Dàn vận động viên Gen Z dưới đây sẽ giúp bạn mở mang tầm mắt với vẻ đẹp "không đùa được đâu"!
Mỗi lần đến các kỳ đại hội thể thao, vô số người hâm mộ đều dồn mắt về phía các vận động viên để chiêm ngưỡng những màn thi đấu đẳng cấp của họ. Bên cạnh đó, ngoại hình sáng ngời của các vận động viên cũng là một trong những chủ đề thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng.
Cùng điểm qua một lượt dàn vận động viên trai xinh gái đẹp xuất hiện tại Olympic Tokyo 2020 sau đây.
Nữ cung thủ Đỗ Thị Ánh Nguyệt (sinh năm 2001)
Đỗ Thị Ánh Nguyệt, quê Hưng Yên, là vận động viên trẻ tuổi nhất của đoàn thể thao Việt Nam tranh tài tại Olympic Tokyo lần này. Cô cũng là vận động viên môn bắn cung đã mở màn cho đoàn thể thao Việt Nam ở Thế vận hội năm nay, được nhiều người chú ý với gương mặt và nụ cười xinh xắn.
Tháng 12 năm 2019, Ánh Nguyệt tham dự SEA Games 30 tại Philippine. Ngày 8 tháng 12, Ánh Nguyệt cùng Lộc Thị Đào, Nguyễn Thị Phương giành huy chương vàng đồng đội cung 1 dây nữ.
Ở Olympic 2020, Đỗ Thị Ánh Nguyệt mất quyền đi tiếp vào tay cung thủ Ren Hayakawa (Nhật Bản) tại loạt tie-break vòng 1/32 đơn nữ vào sáng 28/7. Tuy nhiên, người yêu thể thao nhận định cô còn nhiều cơ hội ở các mùa giải sau.
Nữ kình ngư Yusra Mardini (sinh năm 1998)
Yusra Mardini là vận động viên có hoàn cảnh khá đặc biệt. Là người Syria nhưng hiện sống tại Đức, cô tham dự với tư cách là thành viên của "đội tị nạn" ở Olympic năm nay.
Năm 2015, Mardini và chị gái liều mạng trốn khỏi Syria do chiến tranh khốc liệt. Khi chiếc thuyền chở mình cùng 20 người tị nạn khác chết máy giữa biển, hai chị em không ngại nhảy xuống nước đẩy thuyền trong gần 4 tiếng đồng hồ. Dù kiệt sức, Mardini vẫn cười nói và huýt sáo để động viên mọi người.
Năm 2017, Mardini được bổ nhiệm làm Đại sứ Thiện chí UNHCR (Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn). Cô khẳng định: "Thể thao là lối thoát cho chúng tôi. Đó là thứ cho chúng tôi hy vọng xây dựng cuộc sống mới".
Mardini hoàn thành nội dung 100m bơi bướm tại Olympic Tokyo 2020 với thành tích 1 phút 06 giây 78. Tuy không thể có mặt ở vòng bán kết, nhưng tinh thần đầy lạc quan của cô đã truyền cảm hứng cho rất nhiều người, đặc biệt là những người yêu thể thao.
Nữ vận động viên Judo Daria Bilodid (sinh năm 2000)
Daria Bilodid sinh năm 2000, thi đấu đại diện cho đội tuyển Ukraina tại Olympic Tokyo 2020.
Cô đã 2 lần vô địch châu Âu, đồng thời là người nắm giữ kỷ lục vô địch Judo thế giới ở độ tuổi 17 trẻ nhất trong lịch sử. Bên cạnh dáng vẻ sắc bén trên sàn đấu, những hình ảnh xinh đẹp đời thường của cô được nhiều người hâm mộ chú ý và theo dõi.
Tại Olympic Tokyo 2020, Daria Bilodid thi đấu đại diện cho đội tuyển Ukraina, vừa đoạt huy chương đồng Judo nữ ở hạng cân 48kg.
