Năng khiếu quyết định một nghệ sĩ, nhân cách quyết định một con người. Một nghệ sĩ có cả hai thì đó gọi là sự tham lam của khán giả.
1. #Cancelculture là gì?
#Cancelculture (hay còn được gọi #Isoverparty) là văn hóa tẩy chay nghệ sĩ của làng giải trí Âu Mỹ thường được thực hiện bởi cư dân mạng. Văn hóa này diễn ra trên diện vĩ mô hoặc vi mô, nhưng dù trên diện nào thì nạn nhân của trào lưu này cũng phải chịu đựng hậu quả khôn lường.
2. Hậu quả của #Cancelculture
Có thể tưởng tượng #Cancelculture như một phiên bản phổ quát hơn của trò chơi Ma Sói. Nhân vật nào có nhiều lượt tố cáo nhất thì sẽ bị cho lên "thớt" và chịu đựng nỗi đau thống khổ từ sự thịnh nộ của đám đông. Văn hóa này vận hành theo cách thức tương tự chỉ có điều nỗi đau là hữu hình và cấp số nhân, nó chạy dọc từ thể xác đến tinh thần của nạn nhân và từ đó ảnh hưởng đến cuộc sống của họ ở nhiều cấp độ.
Trên thực tế, văn hóa tẩy chay nghệ sĩ đã tồn tại khá lâu trong nền công nghiệp giải trí, tuy nhiên lần bộc phát "siêu hình" nhất của nó có lẽ là vào năm 2016, thời điểm mà cả thế giới dường như kiên quyết muốn chấm dứt sự hiện diện của Taylor Swift ở làng giải trí Âu Mỹ thông qua một câu chuyện tình mập mờ và một cú điện thoại dang dở. Hơn 1 triệu dòng tweet đã được xuất bản với 1 mục đích duy nhất là công kích, thóa mạ Taylor. Nữ ca sĩ sau đó đã tạm ngưng tất cả hoạt động và ở ẩn suốt 1 năm liền.
Một số trường hợp tiêu biểu khác của #Cancelculture có lẽ là Morgan Wallen. Sau một phát ngôn phân biệt chủng tộc, anh chàng đã bị chấm dứt quyền hoạt động trong công ty và bị cấm xuất hiện trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Đây là sức mạnh của đám đông và là hậu quả của #Cancelculture.
3. #Cancelculture: Màng lọc hay lỗ hổng?
Cũng như những trào lưu khác, văn hóa #Cancelculture đều có mặt lợi và mặt hại của nó. Tuy nhiên, vì là một nền văn hóa tự phát và không bị kiểm soát bởi bất cứ ai, #Cancelculture dường như ngày càng trở nên méo mó và độc hại hơn trong mắt khán giả.
Một nghệ sĩ bị "đào mộ" những phát ngôn vạ miệng trong quá khứ? Lên thớt.
Một nghệ sĩ vô tình bị bắt gặp quá thân thiết với đồng nghiệp? Lên thớt.
Một nghệ sĩ bị cho là hẹn hò quá nhiều người và lạm dụng đàn ông? Lên thớt.
Hay thậm chí để quảng bá fancam (một hình thức thể hiện tình yêu của fan đến thần tượng) thì nghệ sĩ cũng bị cho lên thớt.
Có thể thấy rằng, "cỗ máy tẩy chay" này dường như ngày càng trở thành một thú vui tiêu khiển "làm chơi ăn thật" của cư dân mạng. Chỉ cần một nghệ sĩ bị nghi vấn là một con người không hoàn hảo thì đó sẽ là nạn nhân tiếp theo được cần được xóa sổ. Vô hình chung, điều này đã định nghĩa nên một hình ảnh mới dành cho nghệ sĩ: Một cá thể hoàn hảo không tì vết. Tuy nhiên họ đã quên đi rằng năng khiếu mới định nghĩa một nghệ sĩ, nhân cách mới quyết định một con người. Còn một nghệ sĩ mà sở hữu cả hai thì đó gọi là sự tham lam của khán giả.
