Đại dịch Covid đã tác động nền điện ảnh năm 2020 ra sao?

Năm 2020 có lẽ chính là “bộ phim kinh dị” nhất mà điện ảnh thế giới từng được chứng kiến.

Đại dịch Covid đã tác động nền điện ảnh năm 2020 ra sao?

Dù bùng phát trong thời gian chưa tròn một năm, những gì mà đại dịch Covid-19 gây ra đã và đang làm thay đổi bộ mặt sâu sắc mọi hoạt động của thế giới. Cũng như nhiều lĩnh vực khác (du lịch, hàng không, thương mại…), ngành công nghiệp phim ảnh cũng gánh chịu những tổn thất nặng nề và bắt đầu có sự biến chuyển rõ rệt.

Doanh thu phòng vé sụt giảm nghiêm trọng

Năm 2019, doanh thu phòng vé toàn cầu đạt con số kỉ lục là 42,5 tỉ USD. Nhưng đại dịch Covid-19 bùng nổ, khiến mọi viễn cảnh về một năm 2020 với mức doanh thu khổng lồ tan thành mây khói. Thậm chí, nó còn tạo ra những thiệt hại nặng nề.

dai dich covid da tac dong nen dien anh nam 2020 ra sao - anh 0
"The Eight Hundred" là bộ phim có doanh thu cao nhất phòng vé Trung.

 Trong hai tháng đầu năm 2020, phòng vé Trung Quốc chỉ thu về 3,9 triệu USD, quá nhỏ bé khi so với 2,148 tỉ USD trong hai tháng đầu năm 2019. Theo số liệu từ Box Office Mojo thì năm 2019, doanh thu phòng vé khu vực Bắc Mỹ là 11,4 tỉ USD, nhưng tính đến tháng 10/2020 thì con số này chỉ khiêm tốn ở mức gần 2 tỉ USD (giảm 76%). Tỷ lệ tổn thất doanh thu phòng vé từ tháng 1 đến tháng 3 năm 2020 là: 70-75% ở Ý, 60% ở Hàn Quốc, 35% ở Hong Kong, Philippines và Singapore và 30% ở Đài Loan. 

9/10 phim có doanh thu cao nhất năm 2019 đều đạt mốc doanh thu trên 1 tỉ USD, riêng Avengers: Endgame là 2,7 tỉ USD. Năm nay, hai bộ phim có doanh thu cao nhất là The Eight Hundred (Trung Quốc) với 460 triệu USD và Bad Boys for Life (Mỹ) là 426 triệu USD. Vào ngày 19/3, Disney và Universal tuyên bố rằng họ sẽ không tiếp tục báo cáo số liệu phòng vé.

dai dich covid da tac dong nen dien anh nam 2020 ra sao - anh 0
Con số 426 triệu USD của "Bad Boys for Life" từ đầu năm vẫn chưa bị xô đổ.

Doanh thu sụt giảm nghiêm trọng bắt đầu từ việc các quốc gia thực hiện chính sách "giãn cách xã hội" với quyết định đóng cửa hoặc giới hạn các rạp chiếu phim. Tháng 1/2020, Trung Quốc đã đóng cửa 70.000 rạp chiếu phim. Vào ngày 17/3, các rạp chiếu phim trên khắp Hoa Kỳ đã đóng cửa. 

Nhưng khi tình hình bớt căng thẳng, các rạp phim rục rịch mở cửa trở lại thì mọi chuyện cũng chẳng khá hơn là bao. Lí do là khán giả vẫn còn lo sợ dịch bệnh chưa được kiểm soát, tình trạng mất việc làm, suy giảm kinh tế cá nhân cũng khiến nhu cầu xem phim trở thành xa xỉ. 

Trước tình trạng không có khán giả, Cineworld Group - chuỗi rạp phim lớn thứ hai thế giới đã tuyên bố đóng cửa tất cả các rạp chiếu ở Anh và Mỹ vào giữa tháng 10. Quyết định này sẽ khiến 45.000 nhân viên bị ảnh hưởng.

Bom tấn cũng không thể cứu vãn tình thế

Trong nỗ lực thu hút khán giả ra rạp (với yêu cầu đeo khẩu trang và chỗ ngồi cách nhau), Warner Bros. quyết tâm cho ra mắt Tenet của đạo diễn Christopher Nolan vào đầu tháng 9. Đây là bom tấn đầu tiên được công chiếu kể từ sau quyết định đóng cửa rạp phim vì đại dịch Covid-19. Sau 8 tuần, bộ phim thu về con số 347 triệu USD. 

CEO của Warner Bros là Ann Sarnoff tuyên bố ông cảm thấy hài lòng với những gì mà Tenet làm được giữa bối cảnh khó khăn. Nhưng theo Forbes, bom tấn trị giá 200 triệu USD là “đúng phim, sai thời điểm”. 

dai dich covid da tac dong nen dien anh nam 2020 ra sao - anh 0
"Tenet" là bom tấn duy nhất trong năm 2020.  

