Việc sắp xếp, thêm bớt các nguyện vọng vào Đại học cần phải được xem xét thật kỹ trước khi quyết định
Sau khi hoàn thành bài thi THPT Quốc gia những nỗi lo lắng vẫn chưa nguôi các sĩ tử. Việc sắp xếp, thêm bớt các nguyện vọng vào Đại học để tăng khả năng thi đỗ cũng khiến không ít các sĩ tử đau đầu. Nhất là khi điểm thi không đủ chắc ăn để đỗ nhưng cũng không quá thấp càng khiến các sĩ tử băn khoăn nhiều hơn nữa.
Lo lắng khi điểm ở giữa ranh giới đỗ hay trượt
Nhận điểm thi là một cơ sở để điều chỉnh nguyện vọng thế nhưng trong nhiều trường hợp điểm thi lại khiến các sĩ tử băn khoăn hơn bao giờ hết. Điểm thi không quá cao để "chắc ăn" sẽ đỗ vào trường mình mong muốn nhưng cũng không thấp mà chỉ "mấp mé" ở giữa ranh giới này. Thậm chí nhiều trường hợp điểm thi của thí sinh cao hơn điểm chuẩn năm trước nhưng vẫn lo lắng việc thi trượt do điểm chuẩn đầu vào Đại học mỗi năm đều biến đổi không ngừng.
Việc đưa ra lời khuyên cho thí sinh về việc điểm thi có chắc chắn đỗ nguyện vọng này nguyện vọng kia ở các trường đại học hay không là rất khó. Dù là thầy cô giáo cũng khó có thể đưa ra lời khuyên chính xác với những bạn có điểm thi "mấp mé".
Nguyên nhân là điểm chuẩn của trường đại học còn phụ thuộc vào điểm thi của thí sinh cùng năm thi. Trong đó điểm của thí sinh trên cả nước mỗi năm đều biến động, có những năm biến động rất lớn phụ thuộc vào độ khó của đề cũng như chất lượng thí sinh.
Khá nhiều thí sinh thể hiện sự lo lắng của thí sinh về vấn đề điểm chuẩn và biến động điểm thi mỗi năm để điều chỉnh nguyện vọng. Nhiều bạn học sinh đã lên các group của trường Đại học, Cao đẳng để hỏi khả năng đỗ các nguyện vọng của mình. Đặc biệt là sau các khi biết điểm thi thì lượt tìm kiếm các phổ điểm thi, phân tích phổ điểm hay điểm chuẩn của các trường Đại học đều tăng lên rất cao.
Quyết định "sai một li, đi một dặm"
Đã có nhiều trường hợp thí sinh thay đổi nguyện vọng 1 thành nguyện vọng khác thấp hơn do lo sợ điểm thi không đủ tuy nhiên đến khi có điểm chuẩn lại thừa điểm đỗ. Tuy nhiên cũng có nhiều trường hợp điểm thi cao khiến thí sinh bị "an tâm ảo".
Như nhiều trường hợp kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020, nhiều thí sinh 27 thậm chí 28 điểm vẫn trượt nguyện vọng 1 đã gây ra rất nhiều tranh cãi. Việc thí sinh thi đại học trượt tới 5 hay 7 nguyện vọng cũng không phải hiếm do vậy sau khi biết điểm nhiều thí sinh đã thay đổi và thêm nhiều nguyện vọng để tránh trường hợp trượt Đại học.
Thay đổi nguyện vọng là cơ hội để thí sinh sắp xếp, điều chỉnh nguyện vọng của mình để tăng cơ hội vào ngành học trường học mình mong muốn theo khả năng điểm thi. Tuy nhiên việc thay đổi nguyện vọng cần được cân nhắc cực kì kĩ lưỡng. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có quy định các thí sinh có quyền thay đổi nguyện vọng sau khi biết điểm thi THPT năm 2021, cụ thể mỗi thí sinh sẽ được 3 lần điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển Đại học, cao đẳng. Thí sinh có nhiều cơ hội để chỉnh sửa nhưng cũng cần lưu tâm đến thời hạn, lượt chỉnh sửa cũng như quy trình thay đổi nguyện vọng để tránh sai sót.
Thay đổi nguyện vọng sao cho hợp lý
Khó có thể nói bao nhiêu điểm là chắc "ăn" sẽ đỗ nhưng để tránh trường hợp phải tiếc "oan" khi thừa điểm mà không vào được ngành học mình muốn thí sinh nên ưu tiên những nguyện vọng mình muốn học nhất lên làm nguyện vọng 1.
Đồng thời cần chú ý tới tìm hiểu và sắp xếp các nguyện vọng tiếp theo hợp lý vì rất nhiều người vào học Đại học nhờ các nguyện vọng sau. Thí sinh cũng không nên hoàn toàn lấy điểm chuẩn của năm trước làm căn cứ đổi nguyện vọng do các năm điểm thi đều có sự chênh lệch. Để tăng tỉ lệ đỗ đại học các thí sinh cũng được khuyên nên đăng ký thêm nhiều nguyện vọng để "chắc ăn" hơn tấm vé vào Đại học.
Theo Thạc sĩ Trần Minh Tuấn, Phó phòng Đào tạo Trường Đại học Kiến trúc TPHCM lưu ý: "Dù kết quả cao hay thấp hơn dự đoán thì nếu muốn, các em nên bổ sung thêm nguyện vọng và sắp xếp lại theo thứ tự ưu tiên ngành thích nhất và trường mình thích nhất sau đó là các nguyện vọng thấp dần. Và nhớ chọn tổ hợp môn nào có điểm cao nhất để cơ hội trúng tuyển cao hơn".
Nguồn: TH&PL