Hôm nay 20/11, tìm về những con người thật đặc biệt - Người Lái Đò thầm lặng đứng sau thành công của những ngôi sao lớn của Vbiz. Đã bao giờ bạn thắc mắc họ là ai?
Hẹn gặp NSƯT Công Ninh ở thời điểm nhiều vội vã – lúc này ông đang tất bật với lịch quay ngày đêm. Tuy nhiên, khi lắng nghe về buổi trò chuyện với nội dung về "tình thầy trò" - Tôi đã nhận được một cái "gật đầu" từ người thầy của biết bao ngôi sao sáng Vbiz thì hiện tại.
Tôi xin được gọi "thầy" xưng "con" cho buổi trò chuyện với NSƯT Công Ninh. Không phải vì tôi là học trò thầy nhưng tôi muốn, một lần được làm "trò" của thầy Công Ninh để lắng nghe hết những tâm tư, nguyện vọng của thầy dành cho nghề. Hoặc có thể xem đây là một buổi để người thầy đã có đã gần 30 năm gắn bó với nghề nhìn lại những điều mình đã trải qua, những kỷ niệm làm nghề.
"Đã có những lúc tôi rất buồn lòng lo lắng khi nghĩ về những thị phi, ồn ào xung quanh các học trò mình nhưng biết làm sao được… Bây giờ tôi chỉ là người đứng quan sát từ xa sau khi đã hoàn thành chuyến đò của mình…"
NSƯT Công Ninh nói với tôi về ngày "bén duyên" với nghề dạy. Ngay từ đầu thầy chưa bao giờ nghĩ sẽ trở thành một giảng viên. Cơ duyên đưa đẩy sau lần thầy được cử đi Nga du học và được mời về giảng dạy ở Trường Cao đẳng Sân khấu Điện ảnh TP.HCM.
Và rồi, NSƯT Công Ninh có gần 30 năm gắn bó với với bục giảng. Nhiều gương mặt nổi bật của showbiz đã được đào tạo từ lớp học mang tên Nguyễn Công Ninh: Việt Hương, Thái Hòa, Thanh Thúy, Đức Thịnh, Trấn Thành, Trí Quang,...
- Ngày 20/11 có gì đặc biệt với thầy Công Ninh?
Nghề dạy là nghề chính của tôi nên đến ngày 20/11 cũng có chút đặc biệt, một chút bồi hồi, một chút phấn khởi. Như hằng năm, tôi được các bạn tặng hoa tri ân hoặc gửi quà cáp nên cũng có gì đó thấy ấm lòng.
Các học trò cũ cũng gửi quà, gửi lời chúc từ xa cho tôi. Mấy năm trước khi chưa có dịch bệnh thì thầy trò rủ nhau tiệc tùng nhâm nhi 2,3 chai ngồi ôn lại kỷ niệm cũ.
- NSƯT Công Ninh là người khá dễ tính, gần gũi trên sân khấu, phim trường nhưng khi ở trên bục giảng, thầy là người thế nào?
Ở trên lớp, tôi là người khá khó tính, nghiêm khắc. Và tôi nên như vậy. Ở ngoài đời, lúc đi diễn có thể tôi khá vui vẻ, cởi mở nhưng giảng đường là một môi trường khác. Tôi phải khó tính thì các trò mới tập trung cho việc học, bởi tâm lý của các em, nếu thầy mà dễ thì rất ỷ lại. Muốn học trò đạt kết quả tốt, trước tiên, tôi phải là một người thầy nghiêm khắc.
Phải cho các em biết khái niệm về cách làm nghề để có một sự nghiêm túc về điều mình đang theo đuổi. Hiểu được giá trị của nghề thì từ đó, các em mới có sự tập trung, chuyên tâm về con đường nghệ thuật.
Còn khi là một nghệ sĩ, tôi rất dễ tính. Làm nghệ sĩ mà nghiêm khắc đâu để làm gì. Tuy nhiên, tôi buộc phải hy sinh tính cách vui vẻ thường ngày để học trò của mình tâm huyết hơn cho việc học. Chính vì thế, một số em không hiểu nên không thích cách thức giảng dạy của tôi.