Nếu ra mắt ở thời điểm bình thường, Tenet có thể sẽ là một tác phẩm nổi bật giữa một rừng những phim siêu anh hùng, hậu truyện như Black Widow, Minions 2, Top Gun: Maverick,… Nhưng ở thời điểm hiện tại, phim không đủ làm khán giả hài lòng hoặc đủ tính thương mại để trở thành “vị cứu tinh”.

Nhìn vào tấm gương Tenet, rất nhiều bom tấn đã quyết định tiếp tục dời lịch công chiếu. Wonder Woman 1984 dự định ra mắt vào tháng 6 nhưng nay đã chuyển sang tháng 12 và có thể tiếp tục bị hoãn, No Time to Die, Fast and Furious 9, Morbius,... được đẩy sang năm 2021. 

Nền điện ảnh trước nguy cơ khủng hoảng sâu sắc

Để bảo đảm an toàn, nhiều sự kiện phim ảnh đã bị huỷ bỏ như liên hoan phim Cannes 2020, Tribeca 2020, liên hoan phim quốc tế Bắc Kinh,... Một số sự kiện vẫn được diễn ra như lễ trao giải César lần thứ 45, giải thưởng Phim Hàn lâm Nhật Bản lần thứ 43. Nhưng chúng được tổ chức trong cảnh không có sự tham gia của khách mời lẫn báo chí. 

Sắp tới, lễ trao giải Oscar lần thứ 93 có thể cũng rơi vào cảnh bị hoãn hoặc huỷ trước những khó khăn chồng chất như: không đủ tác phẩm dự thi, không đủ sức hấp dẫn người xem… Hoặc nếu có tổ chức, thì có lẽ đây sẽ là lễ trao giải có thời lượng ngắn hơn mọi năm.  

dai dich covid da tac dong nen dien anh nam 2020 ra sao - anh 0
Liên hoan phim Venice năm nay diễn ra trong bối cảnh đại dịch. 

Một số ý kiến cho rằng, khi tình hình bình thường trở lại, một số sự kiện ít quan trọng hơn có thể bị xoá bỏ vĩnh viễn để giảm bớt gánh nặng tài chính trong thời kì suy thoái do đại dịch. Dưới tác động của dịch, quá trình sản xuất phim cũng gặp trở ngại. Các biện pháp cách li, phòng dịch (mua dụng cụ, thuê nhân viên y tế) khiến cho chi phí làm phim gia tăng.

Theo các chuyên gia, việc phòng dịch tại phim trường có thể khiến ngân sách đội lên 1 triệu USD một phim có kinh phí thông thường. Quy trình phòng dịch khiến công việc trở nên lâu hơn, quá trình quay phim sẽ kéo dài hơn. Một bộ phim lên lịch quay trong 8 tuần có thể phải mất thêm 2 tuần nữa. Thời gian càng dài thì chi phí lại càng tăng. Điều này có thể sẽ khiến các nhà đầu tư bớt chi tiền vào sản xuất phim hơn. Các phim độc lập cũng khó thu hút được nguồn vốn. 

Thời cơ của dịch vụ trực tuyến

Nếu như Covid 19 khiến các hệ thống rạp phim lâm vào tình cảnh khốn đốn, thì nó lại mở ra cơ hội tuyệt vời dành cho các dịch vụ trực tuyến. Quy định giãn cách xã hội buộc mọi người phải làm việc tại nhà, các hoạt động giải trí ngoài trời bị huỷ đã khiến cho mô hình giải trí trực tuyến trở thành sự lựa chọn tuyệt vời. 

Theo ước tính, dịch vụ trực tuyến Disney+ của Disney đã ghi nhận số tài khoản đăng kí sử dụng trên toàn cầu tăng gấp đôi, đạt mốc 50 triệu người dùng kể từ khi dịch bệnh bùng phát vào tháng 2. Disney+ chỉ mới chính thức ra mắt được khoảng 5 tháng.

dai dich covid da tac dong nen dien anh nam 2020 ra sao - anh 0
"Mulan" là ví dụ điển hình của việc phim trực tuyến thành công ra sao trong mùa dịch.

Một trong những thương hiệu “ăn nên làm ra” nhiều nhất trong mùa dịch Covid 19 là Netflix - dịch vụ streaming có xuất thân từ một cửa hàng cho thuê DVD trực tuyến - đã có thêm 25 triệu đăng kí mới trong 6 tháng đầu năm nay. Trong đó, 46% đăng kí mới của quý 3/2020 thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Dù tốc độ đăng kí mới đang giảm, chỉ còn 2,2 triệu lượt tính từ tháng 7 đến tháng 9 nhưng vị thế của Netflix vẫn lớn hơn hẳn các đối thủ như Hulu, Amazon, HBO Max,... Hiện tại, ước tính có hơn 195 triệu người đăng kí sử dụng Netflix. 

