“Đất Rừng Phương Nam" là tác phẩm điện ảnh có chất lượng tốt củng cố niềm tin của khán giả vào những nhà làm phim Việt.
*Bài viết là quan điểm của tác giả và sẽ tiết lộ một phần bộ phim.
Với mức kinh phí hơn 40 tỷ đồng, Đất Rừng Phương Nam chính là "bom tấn" Việt trên màn ảnh dịp cuối năm này. Đứa con tinh thần của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng đã gây ấn tượng mạnh cho khán giả.
Bản điện ảnh Đất Rừng Phương Nam lấy cảm hứng từ cuốn tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Đoàn Giỏi, một phiên bản mới của phim truyền hình Đất Phương Nam do đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn cầm trịch năm 1997. Câu chuyện xoay quanh cuộc hành trình của An, một cậu bé lưu lạc vì chiến tranh ở miền Tây Nam Bộ trong thời kỳ đầu thế kỷ 20.
Nội dung liên quan
Kịch bản của Đất Rừng Phương Nam không quá khác biệt so với bản truyền hình và tiểu thuyết gốc. Câu chuyện về gia đình An được đan xen với câu chuyện lịch sử về phong trào khởi nghĩa chống thực dân Pháp của nhân dân Nam Bộ. Điều này giúp phần thông điệp của bộ phim trở nên sâu sắc và cao cả.
Tác phẩm mở màn bằng một phân đoạn kịch tính khi bọn thực dân truy lùng mẹ con An vì cha cậu bé bị buộc tội phản tặc. An bắt đầu cuộc hành trình đầy khó khăn để tìm cha với một chiếc vòng cổ là manh mối duy nhất.
Trên đường đi, An gặp nhiều người dân giàu nghĩa khí, cậu học cách chấp nhận mất mát để trưởng thành. Các tình tiết và lời thoại trong phim được sắp xếp một cách khéo léo để làm nổi bật tinh thần hào hùng của cuộc chiến chống ngoại xâm.
Đất Rừng Phương Nam là phim Việt duy nhất tính đến thời điểm hiện có diễn xuất tại không bị "chê". Bởi lẽ từ nhân vật chính đến nhân vật phụ, từ diễn viên mới đến lứa "lão làng" đều thể hiện từ tròn vai cho đến xuất sắc.
Diễn viên Hạo Khang, đảm nhiệm vai chính nhận về nhiều lời khen nhất. Diễn viên nhí đã truyên tải trọn vẹn nhất nét thơ ngây và tinh thần bản lĩnh của cậu bé An.
Diễn viên Tuấn Trần trong vai Út Lục Lâm cũng được khen ngợi. Vốn là tuyến phụ ít thời lượng trong bản truyền hình, lại không có trong tiểu thuyết, hình tượng của Út Lục Lâm ít bị so sánh nhất trong tất cả nhân vật. Màn tương tác giữa An và Út Lục Lâm mang lại những giây phút giải trí cho người xem.
Bên cạnh đó, những gương mặt diễn viên quen thuộc như Hồng Ánh, Hứa Vĩ Văn, Tiến Luật, Trấn Thành, Băng Di, Mai Tài Phến, v.v. cũng bảo chứng cho chất lượng diễn xuất của bộ phim, đảm bảo mạch cảm xúc đa dạng cho khán giả.
Hình ảnh, âm thanh của phim là một điểm sáng lớn, xứng đáng là bộ phim kinh phí "khủng". Mỗi một cảnh quay là rất nhiều tâm huyết của đạo diễn và ê-kíp trong việc lột tả thiên nhiên mảnh đất Tây Nam Bộ.
Bên cạnh hiệu ứng âm thanh sống động, phần âm nhạc cũng đóng vai trò quan trọng trong việc làm nổi bật tâm trạng và cảm xúc của câu chuyện.
Qua bàn tay nhạc sĩ Đức Trí, âm nhạc hỗ trợ dẫn dắt tâm trạng khán giả. Đầu phim, giai điệu không lời của Bài ca đất phương Nam (Lư Nhất Vũ - Lê Giang) được hòa âm trên nền giao hưởng, đưa người xem về không gian bát ngát của ruộng vườn miền Tây. Ở nhiều cảnh - như phân đoạn An bộc bạch nỗi nhớ cha mẹ, ê-kíp sử dụng nhạc cụ truyền thống với tiếng đàn bầu, sáo, nhị để khơi cảm xúc người xem.
Tuy nhiên, phim cũng tồn tại những điểm yếu: kỹ xảo hình ảnh không được tận dụng tốt, một số lời thoại quá hiện đại, không phản ánh thực tế của thời kỳ đầu thế kỷ 20, tạo hình vai diễn bác Ba Phi của Trấn Thành và Võ Tòng của Mai Tài Phến gây tranh cãi. Điều này có thể khiến một số khán giả cảm thấy phim không hoàn toàn chân thực và khá xa lạ với thời kỳ mà nó mô tả.
So với những gì mà bộ phim đã làm được thì đây chính là tác phẩm có chất lượng tốt củng cố niềm tin cho khán giả vào những nhà làm phim Việt Nam.
Cuối cùng, kết thúc mở của Đất Rừng Phương Nam hé lộ cho các phần tiếp theo. Đạo diễn và nhà sản xuất hy vọng rằng phim sẽ gặt hái được nhiều thành công và sự ủng hộ từ khán giả, đồng thời tạo nên sự quan tâm đặc biệt đối với đề tài lịch sử và văn hóa của điện ảnh Việt.
Đất rừng phương Nam là một bộ phim điện ảnh Việt Nam thuộc thể loại sử thi – tâm lý – chính kịch ra mắt vào năm 2023, được dựa trên cuốn tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Đoàn Giỏi và bộ phim truyền hình Đất phương Nam vào năm 1997.