Năm 2020, điểm chuẩn có phần tăng cao thì năm 2021 điểm thi đại học lại tiếp tục xác lập những kỷ lục mới.
Sau thời gian "lọc ảo", các trường Đại học đã chính thức công bố điểm chuẩn từ chiều ngày 15/9 đến hết ngày 16/9. Đến sáng nay 16/9, đã có trên 60 trường đại học công bố điểm trúng tuyển từ điểm thi tốt nghiệp THPT. Điểm chuẩn các trường công bố đều tăng cao so với những năm trước đây.
Năm 2020, điểm chuẩn các trường đã có phần thay đổi, tăng hơn so với 2018, 2019...điểm đại học năm 2021 như một pháo đài bùng nổ, liên tục xác lập kỷ lục mới tạo nên những bất ngờ đối với sĩ tử.
Dự đoán điểm chuẩn tăng, nhất là các ngành thuộc khối D và liên quan đến Tiếng Anh. Nhưng nhiều giáo viên, thí sinh không khỏi ngỡ ngàng khi mức trúng tuyển một số ngành tăng tới 8, 9 điểm, việc tăng 2-4 điểm đã không còn "lạ".
Các khối ngành hot, điểm gần như tuyệt đối
Tính đến hiện tại, điểm chuẩn cao nhất thuộc về ngành Xây dựng lực lượng Công an Nhân dân của Học viện Chính trị CAND, lên tới 30.34 điểm với nữ (khối C00). Xếp thứ 2 trong khối các trường Công an là điểm chuẩn ngành Nghiệp vụ An ninh của Học viện An ninh Nhân dân với mức 29.99 điểm, áp dụng cho thí sinh nữ ở địa bàn 1 (10 tỉnh miền núi phía Bắc), dự thi khối A01.
Điểm chuẩn ngành Hàn Quốc học của Trường ĐH Khoa học xã hội & Nhân văn, ĐHQG Hà Nội vẫn giữ vị trí cao nhất năm nay khi đạt ngưỡng tuyệt đối 30 điểm với tổ hợp C00 (Văn, Sử, Địa). Đây là năm thứ 2 liên tiếp ngành học này giữ vị trí cao nhất. Những ngành ở ĐH KHXH&NV ở khối C00 có điểm gần như tuyệt đối như Đông phương học (29,8 điểm), Quan hệ công chúng (29,3 điểm).
Các ngành liên quan đến nhóm ngành Khoa học Máy tính ở các trường phía Bắc và phía Nam vẫn giữ vị trí top đầu. Điểm chuẩn của những ngành học này không có nhiều biến động, tăng ở mức rất ít do điểm chuẩn đã luôn ở mức rất cao trong vài năm trở lại đây. Ngành Trí tuệ Nhân tạo được quan tâm nhiều hơn ở năm 2021.
Điểm trúng tuyển ngành Công nghệ thông tin của Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội thấp nhất là 27,19 điểm và cao nhất là 28,43 (ngành Khoa học máy tính). Trường ĐH Bách khoa TP.HCM và ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM, mức điểm chuẩn cao nhất cũng thuộc về ngành Khoa học máy tính với 28 điểm. Đại học CNTT (ĐHQG TP.HCM) với điểm chuẩn 27,5 cho ngành Khoa học Máy tính (Hướng trí tuệ Nhân tạo).
Đại học Công nghệ (ĐH Quốc gia Hà Nội) lấy điểm chuẩn ngành Công nghệ thông tin tới 28,75 điểm. Tại Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, điểm chuẩn ngành Công nghệ thông tin ở mức từ 28,25 với khối A00 và 28,75 điểm với khối A01, D01, D90.
Các trường đào tạo kinh tế, điểm chuẩn vào Trường ĐH Ngoại thương năm 2021 ở trụ sở Hà Nội và TP.HCM đều ở mức trên 28 điểm. Trong đó, cao nhất là điểm chuẩn ngành Kinh tế, Quản trị Kinh doanh (tổ hợp khối A00, trụ sở TP.HCM) với 28,55 điểm.
Tại Trường ĐH Kinh tế quốc dân, cao nhất là điểm chuẩn ngành Logitics và quản lý chuỗi cung ứng với 28,3 điểm. Điểm chuẩn các ngành Kinh tế quốc tế, Kinh doanh quốc tế, Thương mại điện tử, Quan hệ công chúng, Marketting, Kiểm toán đều trên 28 điểm. Đại học Kinh tế TP.HCM với điểm chuẩn cao nhất là ngành Marketing KSA và Kinh doanh quốc tế ISB có điểm chuẩn cao nhất là 27.5 điểm.
