Chẳng mấy ai có thể nghĩ rằng một bộ phim ngôn tình quen thuộc có thể khiến mình nhận ra cái Tết của bản thân xa lạ thế nào và thân thuộc ra sao.
Ra mắt vào tháng 4/2018, tác phẩm Chúng Ta Của Sau Này (Us And Them) được chuyển thể bởi chính tiểu thuyết của nữ đạo diễn/tác giả Lưu Nhược Anh, nhanh chóng tạo nên tiếng vang lớn với đại chúng. Ngày đầu tiên công chiếu, bộ phim ghi nhận được khoảng 1 tỷ vé bán ra, xếp hạng kỷ lục này vào dạng "thần thoại". Lần đầu tiên, một bộ phim ngôn tình của một nữ đạo diễn nhận được vị trí "phim có doanh thu cao nhất Trung Quốc" lúc bấy giờ, với doanh thu lên đến hơn 1,3 tỷ nhân dân tệ.
Nội dung của bộ phim không có gì quá mới lạ so với thị trường tiểu thuyết và cả thị trường điện ảnh. Toàn bộ câu chuyện có thể gói gọn trong một mạch diễn biến rất đỗi quen thuộc: hai con người quen biết nhau, cùng nhau vượt qua sóng gió rồi chia xa. Mối tình ngày trẻ đó khiến họ day dứt cả đời, mãi mãi mắc kẹt trong những tiếc nuối về những điều "giá như" và "nếu thì". Tuy nhiên, điểm sáng giá của bộ phim là sự gần gũi và mang tính thời đại của nó. Tác giả/đạo diễn rất tinh ý khi diễn giải cuộc đời của mỗi con người thông qua một cột mốc thời gian được lặp đi lặp lại: Tết.
Tết cho những cuộc hạnh ngộ của đời người
Mỗi năm mới là một cuộc đời. Đó là cách Chúng Ta Của Sau Này kể câu chuyện của hai người trẻ Kiến Thanh (Tỉnh Bách Nhiên) và Tiểu Hiểu (Châu Đông Vũ). Tết âm lịch 2007 họ tình cờ gặp nhau trên một chuyến xe lửa để về quê - Dao Giang. Cuộc hạnh ngộ này đã mở ra cho cả hai cuộc tình kéo dài hơn 10 năm, có cả hạnh phúc lẫn đau thương.
Đúng như ý nghĩa của năm mới. Mọi thứ đều là bắt đầu - những khởi đầu mới. Trong thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, tâm trạng của mọi người tự động hân hoan. Họ luôn trong tâm thế đón nhận những điều tốt đẹp hơn, dẫu rằng chắc chắn không ai biết được chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo. Kiến Thanh và Tiểu Hiểu cũng như thế. Có thể khán giả sẽ nhận thấy rằng sự việc đôi con người gặp nhau rồi phải lòng nhau trong thời gian của một chuyến tàu là quá chóng vánh, nhưng hãy nghĩ đó là dịp Tết - khi mọi người luôn mở lòng, và sẵn sàng đón nhận mọi thứ với cái nhìn rằng "đây sẽ là điều tốt đẹp".
Hạnh ngộ trong dịp Tết không chỉ giới hạn ở những mối lương duyên. Thực tế, điều đó còn khó diễn ra hơn so với những mối quan hệ bình thường. Trong cuộc đời của Tiểu Hiểu, tết âm lịch năm 2007 không chỉ đem đến cho cô Kiến Thanh, mà còn cho cô một gia đình - bố của Kiến Thanh. Tuy trong phim không đề cập đến, nhưng Tiểu Hiểu là một cô gái xuất thân từ một gia đình tan vỡ. Việc bố của Kiến Thanh nhanh chóng chấp nhận cô như một người con trong nhà, đối đãi như con ruột, thật sự là một món quà hạnh ngộ lớn lao trong cuộc đời đầy đau buồn của Tiểu Hiểu.
Tết là thời điểm để biết về những người lạ, và đón nhận thêm người khác vào quỹ đạo cuộc sống. Những nhân vật trong phim gặp nhau trong xe lửa, cùng nhau hỏi han về cái tết của những người mình không hề quen biết, cũng là một cuộc hạnh ngộ dẫu ngắn ngủi nhưng vô cùng ấm áp. Năm mới, người thân trong gia đình của Kiến Thanh nói riêng và những người trong thôn cũng sẽ cùng nhau tề tựu, gặp gỡ họ hàng xa và khách lạ, cùng nhau biết thêm được vài con người trong cuộc đời này. Trong những cái Tết cuối cùng của bộ phim cũng như là cuộc đời bố của nhân vật Kiến Thanh, ông cũng được giới thiệu để gặp gỡ người con dâu mới.
