Mỹ và Nhật Bản là hai thị trường tiêu thụ album K-Pop lớn nhất.
Theo VTV, thống kê thương mại xuất nhập khẩu của Cục Hải quan Hàn Quốc, trong sáu tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu album Kpop đạt 132,93 triệu USD, tăng 17,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Xét theo tiêu chuẩn nửa đầu năm thì đây là giá trị xuất khẩu cao nhất từ trước đến nay.
Nhật Bản - thị trường âm nhạc lớn thứ hai thế giới là đất nước nhập khẩu album Kpop lớn nhất của Hàn Quốc, đạt 48,5 triệu USD trong 6 tháng đầu năm nay. Mỹ là thị trường lớn thứ 2 với 25,51 triệu USD.
Trong khi đó, Trung Quốc là đất nước nhập khẩu album Kpop lớn thứ ba, với 22,64 triệu USD. Năm ngoái, Trung Quốc đứng top 2 nhưng năm nay đã bị Mỹ "truất ngôi". Xếp sau đó là Đức, Đài Loan, Hồng Kông, Hà Lan, Canada, Anh và Pháp.
Thành công của việc xuất khẩu album Kpop năm nay là nhờ những gương mặt tiêu biểu như các nhóm Stray Kids, TXT, SEVENTEEN, ATEEZ, aespa… hay các nghệ sĩ solo Jimin (BTS), Suga (BTS), Jisoo (BLACKPINK).
Jimin - thành viên nhóm nhạc đình đám BTS - đã trở thành nghệ sĩ solo K-Pop đầu tiên đứng vị trí số 1 trên BXH Billboard Hot 100 danh giá với ca khúc Like Crazy. Stray Kids và TXT cũng dẫn đầu BXH Billboard 200 với album của họ.
Các thành viên Jimin và Suga của BTS cũng như các nhóm nhạc SEVENTEEN, Ateez và TWICE đều đạt vị trí thứ 2 trên BXH này. Đặc biệt, "tân binh" FIFTY FIFTY tạo nên kfi tích khi giữ vững vị trí trên BXH Billboard Hot 100 trong 16 tuần liên tiếp với bản hit toàn cầu Cupid.
Ông Choi Kwang Ho, Tổng Thư ký của Hiệp hội nội dung âm nhạc Hàn Quốc (KMCA) nhận định: "Trước đây, Kpop ở Mỹ thường chỉ được nhớ đến với những đại diện là BTS và Blackpink, nhưng hiện nay Kpop đã trở thành một thể loại cụ thể tại thị trường Mỹ. Phải mất vài năm để Kpop thiết lập vị trí hiện tại trong ngành công nghiệp âm nhạc sau khi BTS nhận được Giải thưởng âm nhạc Billboard đầu tiên vào năm 2017. Thị trường phát trực tuyến Kpop ngày càng có nhiều tiềm năng phát triển hơn".
Ngành công nghiệp âm nhạc Kpop 'tấn công' thị trường quốc tế từ những năm 2000, bắt đầu với sự thống trị tại thị trường âm nhạc Nhật Bản - nơi được coi là thị trường âm nhạc lớn thứ hai thế giới. Sau đó ngành công nghiệp Kpop bắt đầu lan rộng ra các nước Đông Á cho đến giữa những năm 2010. Từ năm 2012 - 2022, Trung Quốc luôn giữ vị trí là thị trường tiêu thị các album Kpop lớn thứ hai ngoài Hàn Quốc, ngoại trừ năm 2020.