Cách NTK Công Trí chinh phục những đề bài khó của thị trường thời trang trong và ngoài nước để tìm được kết quả đẹp.
Nhiều người cho rằng Nguyễn Công Trí gặp thời vận nên có một cú rẽ ngoạn mục từ lĩnh vực hội họa sang thời trang và thành công đến nay. Nhưng nhìn vào sự nghiệp của anh thì thật khó để nói khối thành tựu rực rỡ ấy chỉ đơn giản nhờ vào may mắn.
Nội dung liên quan
#1. Tài năng từ "gốc tọa độ"
Xuất phát điểm của nhà thiết kế thời trang tài hoa bậc nhất Việt Nam vốn là hội họa, hay nói chính xác hơn là một cây cọ sở hữu tài năng thiên phú từ thuở bé, mà chúng ta sẽ cảm nhận được sức ảnh hưởng của nó trong rất nhiều bộ sưu tập về sau của Công Trí. Nhưng kể từ khi tham gia và đạt giải ý tưởng cuộc thi Grand Prix (2000), mối duyên của Nguyễn Công Trí với thời trang đã chớm nở những đóa hoa đầu tiên.
Chặng đường khởi động của nhà thiết kế sinh năm 1978 có thể nói đã được trải đầy hoa hồng khi tiếp tục gặt hái nhiều giải thưởng trong các cuộc thi lớn như Asia Collection Makuhari (2000), Singapore Fashion Week (2001) và trở thành nhà thiết kế đầu tiên của Việt Nam được công nhận là Ủy viên Hiệp hội Thời trang châu Á (2014).
Nhớ lại thập niên đầu của thế kỉ 21, giới mộ điệu trong nước đã bắt đầu nhìn nhận Nguyễn Công Trí như một biểu tượng của ngành thời trang Việt. Nếu chỉ may mắn mà không có thực lực thì tài năng hội họa ngày ấy đã không ghi tên mình vào danh sách 100 nhà thiết kế haute couture đương đại của thế giới - điều mà rất nhiều nhà thiết kế luôn ao ước đạt được.
#2. Theo đuổi thời trang cao cấp đến vô cực
Nhắc đến haute couture, dòng thời trang may đo cao cấp này luôn đòi hỏi rất cao về cách xử lý phom dáng, chất liệu, màu sắc và quan trọng là sự nhạy cảm với từng đường kim mũi chỉ. Nhất định cần đạt đến đẳng cấp tinh xảo.
No.1 "Trắng" (2009) chính là cách mà Công Trí khẳng định bản thân với giới mộ điệu quyết tâm của anh khi đặt chân vào mảnh đất phù hoa mang tên "haute couture". Không có sự hậu thuẫn nào từ màu sắc sặc sỡ bắt mắt, lại dễ phô bày đến từng chi tiết nhỏ nên các thiết kế all-white thực sự là một thử thách với một tân binh của làng thời trang. Thế nhưng cũng nhờ vậy mà Công Trí đã chiếm trọn sự ngưỡng mộ ngay sau show diễn trình làng bộ sưu tập đầu tay này.
BST "Trắng" tôn vinh từng lớp vải voan, lưới được thể hiện qua những đường cắt dứt khoát thể hiện sự tự tin của Công Trí với từng thiết kế của mình. Dù là một bộ váy khủng hay chiếc đầm hai dây mảnh khảnh vẫn khiến người nhìn có cảm giác thanh thoát, sang trọng.
Tự tin khi chính tay mình viết nên một bài toán khó rồi giải quyết nó một cách trơn tru, Nguyễn Công Trí cứ thế đường hoàng tiến bước vào thị trường thời trang may đo cao cấp. Hơn 10 năm qua, chưa một lần nào Công Trí làm giới mộ điệu thất vọng. Thay vì vội vàng cập nhật những mốt mới cho mỗi bộ sưu tập, anh lại lặng lẽ thêm thắt những chi tiết thú vị mang đậm bản sắc Nguyễn Công Trí vào từng thiết kế, đảm bảo thỏa mãn cả phần nhìn và đáp ứng được yêu cầu khắt khe của dòng đồ haute couture.
