau vi long tu ton dan toc - anh 0
Trong màu áo đội tuyển quốc gia, Tuấn Anh luôn thi đấu đầy nhiệt huyết bất chấp lịch sử chấn thương dày đặc của mình

Thực tế, nhiều cầu thủ trên thế giới đã đánh mất mình sau khi trở lại từ chấn thương. Thế nhưng nhìn lại ĐTQG Việt Nam, người ta thấy Đình Trọng từng dành gần như cả tuổi 22 của mình để điều trị chấn thương sụn chêm gối, thấy Xuân Trường, Văn Thanh từng lên bàn mổ vì đứt dây chằng đầu gối, thấy Tuấn Anh với hơn 12 chấn thương lớn nhỏ trong sự nghiệp.

Thế mới nói, khi khoác trên mình màu áo đỏ, những chàng trai Gen Z không chỉ ra sân để đá bóng, mà là để chiến đấu, vì ngôi sao vàng năm cánh, vì lòng tự tôn dân tộc, vì hàng triệu người hâm mộ nước nhà. Bởi vì chính tinh thần dân tộc đó, họ sẵn sàng vượt qua giới hạn của bản thân mình.

Liều vaccine giữa đại dịch mang tên “Tinh thần dân tộc”

Những ngày qua, cả dân tộc Việt Nam đang cùng nhau chung tay khắc phục và đẩy lùi đại dịch một lần nữa. Trong năm 2020, cả đất nước đã thực sự rơi vào tình trạng “đói” bóng đá cấp độ ĐTQG do ảnh hưởng của đại dịch. Cộng hưởng cùng điều đó, chiến thắng của đội nhà lần này còn rơi vào lúc cả nước đang cùng nhau hiệp lực chống lại sự tái xuất Covid-19, khiến nó như một cơn mưa giữa sa mạc, một niềm vui bất ngờ lan tỏa trên toàn bộ lãnh thổ của một dân tộc yêu bóng đá, đang gồng mình chống lại dịch bệnh.

doi tuyen viet nam tu chuyen bong da den mot the he tre chien dau vi long tu ton dan toc - anh 0
Chiến thắng của ĐTVN và niềm vui lan tỏa cả một dân tộc yêu bóng đá giữa tâm điểm đại dịch

Chiến thắng của ĐTQG Việt Nam không chỉ khẳng định vị thế của bóng đá nước nhà trong khu vực châu Á, mà còn như một vaccine tinh thần cho tất cả đồng bào trên đất nước hình chữ S. Trong suốt những năm qua, cuối cùng bóng đá Việt Nam cũng nhìn thấy được ánh sáng cuối đường hầm. Những cầu thủ Gen Z đó, đã từng gục ngã tại Malaysia vào năm 2017, nhưng rồi lại “rũ bùn đứng dậy sáng lòa” tại Thường Châu 2018, tại SEA Games 2019 và bây giờ là vòng loại World Cup 2022.

Hơn hết, lòng tự tôn và tinh thần dân tộc của những chàng trai chắc chắn sẽ là một niềm cảm hứng, một động lực to lớn cho tất cả mọi người trong công cuộc chiến đấu với đại dịch nói chung, và trong cuộc sống nói riêng. Người ta vẫn thấy trong những chàng trai trẻ của đội tuyển Việt Nam - với ngôi sao vàng trên ngực áo, chạy miệt mài trên sân, không tiếc thân mình, không ngại va chạm, với một tinh thần dân tộc nồng nàn, một lòng tự tôn yêu nước đáng ngưỡng mộ hơn bao giờ hết. 

Đội tuyển Việt Nam sẽ còn hai trận thi đấu với Malaysia (11/6) và UAE (15/6). 

Đội tuyển Việt Nam chiến thắng 4 - 0: Một đêm "đi bão online" của cả nước

Điểm mặt dàn cầu thủ Gen Z trong Đội tuyển Bóng đá Việt Nam tại vòng loại World Cup 2022

Vượt Covid-19, hàng triệu người trẻ "online" trắng đêm đón xem đội tuyển Việt Nam

(

Nguồn: TH&PL

)
Chia sẻ