Mua rất nhiều quần áo hay các phụ kiện thời trang nhưng giới trẻ luôn có cảm giác không có gì để mặc.
Khi mua sắm trở thành liều thuốc tinh thần
Với những món hàng hiệu đắt tiền, những chiếc áo được tính bằng USD hay quy đổi ra hơn cả triệu đồng/ 1 chiếc vẫn luôn cháy hàng khi vừa mở bán. Những đôi giày đến từ các thương hiệu ngoại quốc như Adidas, Nike vẫn luôn được săn lùng, thông qua đó khẳng định được cá tính và gu thời trang của bản thân.
Giờ đây gần như giới trẻ không còn những giới hạn khi đầu tư về các mặt hàng thời trang. Chi tiền cực mạnh tay vào hàng hiệu, không ngần ngại chờ đợi những mặt hàng phải đặt từ rất lâu hoặc xách tay từ các thị trường nước ngoài.
Không chỉ thế, đối với những người có niềm đam mê với thời trang, các tín đồ sưu tập hàng hiệu thì chuyện chi ra vài trăm triệu để sở hữu món hàng độc lạ là lẽ thường tình. Vì thế có thể nói theo thời gian chuyện mua hàng đắt tiền và chi tiền triệu để mua quần áo, phụ kiện thời trang đang được bình thường hóa.
Mua sắm rất dễ gây nghiện, nhiều người xem việc shopping là liều thuốc để giải stress. Nhưng ít ai nhận thức được nó đang khiến số lượng rác thải thời trang gia tăng đáng kể và tình trạng tài chính của bản thân tuột dốc không phanh.
Khi mua sắm thì thoải mái, vô tư trong việc tiêu tiền dẫn đến tình trạng phải "nhịn ăn, nhịn mặc" vào những ngày cuối tháng. Và một việc quan trọng hơn sau khi mua sắm, về nhà nhìn lại có rất nhiều mặt hàng thời trang vẫn nằm một xó trong tủ quần áo, hoặc thậm chí vẫn còn nguyên tem và trong gói hàng.
Nội dung liên quan
Mua nhiều, nhưng mặc chẳng bao nhiêu
Theo Lili Petit, người sáng lập Clutter Healing chia sẻ: "Cảm giác không có gì để mặc thường xuất phát từ một tủ quần áo lộn xộn. Chúng ta thường chỉ mặc 20% số quần áo mà mình đang sở hữu và đó là những món đồ mà ta dễ dàng nhìn thấy khi mở tủ".
Vì thế, mặc dù mua sắm rất nhiều món hàng thời trang, cùng nhau săn sale từ các trang thương mại điện tử nhưng vẫn không đáp ứng được sở thích của nhiều người. Đôi khi tủ đồ đã chất đầy và chặt kín nhưng vẫn không biết hôm nay ra đường sẽ khoác lên mình "bộ cánh" như thế nào.
Chuyện đó xuất phát từ tâm lý của con người và một phần do tủ đồ quá nhiều thứ lộn xộn. Khi nhìn đi nhìn lại chỉ có những bộ quần áo thường trưng diện hàng ngày. Thực tế bản thân chúng ta đã sở hữu rất nhiều áo quần nhưng vẫn chưa có thể sử dụng hết.
Vì thế hãy thường xuyên dành thời gian để dọn dẹp và thống kê những mặt hàng thời trang đã ẩn mình trong tủ quần áo. Hạn chế mua sắm những mặt hàng không cần thiết, lựa chọn chất lượng thay vì số lượng.
Hãy lựa chọn các thương hiệu thời trang bền vững và hãy đặt giới hạn chi tiêu cho bản thân để tránh trường hợp mua hàng mất kiểm soát.