Đạo diễn có cần "cái tôi" khi làm phim?

Các đạo diễn Trần Hữu Tấn, Nguyễn Hữu Tuấn, Vũ Kim... bàn về cái tôi của nhà làm phim khi đưa sản phẩm ra trước công chúng.

Có ý kiến cho rằng cách quảng bá phim ảnh ở Việt Nam "khang khác" so với phim ảnh thế giới. Chẳng hạn, khi Nhà Bà Nữ ra mắt, Trấn Thành nhân dịp các Cinetour, talk show để diễn giải về các tầng ý nghĩa triết lý trong phim mình. Hay như Vũ Ngọc Đãng phản đối khi phim Chị Chị Em Em 2 của anh bị cho là "thất bại", do có doanh thu kém phim của Trấn Thành. Vũ Ngọc Đãng diễn giải rằng tác phẩm của anh mang giá trị riêng, đồng thời là "chiến thắng" đối với anh. 

dao dien co can cai toi khi lam phim - anh 0
Nhà Bà Nữ (trái) và Chị Chị Em Em 2 là hai phim Việt duy nhất chiếu dịp Tết 2023.

Cứ như vậy, việc khán giả quan tâm về phim thì ít, mà chủ yếu để ý xem phim ảnh Việt có drama gì, phát ngôn gây sốc ra sao. Đây chắc chắn là câu chuyện "mới lạ" ở thị trường Hollywood, bởi James Cameron hay Christopher Nolan sẽ không bao giờ đi khắp nơi hay xuất hiện khắp báo đài để giảng giải phim của họ. Khi một tác phẩm ra rạp, cũng là lúc nó phải tự chịu trách nhiệm với "cuộc đời" của mình. 

Cái tôi của nhà làm phim có cần thiết?

Có thể thấy một trong những vấn đề còn khúc mắc ở thị trường phim Việt là "cái tôi" của nhà làm phim nhiều khi khiến khán giả cảm thấy ngột ngạt, khó chịu. Khi được hỏi về việc nhà làm phim có cần cái tôi không, Trần Hữu Tấn - đạo diễn Chuyện Ma Gần Nhà - nói: "Tôi nghĩ cái tôi trong nghệ thuật của đạo diễn là điều cần thiết và quan trọng. Cái tôi của nhà làm phim là điều không thể thiếu, bởi chỉ từ đó khán giả mới hiểu được cá tính, phong cách của bộ phim mà họ đang xem". 

dao dien co can cai toi khi lam phim - anh 0
Đạo diễn Trần Hữu Tấn.

Anh Trần Hữu Tấn cũng cho biết một bộ phim không có cá tính, không có sự can thiệp hay cài cắm thông điệp của người đạo diễn thông qua ngôn ngữ điện ảnh của anh ta thì sẽ là một phim mờ nhạt. Tuy nhiên, anh cũng phải thừa nhận: "Chưa chắc cái tôi của người đạo diễn sẽ nhận được sự đồng thuận, yêu thích từ phía khán giả".

Cùng câu hỏi, đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn (phim Dành Cho Tháng Sáu) cho rằng: "Trong cuộc sống không ai giống ai cả, nên sáng tác nghệ thuật hay điện ảnh cũng thế thôi. Mỗi người sẽ có phong cách, ngôn ngữ cũng như sứ mệnh, mục đích riêng. Có thể nói đây là chuyện đương nhiên, chứ không phải là 'cần hay không cần'. Ai chưa có cái riêng, cái tôi đó thì có lẽ vẫn còn đang trong giai đoạn sớm trong nghệ thuật, giai đoạn đi tìm chính mình. Lúc này thì chưa hy vọng người đó có thể sáng tác được gì cả, vẫn còn đang học việc, đang cố gắng, thậm chí đang bắt chước các bậc thầy đi trước".

dao dien co can cai toi khi lam phim - anh 0
Đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn.

Theo anh Nguyễn Hữu Tuấn, việc nghệ sĩ có cái tôi riêng rất quan trọng. Bởi vì khi chúng ta nhìn vào một nền văn hóa, để xem nền văn hóa ấy có mạnh, người ta sẽ nhìn vào độ phong phú của nền văn hóa đó. Nền điện ảnh Việt Nam là một phần của nền văn hóa Việt Nam, chúng ta nhìn vào thấy ngay là nó chưa mạnh, bởi vì nó chưa đa dạng. Nền điện ảnh Việt còn đơn giản.