- Có hơn 30 gắn bó, thầy Công Ninh cảm thấy thế nào về nghề dạy của mình?
Nói chung cũng có những niềm vui, nỗi buồn. Tôi vui khi thấy học trò của mình thành tài nhưng buồn vì thấy cái nghề này không phải dạy 10 mà thành tài hết 10, mà nó rất khắc nghiệt. Cho nên đừng nói học nghề là sẽ trở thành ngôi sao, không phải ai cũng trở thành ngôi sao được đâu. Và tôi cũng rất may mắn vì những khóa tôi dạy đều có một, hai nhân vật nổi bật.
- Đã có bao giờ Nguyễn Công Ninh lung lay với cái nghề mà người ta vẫn ưu ái gọi là nghề "trồng người"?
Vẫn có chứ, đôi khi vào lớp, một số em tỏ vẻ "coi thường" mình rồi không chịu học hành khiến tôi cũng chạnh lòng. Các em vẫn chưa hiểu rõ về giá trị với nghề, nên đến lớp cho có chứ không tập trung, nhìn thấy những điều này, một người thầy như tôi tất nhiên rất buồn cho nghề của mình.
Tôi không biết các em có suy nghĩ thế nào hoặc đam mê lớn đến đâu nhưng cái sự tâm huyết dành cho nghề thì hoàn toàn không. Đa phần những em đó, học được 2, 3 năm rồi cũng tự đào thải chính mình.
Bởi mới nói, nghề của mình là nghề "trồng người" mà không đào tạo được các em học sinh giỏi thì cũng rất buồn...
- Điều gì khiến thầy chạnh lòng với nghề?
Điều chạnh lòng nhất là thấy học trò quên công dạy dỗ của mình. Họ khẳng định là tự thân hoàn thiện, nổi tiếng, chinh phục khán giả. Buồn chứ, nhưng tôi không tiện nói ra.
Tuy nhiên, tôi không có quyền đòi hỏi tất cả các em học sinh đều nhớ công ơn giảng dạy của mình. Bổn phận của tôi là người thầy, người dẫn dắt thì thấy học trò thành đạt từ xa là hạnh phúc lắm rồi. Đâu đó cũng có sự hãnh diện với nghề.
- Và đối với những học trò cá biệt trên lớp, liệu có phải do họ chưa đủ đam mê với nghề?
Có thể họ chỉ tò mò lúc đầu về cái nghề này. Hoặc họ ỷ lại về sắc vóc của bản thân mà xem nhẹ những thứ chuyên môn khác. Tuy nhiên, các em quên mất một điều, để trở thành một nghệ sĩ thực thụ thì "sắc vóc" không phải là điều kiện cần thiết nhất. Ngoài sắc vóc, bạn phải thật sự tài năng, có kỹ năng và đam mê với nghề.
- Xét một cách tổng thể, thầy nhận xét thế nào về cách nhìn nhận của lớp trẻ ngày nay với nghề?
Những nghệ sĩ trẻ hiện nay họ rất năng động, linh hoạt và thông minh. Họ có những cái ứng biến với dịp sống của xã hội một cách nhanh nhạy và tinh tế mà những điều đó ở thế hệ của tụi tôi cũng không theo kịp.
Ở thế hệ của tụi tôi đôi khi không có những tố chất như các bạn. Chúng tôi làm nghề bằng kinh nghiệm, từ những điều tích lũy qua mỗi vai diễn, sản phẩm. Còn thế hệ trẻ, họ có những cách tiếp cận với cuộc sống một cách nhanh nhạy hơn. Nếu thật sự họ biết tích góp kiến thức trường lớp với sự biến hóa của cuộc sống, chắc chắn họ sẽ thành công.
