Đại dịch COVID-19 đang đẩy Hollywood đến bờ vực thẳm. Hollywood chỉ có một lựa chọn: Thay đổi để tồn tại
Ngày 10/10/1918, trong khi đợt tử vong thứ hai do dịch cúm Tây Ban Nha đang bùng phát tại Mỹ, dòng thông báo "Không có phim mới cho đến khi dịch cúm kết thúc" trên tờ New York Times như phủ thêm sắc màu tăm tối lên cuộc sống vốn đã ảm đạm của một xã hội đang khủng hoảng.
Một thế kỷ sau, trong một trận đại dịch khác, nền công nghiệp điện ảnh Hollywood lại đối mặt với thách thức. Nhưng không phải vì họ không thể sản xuất hay công chiếu những bộ phim mới. Bằng dịch vụ phát trực tuyến, video theo yêu cầu (VOD), rạp chiếu ảo, một lượng phim ổn định đã được phát hành mỗi tuần bất chấp sự bùng phát của dịch COVID-19.
Chỉ tính riêng mục review phim của tạp chí The Times đã giới thiệu hơn 460 bộ phim mới kể từ giữa tháng Ba. Tuy nhiên, cho đến gần đây, những bộ phim đã ra mắt hầu như không phải là những bom tấn kinh phí lớn mà Hollywood từng sản xuất, chỉ có vài phim là ngoại lệ. Tám tháng sau đại dịch, các cách thức kinh doanh điện ảnh đang thay đổi.
Các hãng phim chuyến dần sự tập trung sang các dịch vụ phát trực tuyến
Tháng trước, Disney đã thử nghiệm cung cấp các bộ phim trên dịch vụ đang phát triển nhanh chóng Disney +. Đầu tiên là với bom tấn 200 triệu USD Mulan và sau đó là bộ phim Soul của Pixar cũng sẽ ra mắt vào dịp lễ Giáng sinh.
Sau thất bại của Tenet, Warner Bros. quyết tâm học theo đối thủ khi thông báo rằng Wonder Woman 1984 - một bộ phim có thể đã kiếm được 1 tỷ USD tại phòng vé trong một mùa hè bình thường không dịch bệnh, sẽ đồng thời ra rạp và lên sóng HBO Max vào tháng tới. Phần lớn người trong ngành vẫn chưa chắc chắn về cách kinh doanh điện ảnh sẽ tồn tại sau đại dịch.
Nhưng chúng ta có thể thấy rõ ràng rằng Hollywood sau này sẽ không còn giống như trước đây. Cũng giống như Dịch cúm Tây Ban Nha đã loại bỏ các công ty nhỏ hơn và góp phần hình thành hệ thống studios, COVID-19 đang tái thiết Hollywood, đẩy nhanh sự lột xác kỹ thuật số và sắp xếp lại một ngành công nghiệp vốn đã phát triển.
Nhà sản xuất kỳ cựu Peter Guber, chủ tịch của Mandalay Entertainment và là cựu giám đốc của Sony Pictures cho biết: “Tôi không nghĩ thần đèn sẽ trở lại trong chai. Đó sẽ là một hệ thống studios mới. Thay vì MGM và Fox, doanh thu sẽ đến từ Disney và Disney +, Amazon, Apple, Netflix, HBO Max và Peacock."
Nhiều mục tiêu trong năm 2020 đã phải thay đổi do tình hình bệnh dịch. Tuy nhiên, một số hãng phim đang thực hiện những kế hoạch dài hạn hơn xung quanh dịch vụ phát trực tuyến. WarnerMedia, thuộc tập đoàn AT&T (chủ sở hữu Warner Bros.), hiện được điều hành bởi Jason Kilar, người được biết đến là cựu giám đốc điều hành của Hulu.
Tháng trước, giám đốc điều hành của Disney, Bob Chapek, đã tuyên bố tái tổ chức nhằm tập trung quạnh dịch vụ phát trực tuyến và "đẩy nhanh hoạt động kinh doanh trực tiếp đến người tiêu dùng." Universal, thuộc sở hữu của Comcast, đã đẩy mạnh hoạt động video theo yêu cầu. Bước đột phá lớn đầu tiên của hãng, Trolls World Tour đã làm mất lòng các chủ rạp phim.