Tết của người tha hương: Xa hoa và đổ nát
Những người tha hương thường có hai cuộc đời: cuộc đời của một kẻ xa lạ trên đất khách và cuộc đời của một người con xa xứ trên quê nhà. Tết âm lịch 2009, Kiến Thanh và Tiểu Hiểu lại cùng nhau về Dao Giang. Kiến Thanh phải thuê một chiếc xe và mua rất nhiều quà tết. Câu hỏi của nhân vật Tiểu Hiểu thoáng qua "anh ra vẻ gì chứ?" đủ sức nặng để cho thấy khoảng cách xa xôi giữa hai cuộc đời của một người tha hương. Không chỉ Kiến Thanh, mà tất cả mọi người đều có chung một tâm lý khi về quê nhất định phải sang trọng, phải chỉn chu, phải tươm tất.
Những con người tha hương tự buộc bản thân phải mang "hương vị thành thị" về với làng quê của mình. Kiến Thanh, với tư cách là con trai trưởng trong xã hội nông thôn Trung Quốc, là nhân vật thấm thía hơn cả nỗi ám ảnh về sự nghiệp. Nhân vật Kiến Thanh chịu chung số phận và đại diện cho đại đa số những người tha hương rời bỏ làng quê và gia đình để tiến về những thành phố lớn với hình dung về sự đổi đời vô cùng mơ hồ. Một khi đã chấp nhận bước lên thành thị, cụ thể ở đây là Bắc Kinh, là đã chấp nhận gánh trên vai trách nhiệm với tên gọi "người từ thành phố".
Sự bế tắc thường trực trong kiếp đời nghèo khổ, túng quẫn đang loay hoay giữa chốn thị thành
Dịp tết đối với những người đang lớn là một cuộc sát phạt không vũ khí. Bằng cách nào đó, việc hỏi han về sự nghiệp của nhau dần thiếu đi vẻ chân tình đáng có mà trở thành một cuộc "trả bài" rằng bản thân mỗi người đã thành công ra sao. Kiến Thanh phải tự tạo dựng cho bản thân một vẻ xa hoa, từ những món đồ anh dùng cho đến câu chuyện bịa về bản thân. Một trong những điều đáng buồn của dịp Tết trong chặng đường lớn lên của mỗi con người, đó là đôi khi họ buộc phải nói dối, để có được sự hài lòng từ người khác, để giữ cho lòng tự trọng của bản thân được an toàn.
Hẳn nhiên đằng sau bức tường xa hoa ấy là một bãi đổ nát hoang tàn khó mà hiểu hết được. Nhân vật Kiến Thanh và cả Tiểu Hiểu đều phải sống trong căn hộ ọp ẹp, không có bất kỳ ánh sáng nào lọt vào trừ ánh đèn vàng nhân tạo từ cây đèn cũ.
Họ sống, làm những công việc không có quá nhiều cơ hội thăng tiến, thậm chí phải làm những việc phi pháp như bán hàng lề đường, đối diện với nguy cơ "vào trại" bất cứ lúc nào. Những hình ảnh đau khổ, bất lực bên vệ đường, không chỉ họ, mà cả rất nhiều người trẻ mà họ đang đại diện cũng đang chật vật với những cơ hội mơ hồ mà các thành phố lớn chứa đựng. Những người trẻ đang bán mạng, để xây dựng xa hoa từ đổ nát.
Năm mới để tái ngộ, hàn huyên, và hoài nhớ
Trước khi bước qua năm mới, bao giờ cũng là thời điểm tĩnh lặng để mỗi con người tự phản ánh lại thời gian đã qua của bản thân. Kiến Thanh và Tiểu Hiểu xuất hiện từ tết âm lịch của năm 2007 trải dài đến 2015, đan xen với thực tại vô sắc của năm 2018. Trong mỗi dịp tết đó, họ đều có những màn đối thoại về "chúng ta của sau này", về những điều đã qua trong năm cũ và những chuyện sắp đến cho năm nay. Thời gian càng về sau, sự tái ngộ lại càng buồn bã hơn, vì đã có quá nhiều điều đã qua.
