Cựu thí sinh và hội "fan cứng" Olympia: 21 năm cùng "leo đỉnh" không thể nào quên!

Đường Lên Đỉnh Olympia huyền thoại: 21 năm chắp cánh cho những ước mơ của nhiều thế hệ học sinh Việt!

Cách đây 2 thập kỉ, chương trình Đường Lên Đỉnh Olympia bắt đầu phát sóng số đầu tiên vào ngày 21/3/1999. Sân chơi dành riêng cho học sinh này bắt đầu phủ sóng khắp cầu truyền hình cả nước và trở thành một trong những cuộc thi có lịch sử phát sóng dài nhất Đài truyền hình Việt Nam cho đến nay. 

Bằng một sức hút nào đó, một chương trình cực kì đơn sắc, đầy tính học thuật, không màu mè, không chiêu trò cũng không quy tụ nhiều người nổi tiếng lại trở thành chương trình được tụi học trò mong chờ nhất qua mỗi năm. Sau một chặng hành trình dài, trận chung kết Đường lên đỉnh Olympia sẽ chính thức diễn ra vào chủ nhật 14/11 sắp tới. Hãy cùng nhìn lại Ký ức 21 năm "leo đỉnh" Olympia của Gen Z như thế nào nhé!

cuu thi sinh va hoi fan cung olympia 21 nam cung leo dinh khong the nao quen - anh 0

Oai lắm với danh xưng: "Thí sinh của Đường lên Đỉnh Olympia"

Từng có một thời, cả thế hệ học trò 8x, 9x cũng chỉ chờ đến ngày Chủ Nhật mỗi cuối tuần để mở đài VTV3 hóng xem chương trình hội tụ "con nhà người ta" này. Nhiều học sinh còn hay đùa rằng đây là chương trình "cấm kỵ" không nên xem cùng gia đình trong những giờ cơm vì sẽ bị so sánh rằng "nhìn con người ta kia kìa!". 

Mỗi năm, chương trình sẽ cho lên sóng 144 bạn học sinh đến từ khắp các trường THPT trên cả nước. Theo đó, đây là 144 học sinh "tuyển chọn" và giỏi nhất của đại diện các trường dự thi. Chính vì thế, việc được đặt chân đến trường quay S14, lên sóng truyền hình với tư cách là "thí sinh của Đường Lên Đỉnh Olympia" trở thành niềm tự hào và cột mốc đáng nhớ của từng bạn thí sinh dự thi.

cuu thi sinh va hoi fan cung olympia 21 nam cung leo dinh khong the nao quen - anh 0
Chiếc vương miện tri thức mang tên "vòng nguyệt quế" (Ảnh: Đường lên đỉnh Olympia)

Từng là thí sinh Đường Lên Đỉnh Olympia năm thứ 18, bạn Lê Vũ Quang Huy, hiện đang là sinh viên năm 3 trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn cho biết: "Tuổi thơ của mình gắn bó rất nhiều với chương trình Đường lên đỉnh Olympia, từ những ngày ba mẹ hay mở tivi vào sáng chủ nhật những năm 2007, 2008 khi chương trình còn phát vào buổi sáng. Mình đã biết đến những màn thi tài của các anh chị trên sóng truyền hình, từ đó đã nhen lên trong mình một ước mơ rằng rồi mình cũng sẽ được đứng trên sân khấu, được lên truyền hình, được thi tài như các anh chị vậy! Và mình đã làm được!".

Không chỉ là một sân chơi đơn thuần, Đường Lên Đỉnh Olympia còn là nơi chắp cánh cho nhiều ước mơ của bao thế hệ học sinh. Nhiều bạn đến với chương trình mang theo tâm thế của một nhà leo núi đại diện cho chính ngôi trường và quê hương của mình. Chính vì thế, "điểm cầu" danh dự luôn là một biểu tượng thiêng liêng hơn cả sự chiến thắng cá nhân.

cuu thi sinh va hoi fan cung olympia 21 nam cung leo dinh khong the nao quen - anh 0

Cũng là một trong những "cựu nhà leo núi" của Đường Lên Đỉnh Olympia năm thứ 18, bạn Bùi Nguyễn Quang Huy cũng bày tỏ niềm tự hào khi từng là một phần của đại gia đình Olympia: "Mình cảm thấy rất may mắn khi từng là thí sinh chương trình Đường Lên Đỉnh Olympia. Ở đây, mình được giao lưu, kết bạn và gặp gỡ với những người vô cùng tài giỏi và không kém phần thú vị. Đối với mình, Olympia là một đại gia đình và luôn là một phần ký ức đẹp đẽ trong đời học sinh".