Đạo diễn - nhà sản xuất Vũ Kim đồng quan điểm với hai đồng nghiệp, cho rằng cái tôi luôn là câu chuyện cần thiết. Cái tôi theo anh là trí tưởng tượng của nhà làm phim, thể hiện lên tác phẩm gửi tới đại chúng. 

dao dien co can cai toi khi lam phim - anh 0
Đạo diễn - nhà sản xuất Vũ Kim.

"Gu" của khán giả hiện nay có gì khác biệt

Nói về thị hiếu của khán giả, đạo diễn Trần Hữu Tấn cho rằng: "Sau 5 năm, gu thưởng thức của khán giả thay đổi rất nhiều. 5 năm trước, khán giả thường ra rạp với câu hỏi 'phim này do ai đóng?'. Hiện tại, người xem quan tâm 'phim này có hay không'. Điều này chứng tỏ trình độ thưởng thức của khán giả đã tăng lên".

Nhà sản xuất Vũ Kim phân khúc thị hiếu của khán giả 5 năm trước và hiện tại. Anh nói: "Thời điểm 5 năm trước, tức là khoảng 2017 là thời gian mọi người theo đuổi thể loại phim remake. Sau thành công của Ông Ngoại Tuổi 30Em Chưa 18, thị trường phim ảnh càng thú vị. Thời điểm này, khán giả ra rạp chủ yếu là do bạn bè rủ rê, có người xem lại đến 10 lần. Đến thời hiện tại, các phim thường có xu hướng đưa những câu nói bắt trend, hay những thông điệp triết lý để thu hút độ tuổi khán giả từ 18 - 24. Điển hình như Cua Lại Vợ Bầu, ban đầu vốn doanh thu không khả quan. Sau khi khâu PR đăng lại các lời thoại, khán giả bắt đầu dùng chúng như status Facebook, từ đó tạo hiệu ứng truyền thông lôi kéo người xem ra rạp".

dao dien co can cai toi khi lam phim - anh 0
Em Chưa 18 là hiện tượng điện ảnh đẩy nhiều tên tuổi trong ngành giải trí, trong đó có Kaity Nguyễn.

Anh Vũ Kim nhận định ít phim Việt đủ hay để lôi kéo khán giả bằng thực lực. Năm 2022 có hơn 40 phim Việt ra rạp, nhưng chỉ có hai phim thành công về doanh thu. Khán giả không còn mặn mà với những phim Việt hiện tại, đang mong chờ những làn gió mới.

Đồng ý kiến, đạo diễn Trần Hữu Tấn nhận định" Khán giả khắt khe hơn trong việc mua một chiếc vé ra rạp. Với tôi đây là thử thách, nhưng cũng là tín hiệu tốt đối với thị trường phim Việt. Tự bản thân mỗi nhà làm phim phải không ngừng nâng cao khả năng của mình, cũng như phải tỉ mỉ hơn, đầu tư hơn để làm ra những bộ phim phù hợp với khán giả. Nếu khán giả không khắc khe hơn thì chúng ta sẽ mãi hài lòng với việc làm những bộ phim trái với kỳ vọng của đại chúng".

Đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn thì quan điểm phải gắt gao hơn trong việc phân loại các tập khán giả. Theo anh, sẽ có tập khán giả to hơn, nhưng cũng có tập sẽ nhỏ hơn, rất khó đoán. Vấn đề là phải tìm đúng tập khán giả dành cho bộ phim. Sau đó, chất lượng phim phải làm họ thỏa mãn. Như vậy, những khán giả cốt lõi này sẽ bắt đầu thuyết phục những người xem vốn chưa quan tâm. "Truyền thông miệng" từ đó mới là điểm bắt đầu cho thành công của phim. 

"Nếu Vũ Ngọc Đãng làm phim 'Nhà Bà Nữ' thì chắc đã nói khác"

Nước đi tiếp theo của "Chị Chị Em Em 2"

Thu hơn 100 tỷ không quyết định phim hay, khi "Chị Chị Em Em 2" bị nhận xét "kịch bản yếu"

(

Nguồn: TH&PL

)
Chia sẻ