Trần Tình Lệnh đã kết thúc được hai năm nhưng những dư âm về bộ phim vẫn còn đọng lại rất nhiều trong tâm tưởng người hâm mộ.
Tròn hai năm phát sóng, bộ phim truyền hình Trung Quốc Trần Tình Lệnh, cải biên từ tiểu thuyết đam mỹ Ma đạo tổ sư của tác giả Mặc Hương Đồng Khứu, vẫn luôn được khán giả nhớ tới. Vậy bạn đã biết những điều này về phim?

1. Đằng sau Trần Tình Lệnh là những gương mặt ''có số má''
Trên mạng xã hội Trung Quốc Weibo, Trần Tình Lệnh được tìm kiếm nhiều với từ khóa nghệ thuật Trung Quốc cổ phong, thậm chí từng được lên tờ Nhật báo nhân dân về vẻ đẹp văn hóa truyền thống, góp phần giúp công chúng mở mang tri thức.

Không thể không nhắc đến, những bàn tay ma thuật đằng sau vẻ đẹp xuất sắc của Trần Tình Lệnh, đều là những gương mặt nổi bật với dòng phim cổ trang.
Đạo diễn phim Trần Tình Lệnh, Trịnh Vĩ Văn đã từng tham gia Nữ Y Minh phi truyện (2016), Tam quốc cơ mật (2018). Giám chế phim Hàn Chí Kiệt, trước đó đã có tiếng tăm với Mị Nguyệt truyện (2015), Như Ý truyện (2018). Thiết kế tạo hình và phục trang của Trần Tình Lệnh đều do Trần Đồng Huân đảm nhận, người đã từng góp mặt trong Yêu miêu truyện (2017) và Chân Hoàn truyện (2011).
2. Đàn Vong Cơ thật ra là di sản văn hóa
Đàn Vong Cơ, một vũ khí vô cùng lợi hại của Hàm Quang Quân hoàn toàn không phải hư cấu, mà chính là một loại nhạc khí cổ có 7 dây, từng được UNESCO công nhận là di sản văn hóa.

3. Tất cả mọi người đều gọi Ngụy Vô Tiện, chỉ có Lam Trạm gọi Ngụy Anh
Trong Trần Tình Lệnh, nếu bạn chú ý, tất cả nhân vật trong Trần Tình Lệnh đều gọi Ngụy Anh là Ngụy Vô Tiện bởi vì Ngụy Vô Tiện là tên tự, còn Ngụy Anh là tên húy.

Thời xưa ở Trung Quốc, một người sẽ có tên húy (danh), tên chữ (tự) và tên hiệu (hiệu). Một người ban đầu sinh ra sẽ được gọi bằng tên húy, đến khi thành niên sẽ đặt tên tự, tên húy sau đó chỉ có người thân trong gia đình, như cha mẹ, vợ chồng mới được gọi.

Việc đặt tên tự chứng tỏ người đó bắt đầu được mọi người trong xã hội công nhận và tôn trọng, như Gia Cát Lượng tự là Khổng Minh, Tào Tháo tự là Mạnh Đức. Tên hiệu (hiệu) là tên gọi được đặt khi đã thực sự trưởng thành, thường do chính chủ tự đặt để tỏ rõ chí khí, như Lý Bạch thời Đường lấy hiệu là Thanh Liên Cư sĩ.
4. Búi tóc của Lam Vong Cơ
Trong suốt cả bộ phim, Lam Trạm luôn duy trì trạng thái tóc vấn chỉnh tề, chỉ xõa tóc xuống duy nhất trước mặt Ngụy Anh.

Tại sao lại như vậy? Tóc rất quan trọng trong quan niệm Trung Quốc thời xưa, người đến tuổi trưởng thành khi ra ngoài gặp người khác phải vấn tóc chỉnh tề, nếu không sẽ bị coi là thất lễ. Chỉ duy có trước mặt vợ chồng, mới được phép xõa tóc, không cần cài búi theo quy củ.
Nguồn: TH&PL