Hai thập niên đã qua, biết bao điều đã đổi thay, nhưng con đường chinh phục đỉnh núi tri thức vẫn luôn rộng mở để các thế hệ học sinh tài năng của Việt Nam viết tiếp ước mơ, hoài bão của mình. Đối với nhiều bạn học sinh khi trở thành một phần của nhà O thì dù đi tiếp hay dừng lại ở bất kì chặng đường nào của chương thì đó vẫn là một niềm tự hào khó tả. 

Chưa từng là thí sinh tại S14, nhưng O là tuổi thơ của bao thế hệ học sinh

Khai sinh từ năm 1999, Đường Lên Đỉnh Olympia đã lớn lên cùng với sự tiếp bước của thế hệ Z (những người sinh từ năm 1995 - 2010). Suốt 20 năm, chương trình đã để lại rất nhiều kỉ niệm, trong đó không thể thiếu sự góp mặt của khán giả khắp cả nước đồng hành cùng chương trình từ những ngày đầu tiên phát sóng.

cuu thi sinh va hoi fan cung olympia 21 nam cung leo dinh khong the nao quen - anh 0

Hiếm có một chương trình nào mà tuổi đời phát sóng dài như Olympia cũng như là sở hữu lượng fan từ trẻ, đến trung niên rồi già nhiều như vậy. 21 năm cho một chương trình truyền hình tri thức đã dần trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu cho nhiều thế hệ người trẻ Việt. 

Bạn Kiều Anh, sinh năm 2000, một fan ruột của Đường Lên Đỉnh Olympia đã nói rằng: "Nhắc đến Olympia, mình luôn nhớ đến hình ảnh mình và ông Ngoại đều đợi đến mỗi chiều Chủ Nhật để xem chương trình. Mình chỉ mới xem 10 năm nhưng ông ngoại thì đã xem 20 năm rồi. Mỗi khi xem, hai ông cháu cứ tranh nhau ngồi trả lời câu hỏi trên tivi. Bây giờ mình vẫn còn giữ thói quen xem chương trình, có lần mình còn ngưỡng mộ một người bạn thi O năm 2018, đến sau này thì tụi mình làm bạn nhau ngoài đời thực". 

Kiều Anh cho biết thêm, dù chưa từng là thí sinh tại trường quay S14 - Nơi mà bất kì học sinh nào cũng mong đặt chân đến một lần - nhưng với cô bạn Đường Lên Đỉnh Olympia là cả một tuổi thơ và những ngày mơ mộng sẽ được thi O, được làm thí sinh như các bạn "con nhà người ta" khác. 

cuu thi sinh va hoi fan cung olympia 21 nam cung leo dinh khong the nao quen - anh 0

Tương tự như Kiều Anh, bạn Cao Phúc Minh, lớp 12 Chuyên Anh, THPT Chuyên Phan Ngọc Hiển, Cà Mau tiết lộ rằng: "Mình thường xem Olympia và ngồi trả lời theo dựa trên kiến thức mà mình có. Kiểu đọc câu đó quen quen, đầu liên tục nhảy số, nếu mà trả lời đúng thì thấy bản thân mình thật tuyệt vời vì cũng chẳng thua kém 'con nhà người ta' tí nào. Câu nào sai thì nhìn nhận lại bản thân liền!". 

Còn nhớ vào năm 2017, Đường lên đỉnh Olympia bắt đầu tuyển thí sinh lớp 11, bỏ qua thí sinh lớp 12 là những người sinh năm 1999. Điều này có nghĩa những tất cả học sinh sinh năm 1999 đều không có cơ hội tham gia chương trình. 