Nhưng khi đại dịch tiếp diễn, Universal đã thực hiện các thỏa thuận chưa từng có với AMC và Cinemark, các chuỗi rạp chiếu lớn nhất và lớn thứ ba nước Mỹ, để rút ngắn đáng kể thời lượng chiếu rạp truyền thống (thường là khoảng ba tháng) xuống chỉ còn 17 ngày. Sau thời gian đó, Universal có thể chuyển các bản phát hành không đạt đến ngưỡng doanh thu phòng vé nhất định sang cho thuê kỹ thuật số.
Trong khi Regal Cinemas, chuỗi rạp chiếu phim lớn thứ hai tại quốc gia này, đã từ chối những thỏa thuận như vậy, nhưng có sự thừa nhận rộng rãi rằng những ngày chiếu rạp kéo dài 90 ngày đã qua. Đó là điều mà các hãng phim đã tìm kiếm từ lâu vì lợi ích tiềm năng của việc tận dụng cả hai nền tảng chiếu rạp và kỹ thuật số chỉ bằng một chiến dịch tiếp thị, là rất lớn.
Nhiều người cho rằng đại dịch đang thúc đẩy một xu hướng kéo dài hàng thập kỷ.
Chris Aronson, giám đốc phân phối của Paramount cho biết: “Sự tiến hóa đang diễn ra nhanh hơn. Những sản phẩm mà bình thường có thể mất từ ba đến năm năm để hoàn thành sẽ được thực hiện trong một năm, hoặc một năm rưỡi."
Sự thay đổi nhanh chóng đó đang xảy ra cùng lúc với cơn sốt thị phần phát trực tuyến, khi Disney +, HBO Max, Apple và Peacock lao vào giành giật thị phần khán giả xem tại nhà do Netflix và Amazon thống trị. Với việc các công viên giải trí đang gặp khó khăn và doanh thu phòng vé trên toàn thế giới giảm hàng chục tỷ USD, dịch vụ chiếu phim trực tuyến là một cứu cánh cho các công ty truyền thông.
Đại dịch có thể mang đến cơ hội chỉ có một lần trong đời, để thu hút thêm hàng triệu người đăng ký các gói dịch vụ của Netfflix hay HBO Max. Mỗi studio, đang thực hiện các cách tiếp cận khác nhau. Paramount và Sony không có dịch vụ phát trực tuyến. Cả hai đều đã giữ lại các bom tấn đình đám của mình trong khi bán nhiều phim cỡ vừa cho những người phát trực tiếp.
Đối với Paramount, A Quiet Place: Part II, Top Gun Maverick và Mission: Impossible 7 là những phim đang được khán giả chờ mong vào năm 2021. Trong khi đó, The Trial of the Chicago 7 kiếm được 56 triệu USD từ Netflix và Coming to America 2 của Eddie Murphy phát sóng trên Amazon Prime thu về 125 triệu USD.
HBO Max đã có màn ra mắt khó khăn hơn Disney +, vì vậy Wonder Woman 1984 sẽ là một cột mốc đặc biệt quan trọng đối với Warner Bros. sau khi Tenet không đạt được thành công như mong đợi. Là bộ phim đầu tiên chiếu thử nghiệm tại các rạp đáp ứng các chỉ tiêu an toàn, cũng như giảm lượng người xem trong một suất, tác phẩm đã kiếm được khoảng 350 triệu USD trên toàn thế giới.
Đây là con số lớn trong bối cảnh hiện tại nhưng dĩ nhiên chẳng vừa lòng các nhà sản xuất. Nhà phân tích Douglas Mitchelson của Credit Suisse gọi các kế hoạch phát hành Wonder Woman 1984 - bao gồm chiếu rạp ở Trung Quốc, châu Âu và các nơi khác - là "một thử nghiệm lớn có thể có ý nghĩa lâu dài nếu thành công."
Đạo diễn Patty Jenkins thừa nhận việc phát hành đồng thời trên cả hai nền tảng là một kiểu hy sinh, không chỉ đối với HBO Max mà còn đối với các gia đình đang mắc kẹt ở nhà.