Nữ cung thủ Valentina Acosta Giraldo (sinh năm 2000)
Giraldo từng giành chức vô địch nội dung cung một dây tại giải bắn cung trẻ thế giới năm 2019. Tại Olympic Tokyo năm nay, Valentina Acosta Giraldo chạm trán với Sarath Bettles của Vương quốc Anh ở vòng 1/32 cung một dây, và thua với tỉ số 6-4.
Nữ vận động viên điền kinh Alica Schmidt (sinh năm 1998)
Alica Schmidt là thành viên trong đội tuyển đại diện cho nước Đức góp mặt tại Olympic năm nay, với nội dung 4x400m nữ, diễn ra vào ngày 5/8/2021. Trong quá khứ, cô và đồng đội từng giành Huy chương bạc 4x400m nữ giải U20 châu Âu năm 2017 và Huy chương đồng 4x400m nữ U23 châu Âu năm 2019.
Tạp chí Busted Coverage (Australia) từng bình chọn Alica Schmidt là "Nữ VĐV quyến rũ nhất hành tinh" vào năm 2017. Cô cũng được nhiều nhãn hàng đại diện "chọn mặt gửi vàng" để làm người mẫu quảng cáo, trong đó có Puma.
Schmidt cho biết, dù nhận quảng cáo nhưng ưu tiên số 1 của cô vẫn là thể thao. Mặc dù được nhiều người hâm mộ chú ý với body nóng bỏng và đôi mắt xanh, cô kiên định mong muốn được nhìn nhận là một vận động viên thể thao thay vì là biểu tượng sắc đẹp hay tình dục. Cô đã từng từ chối chụp hình khỏa thân cho tạp chí Playboy bất chấp thù lao lớn.
Nam kình ngư Santisouk Inthavong (sinh năm 1999)
Santisouk Inthavong còn có tên gọi khác là Tommy Nguyễn vì là con lai Việt - Lào. Từ năm 2014 đến nay anh đã về Việt Nam để học tập, đang là sinh viên năm 3 khoa Quan hệ Quốc tế, ĐH KHXH&NV - ĐH QG TP.HCM. Sở hữu ngoại hình ưa nhìn, chiều cao 1m75 cùng body xịn xò, anh được nhiều bạn học và người hâm mộ chú ý.
Tại Olympic 2020, anh sẽ đại diện cho đội tuyển bơi lội Lào thi đấu với nội dung nam 50m bơi tự do, sẽ diễn ra vào ngày 30/7/2021.
Nam vận động viên bóng chuyền Ran Takahashi (sinh năm 2001)
Sở hữu dòng máu lai Đức và sinh trưởng trong gia đình yêu thể thao, Ran bắt đầu chơi bóng chuyền từ tiểu học. Trước khi góp mặt ở Đội tuyển bóng chuyền nam Nhật Bản, Ran từng chơi cho đội bóng Đại học Khoa học Thể thao Nippon, nhận giải thưởng "Cầu thủ ghi bàn xuất sắc nhất" từ Giải vô địch bóng chuyền liên trường toàn Nhật Bản 2020.
Nam kình ngư Welson Sim (sinh năm 1997)
Tuy chỉ lên hình vài giây ngắn ngủi trong Lễ khai mạc Olympic, nhưng Welson Sim nhanh chóng nhận được sự quan tâm của cộng đồng mạng với ngoại hình điển trai.
Là người Malaysia đầu tiên phá kỷ lục 50 giây ở nội dung 100m tự do nam tại Giải vô địch Australia 2019, không nhiều người biết anh bị chẩn đoán mắc bệnh hen suyễn khi còn nhỏ. Khi lên 10 tuổi, mẹ đã giới thiệu anh đi bơi để cải thiện tình trạng, sau đó hai năm, anh đã trở thành thành viên của đội tuyển bơi lội tỉnh Sarawak.
Đại diện cho đội tuyển Malaysia tranh tài ở hạng mục bơi lội nam 200m và 400m, Welson Sim không giành được huy chương, nhưng anh bày tỏ việc được thi đấu tại Thế vận hội là giấc mơ từ lâu của mình.
Nguồn: TH&PL