"Cù Lao Xác Sống" bị nhiều lời chê vì kịch bản kém, không cân bằng được yếu tố kinh dị và những pha chọc cười kém duyên.
Tác phẩm xoay quanh nỗ lực sống sót của những nhóm người khác nhau tại một cù lao thuộc sông Mê Kông, trước đại dịch xác sống lan rộng cả nước.
Trước khi ra mắt, Cù Lao Xác Sống được quảng bá là phim zombie (thây ma) đầu tiên của Việt Nam. Với cơn khát các đề tài mới lạ, gần với Hollywood, khán giả Việt có quyền kỳ vọng một tác phẩm chỉn chu về kịch bản, ổn áp về hình ảnh. Song ở các xuất chiếu đầu tiên, hai từ được cư dân mạng lặp lại nhiều nhất về Cù Lao Xác Sống là "tào lao" và "hụt hẫng".
KHÔNG TIẾT CHẾ ĐƯỢC CÁC PHA GÂY CƯỜI "CHỌT LÉT"
Có sự góp mặt của La Thành và Xuân Nghị, khán giả hiểu phim sẽ không tránh được như màn chọc cười mang hơi hướng web-drama. Tuy nhiên, La Thành hay Xuân Nghị chỉ là bề nổi của tảng băng chìm, bởi hầu hết nhân vật khác trên phim tồn tại cũng chỉ để... "chọt lét" khán giả.
La Thành "la làng" suốt phim, ngoài ra còn gây phản cảm khi liên tục nhồi nhét các câu thoại đùa giỡn cộng đồng LGBTQ+: "Em lỡ hại anh (Xuân Nghị) rồi, thôi để em chịu trách nhiệm với anh nha!", "Zombie còn đổ gục, sao anh chưa đổ em?" Với kiểu mặt cợt nhả của La Thành và gương mặt luôn quạu như táo tàu của Xuân Nghị, khán giả chỉ có thể hình dung đây là hai nhân vật trai thẳng vô duyên, vì lý do gì đấy bị biên kịch nhét chữ vào mồm loạt thoại cũ rích về người đồng tính.
Hay như tuyến vai mẹ chồng - nàng dâu của Lê Lộc và nghệ sĩ Thanh Hằng những tưởng sẽ gây cảm động, song các phân đoạn hóa giải hiểu lầm đầy cảm xúc cũng bị chính dựng phim "phá", qua nhạc nền chèn vô tội vạ cùng việc chọn góc quay kém chiều sâu, khi chúng trở nên buồn cười vì vụng về nhiều hơn. Trần Phong là diễn viên trẻ có thực lực, tuy nhiên vai của anh thừa thãi với các câu thoại chỉ mang tính ứng biến, lọt thỏm giữa các màn đấu khẩu của hai mẹ con.
Trong giữa dàn "kép" hỗn loạn và tạp kỹ, nhân vật Công của Huỳnh Đông nổi bật với tạo hình vững chãi, cùng tính cách cương trực khá giống các anh hùng kiểu mẫu trong phim zombie Mỹ. Công có hành trình và quá khứ đau thương đủ hấp dẫn, lẽ ra có thể được khai thác khéo léo hơn. Tuy nhiên, hành trình chuộc tội và giác ngộ của vai này bị đè bẹp bởi kịch bản lan man, quá trọng tiếng cười rẻ tiền.
Và còn những nhân vật ối giời ơi khác, xuất hiện không biết với mục đích gì ngoài chuyện kéo dài thời lượng phim... Có những bí ẩn sẽ không bao giờ giải đáp, như việc tại sao các nhân vật có xe nhưng thường xuyên chạy bộ, cù lao nơi ngập tràn xác sống nếu hữu ý thì người thân mãi lạc nhau, nhưng vô tình thì "oan gia" cứ va phải nhau như cơm bữa.
ZOMBIE MIỀN TÂY ĐÂU CÓ NGHĨA PHẢI "QUÊ MÙA"
Công bằng mà nói, đạo diễn phim - Nguyễn Thành Nam - có sự phá cách, khi xác sống trong phim anh mang dép lê, đội nón che nắng, mặc áo bà ba - đúng kiểu hình ảnh thường thấy của người miền Tây trong con mắt khán giả cả nước.
Tuy nhiên, tác phẩm lại mang đến cảm giác quê mùa với chuỗi cử động thiếu sáng tạo, thiếu tính nhất quán của các "diễn viên quần chúng" này. Các zombie được ưu ái quay riêng có tạo hình chăm chút, trình độ hóa trang khắc họa được việc thối rữa của xương cốt. Song, ở nhiều đại cảnh, người xem tinh mắt nhận ra ngay một số xác sống chỉ là... người được tô mặt, hóa trang đại khái. Nhóm zombie còn theo kiểu chia bè kết phái, chỉ đi thành cụm nhỏ chứ không có các màn "hội đồng" với số lượng áp đảo như phim Mỹ, phim Hàn. Một số phân đoạn zombie tấn công người không mang đến sự nghẹt thở, mà giống hai ông giang hồ đang ẩu đả hơn...
Trên thực tế, việc thực hiện một phim zombie cần rất nhiều kinh nghiệm - trải nghiệm - kiến thức, làm phim zombie đâu có dễ! Còn nhớ trong phim xác sống học đường All Of Us Are Dead, chuyên viên hình ảnh Oh Sea Young dành nhiều giờ, thậm chí nhiều ngày để chỉ đạo diễn xuất cho từng vai quần chúng đóng zombie. Thành phẩm là những thước phim được đẩy tối đa về độ nghẹt thở và sự hỗn loạn, song vật đảm bảo được tính nhất quán, độ tin cậy trong cách xác sống di chuyển. Ở Cù Lao Xác Sống, người xem khó thấy được sự tâm huyết và chỉn chu từ phía ê-kíp.
Như cảm thấy chưa đủ "chọc điên" khán giả, Cù Lao Xác Sống còn chiêu đãi bản phim bị cắt cụn lung tung, với hàng loạt tình tiết về xuất thân nhân vật được cài cắm, nhưng tiết lộ hay không thì đạo diễn nói "Để phần hai sẽ rõ!" Cái kết mở lẽ ra sẽ gây tò mò nếu ghi điểm trong lòng người xem, nhưng do những gì đọng lại trong các buổi chiếu sớm là cảm xúc bàng hoàng đến bật ngửa, xem xong không rõ vừa xem gì, nên chắc khó ai mong chờ phim được làm phần hai, trừ chính đạo diễn.
Nhìn chung, Cù Lao Xác Sống là một sự thất vọng khi đóng vai trò là người đi tiên phong phát triển dòng phim kinh dị sinh tồn - thây ma của Việt Nam. Tác phẩm vượt kiểm duyệt do không có yếu tố mê tín dị đoan hay truyền bá văn hóa tiêu cực, nhưng lại gây hụt hẫng, bức bối trong lòng người xem, thương tiếc thì ít mà trách móc phim dở thì nhiều!
Nguồn: TH&PL