Dựa trên những số liệu về doanh thu phòng vé trong nhiều năm, đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn nhận định khán giả đã và đang xem nhẹ phim Việt chiếu rạp, dù thực tế vẫn có những tác phẩm thành công.
Nguyễn Hữu Tuấn là đạo diễn của Dành Cho Tháng Sáu, đồng thời cũng là người dành nhiều năm nghiên cứu phim ảnh Việt Nam. Trong một buổi chia sẻ cùng chúng tôi, khi được hỏi về thị hiếu của đại chúng ngày hôm nay khác gì so với 5, 10 năm trước, Nguyễn Hữu Tuấn cho rằng "Khán giả dù ở cuối thập niên 2000 đến bây giờ vẫn rất coi thường phim Việt".
"Gần 30 năm với nhiều thế hệ con người, về cơ bản, thái độ của khán giả không đổi. Họ sẵn sàng đi xem phim Trung Quốc, Thái, Hàn và Hollywood, trong khi người ta xem phim Việt với thái độ rất khác. Đương nhiên, chúng ta cũng có những bộ phim thành công, với doanh thu trăm tỷ hoặc vài trăm tỷ, nhưng số lượng quá ít", nhà làm phim chia sẻ.
Doanh thu của Trấn Thành vẫn chỉ là "con số nhỏ"
Trong một nghiên cứu của đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn về phát triển công nghiệp văn hóa của Viện Văn hóa năm 2022, doanh thu phim Việt trong năm 2019, thời điểm trước dịch, là hơn 4000 tỷ. Tuy nhiên, số phim Việt Nam sinh lời chỉ có 6, khoản lỗ áng chừng vài trăm tỷ. Theo anh, ngay trong gia đoạn thành công nhất, đó là một con số quá kinh khủng.
"Tôi không muốn tính thêm năm 2022 chúng ta lỗ bao nhiêu, chắc chắn là tỉ lệ lỗ cao lắm", anh nói thêm.
Đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn nhìn nhận Việt Nam đang có một thị trường điện ảnh rất tiềm năng. Dân số chúng ta là 100 triệu dân, thì Trấn Thành nhiều lắm cũng chỉ khoảng độ 4 - 5 triệu khán giả, tức là rất ít. Anh ví von: "Bởi vì sao? Vì khán giả giống như một thực khách đứng trước bữa tiệc, nhưng bữa tiệc ấy chỉ có đúng một món. Thì như vậy có người thích, nhưng có người thấy không hợp khẩu vị sẽ không ăn. Nếu buổi tiệc ấy có hàng trăm món khác nhau, món nào cũng ngon, cũng hấp dẫn, thì sẽ có nhiều người ăn hơn". Nguyễn Hữu Tuấn đề cập Trấn Thành như đại diện cho khán giả có phim giải trí ăn khách nhất. Còn với các đạo diễn hướng tới dòng phim nghệ thuật, như anh và các đồng nghiệp, số khán giả quan tâm sẽ còn thấp hơn.
Theo đạo diễn, điểm yếu của thị trường Việt Nam là đề tài phim chưa đa dạng, loạt phim Việt ra rạp thì có chất lượng không đồng đều. Công việc của những người làm nghệ thuật, sáng tạo, giải trí là làm sao thỏa mãn được càng nhiều đối tượng càng tốt. Vì vậy, việc đa dạng hóa, thúc đẩy để có nhiều tiếng nói hơn, nhiều cái tôi nghệ thuật hơn xuất hiện thì càng tốt.
Tại sao khán giả xem thường phim Việt?
Lý giải việc khán giả không mặn mà với phim nội địa, Nguyễn Hữu Tuấn thẳng thắn: "Rất dễ hiểu, đó là do phim Việt quá dở. Thấp quá thì người ta xem thường thôi. Còn 5 hay 10 năm trước, người ta đi xem phim vì cái gì, có lẽ cũng không bao giờ thay đổi đâu, nằm trong đúng một từ thôi: 'nội lực'".
Nhìn với góc độ người bỏ tiền đầu tư dự án điện ảnh, Nguyễn Hữu Tuấn nói: "Khi tôi đi đầu tư cho các dự án phim ,tôi có một bảng chấm điểm do tôi tự xây dựng. Trong vòng 10 chỉ số, bảng chấm điểm của tôi bao quát được các vấn đề trong dự án như diễn viên là ai, thể loại gì, nhà phát hành nào, có phù hợp thị hiếu hay không. Trong đó, chiếm đến 30% số điểm là nội dung của bộ phim nữa". Theo anh, một bộ phim sẽ được "cứu" nhờ tên diễn viên và nội dung, bởi hai thông số đó có sức nặng nhất với khán giả. Nếu như phim không có diễn viên nổi tiếng, thì theo anh nội dung phải cực kỳ nổi trội để bù trừ".
Nguyễn Hữu Tuấn khen Tiệc Trăng Máu đáp ứng đủ các hai yếu tố này, dẫn đến việc tác phẩm thành công là điều dễ hiểu. Sau Tiệc Trăng Máu, khán giả cũng mong chờ những phim Việt có "nội lực" tương tự. Điều các nhà làm phim nên lo sợ, theo anh Nguyễn Hữu Tuấn, thế hệ xem phim ra rạp nhiều nhất là Gen Z. Đặc trưng của thế hệ khán giả mới là lớn lên cùng internet và thiết bị thông minh, tầm nhìn của họ đối với phim ảnh cũng khác biệt với thế hệ cha mẹ của họ. Vì vậy, đòi hỏi về thẩm mỹ, về kịch bản của phim Việt càng cao.
Kết lời, anh Nguyễn Hữu Tuấn nhận định nếu các nhà làm phim quá bảo thủ, không chịu thay đổi theo nhu cầu và góc nhìn của thế hệ mới thì thất bại là chuyện đương nhiên. Còn lại, các yếu tố như thể loại hay truyền thông là điều luôn phải làm, bất kể thời đại. Điều mà các nhà sản xuất, phát hành phải làm là thay đổi từ bên trong, từ các "touch point" (điểm chạm) của họ thì mới ăn được. Nếu dùng chiến lược của 10 năm trước áp dụng cho người xem thời nay thì chắc chắc thảm bại.
Nguồn: TH&PL