Danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú bị tước khi nào?

Người có danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú có hành vi thế nào sẽ bị tước?

Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) là danh hiệu do nhà nước trao tặng cho nghệ sĩ có nhiều đóng góp và cống hiến cho nghệ thuật. Theo Điều 9 Nghị định 89/2014/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 40/2021/NĐ-CP, danh hiệu NSƯT dành cho những cá nhân, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật khi đạt các tiêu chuẩn sau:

1. Trung thành với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; điều lệ, nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, địa phương.

2. Có phẩm chất đạo đức, gương mẫu trong cuộc sống, tận tụy với nghề; có tài năng nghệ thuật xuất sắc; có uy tín nghề nghiệp; được đồng nghiệp và nhân dân mến mộ.

3. Có thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp liên tục hoặc cộng dồn từ 15 năm trở lên; riêng đối với loại hình nghệ thuật Xiếc, Múa có thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp liên tục hoặc cộng dồn từ 10 năm trở lên.

4. Đạt một trong các tiêu chí sau:

- Có ít nhất 02 giải Vàng quốc gia (trong đó có 01 giải Vàng là của cá nhân).

- Có ít nhất 01 giải Vàng quốc gia và 02 giải Bạc quốc gia (trong đó có 01 giải Vàng là của cá nhân).

- Có ít nhất 03 giải Vàng quốc gia (nếu không có 01 giải Vàng là của cá nhân).

- Có cống hiến nổi trội, tài năng nghệ thuật xuất sắc, thiếu một trong các giải thưởng trên nhưng được Hội đồng các cấp thảo luận, đánh giá là trường hợp đặc biệt, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trong trường hợp cụ thể sau:

+ Nghệ sĩ là người cao tuổi có nhiều cống hiến, đóng góp trong lĩnh vực nghệ thuật;

+ Nghệ sĩ tích cực tham gia nhiều hoạt động phục vụ nhiệm vụ chính trị lớn của địa phương và đất nước;

+ Nghệ sĩ là giảng viên các trường đào tạo văn hóa, nghệ thuật chuyên nghiệp, đào tạo nhiều thế hệ sinh viên tham gia đạt các giải thưởng cao tại các cuộc thi nghệ thuật chuyên nghiệp quốc tế.

Có thể thấy, danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú là danh hiệu cao quý mà Nhà nước trao tặng cho những cá nhân, tổ chức và phụ thuộc rất nhiều vào phẩm chất, đạo đức cũng như những cống hiến, đóng góp của họ.

Tuy nhiên, các cá nhân khi được phong tặng danh hiệu NSƯT vẫn có thể bị tước danh hiệu khi có hành vi sai trái. Điều 97 Luật Thi đua khen thưởng năm 2003 đã quy định tương đối rõ như sau:

1. Cá nhân được tặng thưởng danh hiệu vinh dự nhà nước mà vi phạm pháp luật thì có thể bị tước danh hiệu vinh dự nhà nước đó theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ.

2. Việc tước danh hiệu vinh dự nhà nước do Chủ tịch nước quyết định.

Ngoài ra, tại khoản 1 Điều 79 Nghị định 91/2017/NĐ-CP cũng quy định về thủ tục, hồ sơ tước hoặc phục hồi danh hiệu, cụ thể: Cá nhân được tặng thưởng danh hiệu vinh dự nhà nước mà vi phạm pháp luật hình sự, bị tòa án xét xử bằng bản án đã có hiệu lực pháp luật và bị tuyên án từ hình phạt tù có thời hạn trở lên thì bị tước danh hiệu vinh dự nhà nước.

Như vậy, mặc dù trước đó nghệ sĩ là người có nhiều đóng góp, cống hiến nổi bật và được trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú, thế nhưng vẫn có thể bị tước danh hiệu nếu:

- Vi phạm pháp luật hình sự;

- Bị tòa án xét xử bằng bản án đã có hiệu lực pháp luật;

- Bị tuyên án từ hình phạt tù có thời hạn trở lên.

Tại đây có "rõ nét" 7749 hình ảnh Hồ Hoài Anh và Hồng Đăng du lịch tại trời Âu

Những chương trình nào của Hồ Hoài Anh, Hồng Đăng bị ảnh hưởng sau thông báo thay thế, cắt bỏ của VTV?

Netizen phản ứng khi diễn viên Hồng Đăng và nhạc sĩ Hồ Hoài Anh bị "réo tên" trong vụ cưỡng hiếp ở Tây Ban Nha

(

Nguồn: TH&PL

)
Chia sẻ