"Cuộc Đời Vẫn Đẹp Sao": Xem để hiểu và thông cảm với những mảnh đời

"Cuộc Đời Vẫn Đẹp Sao" được yêu thích vì khai thác thông điệp lạc quan, tích cực trong hành trình mưu sinh của những người lao động nghèo dưới chân cầu Long Biên.

Qua diễn xuất tự nhiên, đầy nội lực của các diễn viên, người xem thêm đồng cảm với số phận bi thương của cố Luyến (Thanh Hương), cũng như giải tỏa mệt nhọc với chuỗi câu thoại bỗ bã mà chân tình của “gã đàn ông cục súc” Lưu (NSƯT Hoàng Hải).

Trong phim, vai Luyến của Thanh Hương là con gái bà Tình (NSƯT Thanh Quý). Nữ diễn viên tròn vai người vợ bị chồng phụ bạc, phải cùng mẹ cực khổ lao động 5 năm trời trả số nợ cho chồng trước khi anh ta biến mất.

NSƯT Hoàng Hải lại hóa thân thành chàng trai sinh ra ở khu gầm cầu, vợ bỏ đi, phải "gà trống" một mình nuôi đứa con trai vào đại học. Từng nhân vật đại diện cho nét tính cách riêng biệt, khắc họa lên số phận của mỗi con người trong bối cảnh xã hội ngày nay.

Lý do thành công đến từ việc tác phẩm không cố bi kịch hóa số phận những người lao động nghèo. Theo báo Lao Động: "Phim không bó buộc vào việc phơi bày cuộc sống khốn cùng của người lao động nghèo, phim vẫn có những mảng miếng hài hước, dễ chịu cho người xem"

cuoc doi van dep sao xem de hieu va thong cam voi nhung manh doi - anh 0
Tình yêu đối với cuộc đời làm nên thành công của bộ phim.

Mỗi người đều mang một nỗi khổ riêng về hoàn cảnh, tình cảm, số phận. Nhưng chung quy lại, họ vẫn tha thiết tình yêu đối với cuộc đời, sống tử tế và không ngừng vươn lên bằng tinh thần lạc quan, không ngại khó khăn hay trách móc số phận. 

Trong phim, các diễn viên phải "hy sinh thân mình", gỡ bỏ lớp trang điểm xinh đẹp, trang phục thướt tha, sang trọng vẫn thường mặc. Thậm chí được hóa trang xấu hơn cả khi để mặt mộc và mặc quần áo thường ngày.

Cụ thể, NSƯT Thanh Quý trong vai bà Tình - người mẹ nghèo khổ, tần tảo sớm hôm với gương mặt xanh xao, đầu tóc rối bời, quần áo tả tơi, luộm thuộm đến nỗi khán giả không nhận ra. Nghệ sĩ từng hài hước chia sẻ, có lần và ngồi ở chỗ đoàn phim đã đặt trước để ăn vội miếng cơm cháy, các bạn nhân viên nhìn thấy liền mời bà sang chỗ khác ngồi vì tưởng là một "bà lão" khắc khổ nào đó đi nhầm vào đoàn phim. 

cuoc doi van dep sao xem de hieu va thong cam voi nhung manh doi - anh 0
Thanh Hương giảm hơn 10 ký để vào vai.

Lần khác, NSƯT giữ nguyên tạo hình để đi uống cà phê. Đến quán, các bạn nhân viên nhìn mãi mới ra nữ nghệ sĩ. Đến khi bà xác nhận mình là diễn viên, mọi người mới bắt đầu vỡ òa ra để hỏi han, trò chuyện và mời bà uống cà phê miễn phí. 

Riêng nữ chính Thanh Hương giảm hơn 10 ký để vào vai thuyết phục. Chia sẻ với chúng tôi, cô nói: "Tôi thấy người nghèo thường ốm, da khổ, tay chân nứt nẻ, nên tôi đã chủ động giảm cân trước khi quay. Bạn bè cũng hay trêu tôi là như quả bóng, béo được thì gầy được, nên việc giảm cân không khó... 

Phụ nữ là nội trợ, và cũng là nữ anh hùng được. Cùng là phụ nữ, nên tôi rất đồng cảm với nhân vật Luyến, bởi phải sống trong vai diễn thì mới hóa thân trọn vẹn được".

Thoại phim cũng là điểm nhấn, khi biết bắt kịp xu thế của khán giả trẻ. Nhiều câu nói "hot trend" đã được khai thác một cách khéo léo. 

"Em về phòng làm 'tí rau với tí bún' là xong bữa" là câu nói của nhân vật Điền, do Tô Dũng đảm nhận. Vốn quen mặt với hình mẫu nhân vật bảnh bao, "soái ca" trên màn ảnh; lần trở lại của Tô Dũng trong vai Điền xuề xoà, kém sắc đã khiến nhiều người không khỏi bất ngờ. Theo tìm hiểu, "tí rau tí bún" là câu cửa miệng của một cư dân mạng từng được chia sẻ một cách rầm rộ và phổ biến. 

cuoc doi van dep sao xem de hieu va thong cam voi nhung manh doi - anh 0
Tô Dũng trong vai Điền đã khiến nhiều khán giả bất ngờ.
cuoc doi van dep sao xem de hieu va thong cam voi nhung manh doi - anh 0
Thoại của nhân vật Lưu do NSƯT Hoàng Hải đảm nhận cũng viral cõi mạng.

Ngoài ra, ”hết nước chấm" là lời thoại gắn liền với nhân vật Lưu do NSƯT Hoàng Hải thể hiện và được thốt lên mỗi khi Lưu hài lòng, tâm đắc về một vấn đề. Gen Z sử dụng cụm từ này để khen ngợi người nào đó, hoặc điều gì đó xuất sắc hoặc để bày tỏ sự bế tắc trước một hành động, sự việc.  

Những câu thoại và màn đấu võ mồm của các nhân vật đã mang lại tiếng cười cho khán giả. Rất nhiều người tỏ ra thích thú với cách đạo diễn lồng ghép ngôn ngữ gen Z đã góp phần xoa dịu những cảnh quay nặng tâm lý khi tái hiện cuộc đời nhiều đau khổ của những con người nơi xóm nghèo.

"Biên kịch và đạo diễn chắc cũng đi mòn mấy đời dép tổ ong ở những xóm nghèo ven sông rồi nên những câu thoại thật đời thường. Xem để hiểu và thông cảm nhiều hơn với những mảnh đời còn khó khăn ngoài hiện thực!" - là một bình luận trên trang VTV Giải trí.  

Thoại thật “hết nước chấm” trong "Cuộc Đời Vẫn Đẹp Sao"

Tình địch của Luyến "Cuộc đời vẫn đẹp sao": Chuyên đóng vai lả lơi

Hậu trường ăn, ngủ ở gầm cầu của ê-kíp "Cuộc Đời Vẫn Đẹp Sao"

(

Nguồn: TH&PL

)
Chia sẻ