Tôi rất đề cao những bạn trẻ có tinh thần ham học hỏi. Với những học trò thật sự dành sự trân trọng cho nghề thì thật sự con đường các bạn đi sẽ thành công.
Giới giải trí bây giờ đã có nhiều thay đổi để phù hợp với nhu cầu thị hiếu của khán giả. Điển hình là việc ra nhiều gameshow, phim ảnh giải trí và những bộ phim mới đều do các nghệ sĩ trẻ quáng xuyến. Và thật sự thế hệ trẻ ngày nay đã nắm bắt rất tốt nhu cầu thị hiếu của khán giả để phát triển bản thân.
- Còn người học trò mà thầy tự hào nhất trên chuyến đò Nguyễn Công Ninh?
Có nhiều chứ nhưng tôi thấy có hai trò đang nổi tiếng đình đám mà mọi người hay nhắc đến là Việt Hương và Trấn Thành. Trấn Thành học với tôi hồi hai năm đầu, sau đó, trò ấy đi thi Én Vàng và đi làm nghề đến tận bây giờ luôn.
Trấn Thành cũng là một nghệ sĩ cá biệt và hiếm trong nghề. Cậu ta rất hoạt ngôn và khả năng đó của Trấn Thành khó có nghệ sĩ nào theo kịp. Với tôi, Trấn Thành là một nghệ sĩ rất đặc biệt, có sự duyên dáng và khả năng ứng biến nhanh nhạy. Theo cá nhân tôi, trong thời điểm hiện tại hiếm có nghệ sĩ nào được như vậy.
- Đó là về "tài" còn về "đức", Trấn Thành là người thế nào?
Không biết với người khác thế nào, nhưng với tôi, cậu ấy là một người đong đầy với những người thầy của mình. Trấn Thành rất hòa đồng, có sự kính trên nhường dưới và đối đãi rất tình cảm với những người trong nghề.
Tôi nghĩ, tính cách của cậu ấy khiến những người chơi chung không ai ghét được. Mọi người trong nghề cũng rất quý nhân vật này.
- Điều này có nghĩa "một học trò thành công" phải nổi tiếng?
Cái nghề này phải nổi tiếng thì mới gọi là thành công được chứ, đó vốn là tiêu chí của người nghệ sĩ mà. Nếu không nổi tiếng thì chỉ đủ sống với nghề thôi, khán giả phải biết và ngưỡng mộ thì mới đúng với bản chất của nghề.
- Việt Hương cũng có vẻ cũng là một cô học trò có nhiều cái để kể?
Tôi có một kỷ niệm đáng nhớ với Việt Hương mà đến tận bây giờ không quên được. Hồi xưa, gia đình Việt Hương nghèo lắm, nên tiền học phí cứ phải trì trệ so với những bạn khác.
Trường lớp hồi trước có một quy định, nếu học sinh nào mà chưa đóng học phí sẽ bị cấm vào lớp. Thế là, cứ mỗi lần tôi canh cô giám thị xuống là dặn Việt Hương chạy ra sân chơi để tránh bị đòi, khi nào cô đi thì quay lại lớp học. Thấy thương trò ấy lắm! Bây giờ Việt Hương đã thành danh rồi thì tôi thật sự mừng.
Chính bản thân cô ấy đã nỗ lực, chứng tỏ khả năng với nghề và cuối cùng đã đạt một kết quả quá tuyệt vời.
Việt Hương đối đãi với bậc thầy, đồng nghiệp tốt lắm. Trong các mối quan hệ, Việt Hương sẵn lòng giúp đỡ mọi người, không câu nệ bất cứ điều gì.
- Thế giới showbiz lắm thị phi, trở thành người của công chúng tất nhiên không tránh khỏi những điều này. Khi chứng kiến những điều "không hay" xảy ra với học trò của mình, cảm xúc một người thầy thế nào?