Dễ nhận thấy nhất ở những thiết kế của Công Trí là sự nổi bật của chất liệu. Dù có là nhung lụa, voan, organza, taffeta hay từng sợi tua rua mỏng manh đều có "đất diễn" riêng và thực sự khiến người ta phải chú ý. Từng mảnh rập được ghép nối chỉn chu tạo nên tổng thể hài hòa cho trang phục, thuyết phục được người nhìn rằng những chất liệu ấy thực sự thuộc về nhau. Chiêm ngưỡng mỗi bộ sưu tập của nhà thiết kế 8x này có thể ví von như thưởng thức những bản giao hưởng của chất liệu. Đó cũng chính là linh hồn haute couture tạo nên thương hiệu Nguyễn Công Trí cho đến nay.
#3. Mỗi bộ sưu tập đều là ẩn số
Hãy nói về chất riêng của Công Trí, thứ làm tất cả phải trông ngóng mỗi khi anh trình làng bộ sưu tập mới. Sự thông minh trong cách kể câu chuyện thời trang của anh luôn đưa giới mộ điệu từ ngạc nhiên này đến bất ngờ khác.
Cứ nghĩ BST "Cắt lớp" (2011) đã là đỉnh điểm táo bạo khi Công Trí trưng bày từng thớ cơ đỏ màu máu làm họa tiết chủ đạo, hay đưa bào thai lên sàn diễn để tô đậm sự sống. Nhưng rồi BST "Nấm" (2012) kế tiếp lại làm dậy sóng dư luận khi chưa bao giờ một loài thực vật mọc dại ngỡ đâu tầm thường lại lột xác thành những bộ đầm đẹp ngoài sức tưởng tượng đến như thế. Ẩn số trong ý tưởng thiết kế của Công Trí thực sự làm người yêu thời trang phải "đau đầu" để tìm đáp án!
Nghiễm nhiên đã gọi là ẩn số thì chẳng có giới hạn nào đủ sức rào chắn tư duy làm nghề của Công Trí. Triển lãm "Cục Im Lặng" (2019) kỉ niệm 20 năm theo đuổi lĩnh vực thời trang như tái khẳng định điều ấy. Rảo bước qua những căn phòng nghệ thuật chắt lọc tinh túy của từng bộ sưu tập, ngay cả người không quá am hiểu về thời trang cũng dễ bị hớp hồn và cảm nhận được đam mê rực lửa qua các thời kì làm nên tên tuổi Nguyễn Công Trí ngày nay.
Bằng cách nào đó, tất cả mọi người vẫn chưa thể tìm ra lý do bị thuyết phục khi chiêm ngưỡng thành quả mà nhà thiết kế gốc Đà Nẵng tích lũy được trong suốt hai thập niên. Thật lạ khi tất cả bộ sưu tập như có một sợi dây nối liền nhau, dù bản thân mỗi bộ trang phục lại mang nét đặc trưng riêng biệt. Tuy khác nhưng lại giống, có lẽ chăng vẻ đẹp của sự bí ẩn cũng là một phần làm nên DNA của Nguyễn Công Trí trong thiết kế thời trang.
#4. Điểm giao của rung cảm rất riêng và xu hướng chung
Gu thẩm mỹ có thể làm nên thời trang nhưng sự nhạy bén mới là thứ biến tạo ra tính thời thượng. Như những thiết kế mang đậm cảm hứng từ thiên nhiên trong BST No.3 (2011) của Công Trí gắn liền với xu thế hướng đến môi trường của thế giới. Nét đẹp được thể hiện trên ý tưởng mang từng ngọn lúa mộc mạc, mái tranh dung dị lên thời trang cao cấp. Công bằng mà nói thì đây không phải là ý tưởng mới nhưng đặt vào bối cảnh biến đổi khí hậu, xu hướng xanh đang lan rộng toàn cầu thì quả thực là một nước đi rất khéo.