Dịch bệnh cũng đã làm thay đổi phương thức phát hành phim. Trong lúc chật vật không thể ra rạp, thì ý tưởng đưa phim mới lên các dịch vụ streaming (vốn bị chê bai, chỉ trích) lại trở thành chiến lược khôn ngoan. Việc đưa thẳng phim lên các dịch vụ trực tuyến, áp dụng hình thức PVOD (xem phim theo yêu cầu) hay SVOD (trả tiền xem từng phim) vừa giúp phim ra mắt khán giả, có doanh thu mà không cần chi tiêu quá nhiều cho việc quảng bá và bị chia lợi nhuận với rạp chiếu.

Tuy nhiên, điều này cũng khiến cho các rạp phim - mô hình chiếu phim truyền thống tức giận. AMC - hệ thống rạp phim lớn nhất thế giới từng tuyên bố tẩy chay Universal khi hãng này đưa thẳng Trolls World Tour lên streaming mà không qua rạp. Tháng 7, hai bên đã đi đến thoả thuận rút ngắn thời gian đưa phim lên streaming sau khi phát hành tại rạp (còn 17 ngày thay vì phải chờ 90 ngày như trước). Một thương lượng để hai bên cùng tồn tại trong thời điểm khó khăn.

dai dich covid da tac dong nen dien anh nam 2020 ra sao - anh 0
"Trolls World Tour" đã tạo ra tiền lệ cho các phim chiếu rạp lẫn trực tuyến.

Rút kinh nghiệm từ tranh cãi giữa AMC và Universal, Disney đã đưa bom tấn trị giá 200 triệu USD của mình là Mulan lên dịch vụ Disney Plus (với giá xem là gần 30 USD), đồng thời vẫn phát hành ở những nơi rạp phim được phép mở cửa. Phim thu về 70 triệu USD ở thị trường rạp và là bộ phim được xem nhiều nhất trên các dịch vụ streaming (theo thống kê của The Hollywood Reporters). 

Gần đây, có thông tin MGM đang cân nhắc đưa bom tấn mới về James Bond là No Time to Die lên dịch vụ trực tuyến. Hai đơn vị tỏ ý quan tâm là Netflix và Apple. Tuy nhiên, con số 600 triệu USD mà MGM đưa ra là quá lớn. No Time to Die vẫn giữ ngày ra mắt vào tháng 4/2021. Bản thân MGM vẫn muốn giữ phim phát hành tại rạp, với mong muốn thu lợi nhiều hơn và “giữ gìn” giá trị thương hiệu trong mắt khán giả. Nhưng trong bối cảnh kinh tế suy giảm vì dịch, việc giữ phim càng lâu lại càng phát sinh nhiều tốn kém. 

dai dich covid da tac dong nen dien anh nam 2020 ra sao - anh 0
dai dich covid da tac dong nen dien anh nam 2020 ra sao - anh 0
Rạp chiếu phim ngoài trời ở một bảo tàng kỹ thuật ở Speyer, Đức.

Song song với streaming - hình thức xem phim mới thì “xem phim trong ô tô” đang dần trở lại. Hình thức xem phim này từng rất thịnh hành vào những năm 1950-1960. Ngoài ra, xem phim ngoài trời cũng là một cách xem phim nở rộ vào mùa dịch. Dù xã hội đang đối mặt với nhiều thay đổi, thì nhu cầu thưởng thức phim của con người vẫn không bị giới hạn. Và phim ảnh vẫn đang tìm cách sinh tồn trong hoàn cảnh khó khăn.

Một tương lai còn nhiều bấp bênh

Năm 2020 qua đi sẽ để lại cho năm 2021 với nhiều trọng trách. Đầu tiên là nhiệm vụ cứu vớt doanh thu phòng vé. Đây cũng là năm quy tụ số lượng lớn các phim bom tấn, khi rất nhiều phim của năm trước bị hoãn lại để chờ ra mắt vào năm sau. Việc đầu tư cho phim ảnh cũng trở nên khó khăn hơn, khi đầu tư tốn kém mà khả năng thu hồn vốn lại mịt mờ.

dai dich covid da tac dong nen dien anh nam 2020 ra sao - anh 0
Phải mất bao lâu để mọi thứ có thể trở lại bình thường?

Các sự kiện xa hoa cũng sẽ bị cắt giảm. Hình ảnh những lễ trao giải lung linh sẽ nhường chỗ cho những buổi lễ gọn nhẹ, đơn giản. Những thảm đỏ lộng lẫy với các ngôi sao diện váy áo rực rỡ có thể sẽ không còn hiện diện nhiều với công chúng. Thay vào đó, các ngôi sao sẽ ngồi nhà, thực hiện công việc quảng bá, nhận giải, phỏng vấn hay thậm chí là quay phim bằng hình thức livestream…Nền điện ảnh sau thời kì đại dịch Covid 19 sẽ mang một diện mạo rất khác.

Tuy nhiên, dù có tìm mọi cách để vượt khó, thì số phận chung của nền điện ảnh phụ thuộc rất nhiều vào khả năng kiểm soát dịch của các quốc gia cũng như quốc tế. 

(

Nguồn: TH&PL

)
Chia sẻ