Từ cơn sốt những ngày qua, Đào, Phở và Piano trở thành hiện tượng truyền thông chưa từng có trong lịch sử điện ảnh Việt.
Theo Tiền Phong, chuyên gia truyền thông Ân Nguyễn cho biết, Đào, Phở và Piano đã trở thành trào lưu, sau nhiều ngày được bàn tán trên mạng. Chỉ cần gõ từ khóa "xem" trên Google, kết quả "xem phim Đào, Phở và Piano" đứng thứ 2, chỉ sau "xem phim online".
"Xét trên những chỉ số truyền thông, hoàn toàn có thể gọi 'Đào, Phở và Piano' là hiện tượng truyền thông của làng phim năm nay. Số tương tác và thảo luận của phim ở các hội nhóm, trang về phim luôn cao đáng ngạc nhiên, thậm chí khiến những ai làm marketing phim cũng mơ ước" - chuyên gia nhận định.
Đào, Phở và Piano thắng phần lớn nhờ hiệu ứng mạng xã hội. Nếu không nhờ cơn sốt đặc biệt này, phim rất có thể bị "xếp kho" và chìm dần vào quên lãng như nhiều bộ phim do Nhà nước đặt hàng.
Doãn Quốc Đam - nam chính của bộ phim cũng nhận định: "Đào, Phở và Piano may mắn khi được những TikToker, Facebooker chia sẻ. Nhờ những review ngắn gọn và chân thực của họ, khán giả đã tới rạp phim, tìm mua vé và gây ra cơn sốt tự nhiên như vậy".
Theo Đài Phát thanh & Truyền hình Hà Nội, nhìn trên khía cạnh truyền thông, tác phẩm của đạo diễn Phi Tiến Sơn là hiện tượng lạ của điện ảnh Việt. Không quảng bá, không cần cạnh tranh vẫn làm nên kỳ tích. Nhưng đó chỉ là một cú ăn may nhiều hơn, bởi chi phí cho truyền thông với một bộ phim nhà nước chưa bao giờ là một khoản chi hào phóng.
Cơn sốt Đào, Phở và Piano cũng làm lộ ra nhiều điểm hạn chế của phim nhà nước. Chỉ đến khi phim được bàn tán rộng rãi, tức là 10 ngày sau công chiếu, Đào, Phở và Piano mới đăng tải trailer giới thiệu, nhạt nhòa và không có nội dung hấp dẫn. Nhiều điểm thiếu sót dễ dàng nhận thấy, ngay cả ở poster quảng bá với phông chữ lỗi, hình ảnh bị chê không thể hiện được nội dung phim.
Những thông tin của bộ phim mà khán giả biết được rất ít ỏi. Một số khán giả chỉ biết phim về đề tài lịch sử, hình ảnh liên quan nhỏ giọt, thậm chí ảnh không chất lượng. Khi những bài chia sẻ xuất hiện, nhiều người muốn tham khảo nội dung chính, trailer nhưng chẳng tìm được gì nhiều bởi nhà sản xuất không phát hành.
Đài Phát thanh & Truyền hình Hà Nội còn nhận định: Việc hai cụm rạp tư nhân Cinestar và Beta đều đồng ý phát hành, tự nguyện nộp doanh thu lại cho nhà nước để phục vụ mục đích lan tỏa bộ phim, đóng góp cho nền điện ảnh nước nhà chỉ là nước đi tạm thời, hưởng ứng lời khuyến khích của Bộ. Vì thực tế, cơ chế, nghị định cũng chưa có điều khoản nào mở lối cho phim nhà nước hòa rạp thương mại nếu muốn. Do đó, bài toán về kinh doanh nên được tính đến một cách nghiêm túc ngay từ khi các bộ phim còn ở dạng ý tưởng.
Cơn sốt của Đào, Phở và Piano là bài học cho phim nhà nước đầu tư trong việc cần chuyên nghiệp hơn để có doanh thu thực sự chứ không phải là một cú ăn may chưa chắc có lần hai.
Nguồn: TH&PL