Điểm chuẩn nhảy vọt, tăng hẳn 9 điểm
Theo dự đoán ban đầu, khi có phổ điểm ở các môn thi, sự đột biến trong môn Tiếng Anh đã có nhiều thay đổi, biến động với các ngành, cái khối tuyển sinh có môn này. Nhiều chuyên gia tuyển sinh, giáo viên đều chung nhận định điểm chuẩn sẽ tăng mạnh.
Tại trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, hầu hết các ngành của trường đều tăng so với năm ngoái ít nhất 4 điểm. Thậm chí có ngành đã tăng đến 9 điểm.
Cụ thể, các ngành như Ngôn ngữ Anh, Bất động sản, Luật,.. đều có mức điểm trúng tuyển là 15 vào năm ngoái nhưng năm nay cục diện đã thay đổi khi các ngành này đều tăng đột biến về điểm đầu vào, trong đó Ngôn ngữ Anh 24 điểm, Luật 24 điểm, Bất động sản 23 điểm. Điều này đồng nghĩa biến động điểm số từ năm ngoái đến năm nay là rất lớn, nằm ngoài dự đoán của thầy cô và học sinh.
Tương tự, các trường Đại học Sư phạm Hà Nội, điểm chuẩn khối D01 của ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành tăng gần 8 điểm, từ 16,7 (năm 2020) lên 23,95 điểm (năm 2021). Những ngành có Tiếng Anh là môn chính hầu hết đều tăng cao và có điểm chuẩn cao nhất trường.
Lý giải về điều này, bà Vũ Thị Hiền, Trưởng phòng Quản lý đào tạo Trường ĐH Ngoại thương nhận xét, điểm chuẩn các ngành học của trường đều tăng và tăng đều so với năm ngoái, một phần có lẽ cũng bởi mặt bằng chung điểm thi tốt nghiệp THPT môn tiếng Anh năm nay cao.
Đặc biệt, các nhóm ngành Khoa học cơ bản như Toán học, Toán tin, Toán ứng dụng có mức điểm chuẩn tăng 4,25 điểm do với năm ngoái và tăng gần 8 điểm so với 2 năm trước. Nếu năm 2019, nhóm ngành này có điểm chuẩn 16,1 và đến năm 2020 có điểm chuẩn là 20 thì năm nay điểm chuẩn từ 24 điểm. Tăng 4 điểm so với năm 2020.
Học viện Cảnh sát Nhân dân cũng nâng điểm trúng tuyển đối với thí sinh nam xét tuyển ngành Nghiệp vụ cảnh sát theo tổ hợp D01 lên mức cao so với năm trước.
Sư phạm trở lại đường đua ngành hút thí sinh
Tại Đại học Sư phạm Hà Nội so với điểm chuẩn của năm ngoái, ngành Giáo dục chính trị có điểm chuẩn tăng đột biến tới tận 9 điểm. Ngành Giáo dục công dân (mã 7140204B) cũng tăng đến 6,75 điểm.
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 nhìn chung, điểm chuẩn các ngành đào tạo Sư phạm của trường năm nay đều tăng nhẹ, từ 0,5 điểm trở lên. Số thí sinh có nguyện vọng vào trường năm nay tăng so với năm ngoái, đặc biệt với ngành Giáo dục tiểu học.
Đại học Sư phạm TP.HCM cũng có điểm chuẩn vô cùng ấn tượng, điểm chuẩn Đại học Sư phạm TP HCM dao động 19,5 - 27,15, cao nhất ở ngành Sư phạm Tiếng Anh, tăng 0,75 so với năm trước.
Đại học Hồng Đức (Thanh Hóa) lấy điểm chuẩn ngành Sư phạm Ngữ văn chương trình chất lượng cao lên tới 30,5, dù không môn nào nhân hệ số 2. Đối với điểm trúng tuyển ngành này, Đại học Hồng Đức sử dụng kết quả thi THPT (thang điểm 30), cộng cả điểm ưu tiên.
Tiếp đó, ngành Sư phạm Lịch sử CLC với điểm chuẩn là 29,75 điểm. Còn lại, mức điểm trúng tuyển dao động từ 15 đến 28,5 điểm. Riêng Cao đẳng (CĐ) Giáo dục Mầm non có mức điểm trúng tuyển là 17 điểm.
Nguồn: TH&PL