CTCP VNG vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, buộc bồi thường gần 1 tỷ đồng

Công ty cổ phần VNG nhiều lần vướng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của các đơn vị khác.

Ngày 07/06/2023, Tòa án cấp cao tại Tp. Hồ Chí Minh quyết định giữ nguyên bản án sơ thẩm về tranh chấp sở hữu trí tuệ và bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng vào năm 2019 mà công ty cổ phần VNG (công ty VNG) là bị đơn, theo đó chấp nhận yêu cầu đòi bồi thường và xin lỗi công khai của nguyên đơn là công ty cổ phần truyền thông TK-L (công ty TK-L).

ctcp vng vi pham quyen so huu tri tue buoc boi thuong gan 1 ty dong - anh 0
Bản án số 52/2023/KDTM-PT ban hành ngày 07/06/2023.

Án phạt gần 1 tỷ đồng vì vi phạm quyền sở hữu trí tuệ

Vụ kiện đầu tiên xuất phát vào năm 2019, nguyên đơn công ty TK-L phát hiện bị đơn công ty VNG đã tự ý sao chép, lưu trữ và khai thác bộ phim The Leaves – Chiếc lá cuốn bay trên website "www.tv.zing.vn"

Công ty TK-L là đơn vị được cấp độc quyền phát sóng và phân phối bộ phim trên toàn lãnh thổ Việt Nam.

Công ty TK-L đã tiến hành khởi kiện công ty VNG, đồng thời yêu cầu bồi thường số tiền: 949.480.000 VND (bao gồm chi phí thuê luật sư) và công khai xin lỗi.

ctcp vng vi pham quyen so huu tri tue buoc boi thuong gan 1 ty dong - anh 0
Phán quyết của Tòa án cấp cao TP.Hồ Chí Minh theo Bản án số 52/2023/KDTM-PT ban hành ngày 07/06/2023.

Tòa án xác định căn cứ theo "Thỏa thuận trao đổi cung cấp thông tin trên mạng xã hội ZingTV (đoạn 7, điều 4)" thì công ty VNG phải chịu trách nhiệm về việc vi phạm phát sóng nội dung độc quyền.

Tòa án nhận định hành vi sử dụng, khai thác tác phẩm độc quyền The Leaves – Chiếc lá cuốn bay của bị đơn công ty VNG đã làm mất đi giá trị "khai thác độc quyền" của nguyên đơn công ty TK-L đối với bộ phim.

Theo đó việc nguyên đơn yêu cầu bị đơn bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ là có cơ sở, theo quy định tại Điều 20, khoản 8 Điều 28 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi bổ sung năm 2029.

Tòa án sơ thẩm đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện của công ty TK-L.

Sau đó, công ty VNG kháng cáo và không cung cấp được thêm tài liệu, chứng cứ mới so với cấp sơ thẩm để chứng minh cho yêu cầu kháng cáo. Ngày 07/06/2023, theo bản án số 52/2023/KDTM-PT, Tòa án cấp cao tại Tp. Hồ Chí Minh quyết định giữ nguyên bản án sơ thẩm buộc công ty VNG bồi thường đúng số tiền 949.480.000 VND (bao gồm chi phí thuê luật sư) và xin lỗi công khai công ty TK-L.

Hiện, vụ kiện đã được chuyển tới cơ quan thi hành án, thực hiện các bước tiếp theo.

Tiếp tục đối diện với án phạt lớn

Năm 2020, công ty TK-L tiếp tục phát hiện những hành vi tương tự của công ty VNG với 3 bộ phim: The Story of Minglan – Minh Lan truyện, Princess silver – Bạch Phát Vương Phi, Legend of the Phoenix – Phượng Dịch.

ctcp vng vi pham quyen so huu tri tue buoc boi thuong gan 1 ty dong - anh 0
Bộ phim Minh Lan truyện.

Công ty TK-L khởi kiện công ty VNG vì tranh chấp sở hữu trí tuệ với 3 bộ phim này.

Ngày 29/09/2022, Tòa án sơ thẩm đã chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn là công ty TK-L, buộc công ty VNG phải trả số tiền bồi thường hơn 14,3 tỷ đồng (bao gồm chi phí thuê luật sư) vì xâm phạm bản quyền 3 bộ phim trên. 

Vụ kiện đang được tiếp nhận và xử lý phúc thẩm tại Toà án nhân dân cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh.

Trước đó, ngày 15/01/2020, cục trưởng Cục phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử đã xử phạt vi phạm hành chính đối với công ty VNG số tiền 90 triệu đồng cho 05 hành vi vi phạm trong đó có "Thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của công ty cổ phần truyền thông TK-L mà không được sự đồng ý" liên quan đến 3 bộ phim trên.

Đối với việc công ty VNG khai thác các bộ phim trên nền tảng internet mà không có sự đồng ý của công ty TK-L, luật sư Phan Vũ Tuấn - phó chủ tịch Hội sở hữu trí tuệ TP.HCM - nhận định đây là hành vi xâm phạm quyền tác giả theo quy định tại khoản 6 và khoản 10 Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ.

"Vấn nạn xâm phạm bản quyền sẽ phần nào làm cho chủ sở hữu quyền tác giả các tác phẩm nước ngoài e ngại, hạn chế hơn trong việc cấp phép độc quyền cho các đơn vị tại Việt Nam khai thác, sử dụng theo hợp đồng chuyển quyền. Do đó, ngoài việc phải chịu các tổn thất về mặt lợi ích kinh tế, các đơn vị bị xâm phạm tại Việt Nam còn có khả năng phải đối mặt những khó khăn, thách thức trong việc tiếp cận tác phẩm điện ảnh nổi tiếng tại nước ngoài khác", luật sư Phan Vũ Tuấn nhấn mạnh.

(

Nguồn: TH&PL

)
Chia sẻ