Đã có lúc tôi rất buồn lòng và lo lắng khi nghĩ về những thị phi, ồn ào xung quanh các học trò mình, nhưng biết làm sao được, bây giờ tôi chỉ là người đứng quan sát từ xa sau khi đã hoàn thành chuyến đò của mình…
Cuộc sống mà, đâu ai làm hài lòng hết tất cả mọi người. Quan trọng bản thân người đó có đủ bản lĩnh để vượt qua những khó khăn, trắc trở của nghề. Không phải là nghệ sĩ cũng đã có thị phi rồi huống hồ gì làm nghệ sĩ, nên phải chấp nhận thôi!
Tôi nghĩ bản lĩnh của họ có thể vượt qua được. Tôi chỉ là một người thầy, quan sát từ xa…
- Với cương vị một người thầy, Nguyễn Công Ninh có lời khuyên nào dành cho học trò ở thời điểm niềm tin nghệ sĩ lung lay?
Là một người nghệ sĩ, chuyên môn và đạo đức phải đi song song. Nghệ sĩ phải có đạo đức tốt thì mới làm nghề bền bỉ, còn nếu không sẽ bị đào thải. Song song đó, đòi hỏi bạn phải có tài năng thì mới phát triển lâu dài với nghề. Những điều này song hành và hòa quyện, tạo nên một người nghệ sĩ đẹp.
Bản thân người nghệ sĩ cũng đủ tôi luyện cho mình khả năng phải thích nghi với nghề. Nhiệm vụ của tôi là truyền cảm hứng, đưa những giá trị của nghề đến với nghệ sĩ. Tôi đã hoàn thành chuyến đò của mình, còn con đường phía trước thế nào phải nhờ vào quyết tâm của họ.
Tôi cũng không thể nào luôn đi bên cạnh để nhắc nhở, răn đe. Thậm chí họ còn bản lĩnh hơn tôi thì hoàn toàn họ đủ khả năng quyết định con đường phía trước. Họ đã có những thành công trong nghề thì hoàn toàn đủ bản lĩnh đối diện với dư luận, đối diện với những điều tiêu cực.
- Có quá khó xử không khi học trò trở thành đồng nghiệp chỉ đạo mình ở phim trường?
Trong công việc chúng tôi đối đãi bình thường lắm. Ngày xưa là học trò của tôi, bây giờ họ trở thành những người đồng nghiệp, điển hình như Quốc Thuận, Khoa Nam, Vũ Ngọc Đãng,... Bây giờ các bạn trở thành đạo diễn và mời tôi tham gia vào các dự án phim. Đương nhiên, tôi phải rạch ròi mọi thứ từ đầu, ở phim trường chúng tôi chính là những đồng nghiệp.
Tôi nhận vai diễn và làm đúng vai trò của mình là một diễn viên thôi. Tôi cũng nói rất rõ với các học trò: Năm xưa các em là học trò của tôi, tuy nhiên, sau khi ra đời các em chính là đồng nghiệp của Công Ninh. Các em có thể gọi tôi bằng "thầy" nhưng hãy cứ thoải mái xem tôi là một đồng nghiệp trong nghề - hoàn toàn ngang hàng.
Buổi trò chuyện của chúng tôi kết thúc bằng một lời "cảm ơn" dành cho nhau. Thầy cảm ơn vì buổi nói-chuyện-dài-hơi để ngày Nhà giáo Việt Nam của năm 2021 được nhìn lại về chuỗi sự kiện đứng bục giảng gần 30 năm.
Tôi cảm ơn vì giữa những hối hả của cuộc sống ngày hậu giãn cách năm 2021, tôi lại được ngồi và lắng nghe một người thầy, một nghệ sĩ gạo cội kể về hành trình "người lái đò" của mình. Tôi bất giác nhớ về chuyến đò mình đã đi qua, chắc hẳn những người thầy, người cô của tôi cũng từng thắc mắc, bây giờ trò ấy đã làm gì…
Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, xin kính chúc quý thầy cô - những người cần mẫn với những chuyến đò của mình sẽ thật nhiều sức khỏe, bình an và vững tay chèo trên dòng sông mang tên sự nghiệp trồng người.
Nguồn:TH&PL