Gắn liền với từng bộ sưu tập không chỉ là tiếng nói cá nhân của Công Trí mà còn mang đậm âm hưởng thời đại. Có thể thấy điều này ở cả những thiết kế truyền thống như áo dài trong "Cảm ơn Sài Gòn" (2013) vừa thể hiện khả năng chơi màu vừa bắt nhịp với làng thời trang thế giới bằng những phom dáng cách tân họa tiết kẻ ô, điểm nhấn ở eo rất đỏm dáng. Kế đến là những bộ trang phục của BST "Lúa" tôn vinh chất liệu "haute couture" trứ danh của Việt Nam là lụa Lãnh Mỹ A, kết hợp với các loại vải organza hay chiffon mỏng theo mốt xuyên thấu làm mưa làm gió thị trường thời trang quốc tế năm 2014.
Giống ẩn số của mỗi bộ sưu tập, cảm hứng sáng tạo của Công Trí luôn có điều gì đó thôi thúc người khác muốn khám phá thêm. Càng ngắm nghía càng thấy "tuy lạ mà quen" nhờ vào cách mà anh se duyên cho những phong cách mới mẻ trở nên thân thuộc. Có ai mà ngờ rằng "Lúa" lại không hẳn là "quê" khi chạm ngõ với sàn diễn Tokyo Fashion Week, còn Sài Gòn chưa chắc lúc nào cũng đại diện cho văn hóa hiện đại!
Nội dung liên quan
#5. Dám giải những bài toán lớn
Kể về mối duyên quốc tế của Công Trí sẽ khó bỏ qua sự kiện rộn ràng của "Em Hoa" (2017). Do không phải là lần đầu có show diễn tại Tokyo Fashion Week nên điểm rơi cần thiết để chạm đến cảm xúc của lúc này chính là sự đột phá về phom dáng, cần làm thế nào để "F5" suy nghĩ của giới mộ điệu quốc tế về thương hiệu Công Trí? Một lần nữa, lời giải của nhà thiết kế 8x khiến tất cả phải thán phục.
Gác lại những kiểu trang phục ôm dáng tôn đường cong mang đậm bản sắc truyền thống, "Em Hoa" càn quét sàn diễn bằng loạt thiết kế oversized - trước nay hiếm khi gặp ở những bộ trang phục của Công Trí. Đồng thời chọn cách thể hiện họa tiết bằng công nghệ in 3D, in chuyển nhiệt và kĩ thuật thêu tay nhiều lớp cho những đóa hoa "mọc" trên trang phục sống động nhất có thể.
Chưa dừng lại ở kinh đô thời trang của châu Á, NTK Nguyễn Công Trí thẳng tiến đến sàn diễn danh giá New York Fashion Week Thu Đông 2019 với dự án triệu đô. Màn chào sân đánh dấu chương mới của sự nghiệp tại New York được Công Trí mô tả "cứ y như show diễn đầu đời" với sự háo hức và cả hồi hộp. Nhưng nhờ dám mạo hiểm rời khỏi vòng an toàn mà anh đã gặt hái được thành công lớn. Không chỉ mời được dàn mẫu "thiên thần" xuất hiện trong show diễn đầu tiên tại New York của mình như Elsa Hosk, Georgia Fowler, Winnie Harlow, Josephine Skriver, Lais Ribeiro,... mà sau show diễn các thiết kế của anh còn liên tục được các ngôi sao lớn trên thế giới lựa chọn.
Tuy không phải là nhà thiết kế duy nhất chọn bơi ra biển lớn, Công Trí vẫn luôn là cái tên đầu tiên mà giới mộ điệu nghĩ đến khi nhắc về một nhà thiết kế Việt xứng tầm quốc tế. Đặc biệt là trên ván cờ thời trang may đo cao cấp. Nói cách khác, quyết định Mỹ tiến của Công Trí không chỉ tạo nên thành công cá nhân mà còn là niềm tự hào của cả cộng đồng nhà thiết kế Việt Nam. Hơn cả một ví dụ về người thành đạt bằng cách cháy hết mình với đam mê, "công thức" Công Trí có lẽ sẽ mãi là nguồn cảm hứng cổ vũ cho các thế hệ nhà thiết kế trẻ nuôi dưỡng những giấc mơ lớn.
Nguồn: TH&PL