Tuy nhiên, những động thái như vậy vẫn được hoan nghênh, ngay cả khi hiệu quả tài chính của họ vẫn mờ mịt (không có hãng phim nào minh bạch về số lượng người xem hoặc tổng doanh thu kỹ thuật số) và không chắc chắn về khả năng tồn tại lâu dài của phương thức phát hành phim này.
Bạn có thể thu về 1 tỷ USD doanh thu phòng vé trong các gói đăng ký mới trên các kênh trực tuyến không? Và liệu việc một người đăng ký xem bộ phim điện ảnh mới một lần (không giống như một bộ phim dài nhiều tuần hoặc nhiều tháng) sẽ thúc đẩy họ gắn bó với loại hình phát sóng này trong bao lâu khi các dịch vụ phát trực tuyến tiến gần hơn đến việc khai thác nhiều hộ gia đình nhất có thể?
Ira Deutchman, nhà sản xuất phim độc lập kỳ cựu và là giáo sư Đại học Columbia cho biết: “Toàn bộ sự việc phức tạp hơn mọi người tưởng. Cách thức sản xuất và phân phối phim, thực sự cần thay đổi và hy vọng điều này sẽ tiếp tục."
Deutchman cho rằng mọi người, sau một năm bị cách ly và phong tỏa, sẽ không muốn rời khỏi phòng khách của mình . Nhưng biết đâu "một trạng thái cân bằng mới" giữa các nhà phân phối và chủ sở hữu rạp hát sẽ ra đời.
Bởi vì sau cơn khủng hoảng, liệu khán giả có còn cảm thấy thoải mái khi ngồi trong các rạp chiếu phim chật kín người vào mỗi cuối tuần? Điều đó có nghĩa là những bộ phim được công chiếu hàng tháng trời như Titanic (1997) hay Get Out (2019) đã trở thành dĩ vãng. Và càng nhiều các bộ phim có thời gian chiếu rạp ngắn ngủi, để rồi xuất hiện trên các kênh phim trực tuyến cho khán giả chọn lựa.
Tuy nhiên, sau nhiều thập kỷ lượng người đến rạp giảm dần đều qua từng năm, hầu hết ý kiến đều cho rằng các rạp chiếu phim nên đổi mới thay vì chăm chăm tăng giá vé.
Jeff Bock, nhà phân tích phòng vé cấp cao của Ex Exhibitor Relations cho biết: “Triển vọng cho các chuỗi rạp chiếu phim lớn là khá tồi tệ. Thời gian công chiếu rút ngắn sẽ đồng nghĩa với việc ít phim - kể cả phim do Marvel phát hành - có thể đạt doanh thu phòng vé 1 tỷ USD trên toàn thế giới. Một số hãng phim, như Disney, đang vận hành các rạp hát giống như một "công viên chủ đề mini" với các gian hàng đồ chơi được đặt khắp các hành lang."
Trong khi đó, các rạp chiếu phim đang hy vọng vào sự cứu trợ rất cần thiết từ Quốc hội. Với sự bành trướng ngày càng tăng của COVID-19, chỉ có khoảng 40% rạp chiếu phim ở Mỹ mở cửa; ở New York và Los Angeles, các rạp chiếu đã đóng cửa từ tháng Ba. Các chuỗi rạp chiếu phim đã phải vay nợ để tồn tại và tránh rơi vào cảnh phá sản. Cineworld, chủ sở hữu của Regal Cinemas (hiện đã đóng cửa hoàn toàn) hôm thứ Hai đã công bố một thỏa thuận cho khoản vay giải cứu 450 triệu USD.
Đối với ngành kinh doanh phim, kỳ nghỉ lễ Giáng sinh và Năm mới là thời điểm mà các rạp chiếu mang lại nhiều lợi nhuận nhất. Nhưng năm nay, tình hình đã khác. Chưa biết liệu điện ảnh năm 2021 và những năm tiếp theo sẽ thay đổi như thế nào. Tuy nhiên, một số điều có thể không bao giờ thay đổi. Cho dù là phát trực tuyến hay trong rạp chiếu phim, lợi nhuận vẫn được đặt lên hàng đầu.
Nguồn: TH&PL