Trạng thái nuối tiếc là một phần không thể thiếu của năm mới. Hai nhân vật chính đạt đến sự tiếc nuối day dứt nhất khi họ đã vươn xa nhất khỏi "chúng ta của ban đầu". Lời đề tựa trên poster của phim, cũng là một trong những lời cuối cùng mà cả hai nói với nhau trước thềm năm mới: "Chúng ta rốt cuộc đã có tất cả, chỉ là không có chúng ta". Đó là sự tiếc nuối của các nhân vật trên màn ảnh, nhưng hình ảnh mà họ thể hiện trong lời nói có sức khái quát lớn hơn rất nhiều để đồng điệu với rất nhiều cuộc đời ở ngoài kia. Đó là những cuộc đời rốt cuộc đã có những gì mình muốn, nhưng không giữ được những gì mình từng có. Năm mới chính là lúc mà mỗi con người thấy rõ nhất mình đã được gì, và mất gì.
Năm 2018, năm mới cuối cùng trong mạch phim dài hơn 2 tiếng, năm mới của một chuyện tình dang dở hơn 10 năm là lúc đôi con người lại có dịp đối thoại với nhau về những gì từng có. Kiến Thanh và cả Tiểu Hiểu đều từng bảo sẽ không gặp nhau nữa nhưng có lẽ dịp năm mới khiến cho họ cảm thấy đáng để buông bỏ sự khắc nghiệt đối với bản thân. Dù câu chuyện của Kiến Thanh và Tiểu Hiểu đã chấm dứt nhưng chắc chắn mỗi khi gặp lại, họ vẫn cứ sẽ hàn huyên về những tháng ngày tươi đẹp tràn đầy thanh xuân thơ ngây đó.
Dẫu không thể ở bên nhau, nhưng ít ra câu chuyện hàn huyên của họ vẫn còn người có thể đối thoại, để trả lời cho nhau biết đối phương đang như thế nào, để kín đáo một cách lịch sự tỏ ra cho đối phương biết rằng bản thân luôn trân trọng, và hoài nhớ mãi về những kí ức cùng nhau. Đó vừa là sự thừa nhận việc mắc kẹt trong quá khứ, nhưng cũng là cách họ giải thoát cho bản thân khỏi rất nhiều trăn trở, suy tư trong những ngày không có người kia bên cạnh. Sau một thời gian giải tỏa, hai người lại tiếp tục tự ý thức về trách nhiệm của bản thân với gia đình, cuộc đời, để bước tiếp.
Chúng ta của sau này sẽ nhìn về Tết như thế nào?
Có lẽ sẽ rất ít người để ý dòng credit của phim: chuyển thể từ tiểu thuyết "Năm mới, về nhà". Tên của tiểu thuyết của một bộ phim ngôn tình đầy suy tư lại chỉ vỏn vẹn một ý nguyện đơn giản, năm mới thì đi về nhà. Cả Kiến Thanh và Tiểu Hiểu, bất kì năm mới nào họ cũng phải quay về nhà, cho dù là về cùng nhau hay đến cuối cùng Kiến Thanh về Bắc Kinh và Tiểu Hiểu trở lại Dao Giang.
Một năm qua đi, mỗi người đều trải nghiệm đầy đủ các cung bậc cảm xúc đắng, cay, ngọt, bùi. Năm mới, dù thế nào thì tự động mỗi người cũng tự biết cách xoay sở để trở về bên gia đình để đón Tết. Dù cho Tết có là những cuộc hạnh ngộ thoáng qua, là những ngày suy tư thêm chồng chất, là thời gian nhận rõ thực tại, thì trở về nhà vẫn là điều đúng đắn nhất.
Rốt cuộc, hành trình của mỗi con người dù phức tạp đến đâu, cũng sẽ được ngày Tết diễn giải lại. Trong chính tên của bộ phim, Chúng Ta Của Sau Này, có thể xem xét như một thắc mắc bỏ ngỏ được rất nhiều người tự hỏi trước thềm năm mới. Ai cũng hy vọng tràn trề về năm mới, nhưng chắc chắn không ai biết được mọi chuyện sẽ như thế nào, bản thân sẽ ở vị trí gì và có tâm trạng nào. Chúng ta của sau này sẽ nhìn về Tết như thế nào?
Nguồn: TH&PL