Kim Oanh, một đại diện cho thế hệ sinh năm 1999, cũng là fan ruột của chương trình đã chia sẻ niềm tiếc nuối của mình rằng: "Năm ấy mình đã khóc, một phần vì không còn cơ hội xem những người bằng tuổi mình thi đấu, một phần ấm ức vì chương trình đã bỏ qua đi chính lứa học sinh ra đời cùng năm với mình..."

cuu thi sinh va hoi fan cung olympia 21 nam cung leo dinh khong the nao quen - anh 0

Đường Lên Đỉnh Olympia không phải là chương trình đào tạo nhân tài cho nước Úc

Nhắc đến Đường Lên Đỉnh Olympia, người ta thường nhớ đến những cô cậu học sinh thông minh, tài giỏi hay được ví là nhân tài. Nhưng suốt 20 năm, một vấn đề nhức nhối khác luôn bị réo gọi mỗi mùa chung kết diễn ra: "Đường Lên Đỉnh Olympia - nơi đào tạo nhân tài cho nước Úc!". 

Theo đó, câu chuyện Quán quân Olympia không về nước đã trở thành chủ đề bàn tán rất nhiều trong suốt 2 thập kỉ chương trình phát sóng. Nhiều người cho rằng những quán quân năm ấy đi du học rồi ở nước ngoài định cư là "chảy máu chất xám".

Với tư cách từng là một cựu thí sinh tham gia chương trình, bạn Lê Vũ Quang Huy đã bày tỏ quan điểm của mình rằng: "Mặc dù nhiều quán quân chọn ở lại Úc vì nhiều lý do khác nhau nhưng mình tin chắc rằng họ vẫn luôn hướng về Việt Nam, luôn hướng về quê hương của họ. Và không chỉ ở Việt Nam mới có thể đóng góp cho Việt Nam mà dù ở Úc thì họ vẫn có thể đóng góp về cho quê hương của mình theo nhiều cách khác nhau".

cuu thi sinh va hoi fan cung olympia 21 nam cung leo dinh khong the nao quen - anh 0

Thực tế cho thấy, không chỉ các quán quân mà rất nhiều người đã từng là thí sinh Olympia vẫn đang đóng góp hằng ngày hằng giờ cho đất nước. Quang Huy đã đưa ra ví dụ về Duy Khánh (thí sinh Olympia năm thứ 9) là người đã viết những dòng code đầu tiên để tạo ra ứng dụng Bluezone - ứng dụng đã hỗ trợ rất nhiều trong công tác phòng chống dịch Covid - 19 ở nước ta thời gian qua. 

Quang Huy khẳng định: "Đường lên đỉnh Olympia không phải là một chương trình đào tạo nhân tài cho nước Úc mà vẫn đang tạo ra rất nhiều thế hệ nhân tài cho Việt Nam chúng ta mà!". 

Ngày mai đây, khi trận chung kết năm diễn ra, chủ nhân của chiếc vòng nguyệt quế sẽ lộ diện. Chắc hẳn, bên cạnh những lời chúc mừng tân quán quân, cũng là lúc dư luận lại được phen xôn xao lo lắng về một cuộc "chảy máu chất xám". Nhưng mong rằng, mỗi cá nhân sẽ có một suy nghĩ tích cực hơn và cùng hướng về mục đích chính của Đường Lên Đỉnh Olympia huyền thoại: nơi chắp cánh cho những ước mơ của nhiều thế hệ học sinh Việt! 

Cuộc thi quan trọng nhất của Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 21 sẽ được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV3 vào lúc 8h30 sáng chủ nhật, ngày 14/11/2021.

Giải thưởng "khủng" cho nhà vô địch Đường Lên Đỉnh Olympia 2021 là gì?

Chung kết Đường lên Đỉnh Olympia: S14 đã sẵn sàng, thí sinh đã có "chỗ đứng", MC Diệp Chi xuất hiện

Khánh Vy cùng CĐV xứ Nghệ "tất bật" chuẩn bị đón cầu truyền hình chung kết năm Olympia 21

(

Nguồn: TH&PL

)
Chia sẻ