Tại sao năng khiếu mới định nghĩa một nghệ sĩ?
Một người có khả năng làm nghệ thuật ở một trình độ nhất định thì được gọi là nghệ sĩ. Đây có lẽ là định nghĩa ban sơ nhất dùng để chỉ một nghệ sĩ. Điều này cũng được chứng minh tương tự dành cho những ngành nghề khác. Nếu bạn giao tiếp được với những cá thể khó giao tiếp thì bạn là một nhà tâm lý. Nếu bạn thấu hiểu dược phẩm hơn ai hết thì bạn là một lương y. Nếu bạn có khả năng phác họa ra những công trình chỉ nằm trong tâm trí của con người thì bạn là một kiến trúc sư. Do vậy, tôi cho rằng năng khiếu mới định nghĩa một nghệ sĩ.
Tại sao nhân cách mới định nghĩa một con người?
Một nhân cách xấu thì đó là một con người xấu. Một nhân cách tốt thì đó là một con người lành. Một người không có nhân cách thì đó không phải là con người. Tuy nhiên, điều này chỉ định nghĩa được một con người chứ không định nghĩa được giá trị của họ mang lại cho cộng đồng. Một con người dù xấu hay lành thì họ vẫn có thể mang lại giá trị cho cộng đồng. Và thật sự rất bất công nếu như giá trị của họ không được công nhận, ngược lại còn bị đào thải, chỉ bởi vì họ không hoàn hảo trong nhân cách.
Trường hợp này cũng được áp dụng cho văn hóa #Cancelculture. Nhiều nghệ sĩ dù có nỗ lực xây dựng hình ảnh tốt cách mấy thì một lỗi nhỏ cũng có thể khiến cho nỗ lực đó "đổ sống đổ bể". Khán giả lúc này dường như cũng chẳng tha thiết lắng nghe lời giải thích của nghệ sĩ hoặc thậm chí không công nhận họ là nghệ sĩ nữa. Cũng từ đây những giá trị mà nghệ sĩ đã nỗ lực cống hiến bỗng nhiên trở thành những giá trị ảo trong mắt khán giả: "Bài hát này nghe đồn là được mua lại chứ không phải tự sáng tác đâu"; "Payola hân hạnh tài trợ bản hit này"; "Tôi không biết cô ta là ai nhưng tôi ghét cô ta"...
Một nghệ sĩ không có nhân cách tốt thì không là một nghệ sĩ. Vậy thì theo nhận định của khán giả, một người không có năng khiếu nhưng có nhân cách cũng có thể trở thành một nghệ sĩ?
"Một nghệ sĩ sở hữu cả hai thì đó gọi là sự tham lam của khán giả"
Tại sao thuở đầu khán giả lại chấp nhận một nghệ sĩ dễ dàng nhưng về sau lại càng khắt khe với họ? Tại sao giá trị của nghệ sĩ ngay lập tức bị phủ nhận khi nghệ sĩ mắc lỗi? Tại sao nghệ sĩ không được mắc lỗi? Điều này có lẽ liên quan đến phạm trù tâm lý sâu xa của khán giả. Có lẽ khán giả cho rằng giá trị của nghệ sĩ là do khán giả mang đến nên họ cũng có để tước đoạt đi. Có lẽ khán giả nghĩ rằng sự nghiệp của nghệ sĩ là do khán giả quyết định. Hoặc đơn giản khán giả chỉ bị chi phối bởi hiệu ứng đám đông: Người kia không tha thứ nên tôi cũng không tha thứ. Nhưng chung quy lại, tôi cho rằng hầu hết những hành vi trên đều bắt nguồn từ sự tham lam, cầu toàn của khán giả.
Mặc dù nghệ sĩ không có nghĩa vụ phải theo đuổi 7749 khuôn mẫu lý tưởng do khán giả yêu cầu, nhưng nghệ sĩ vẫn phải chịu trách nhiệm nếu như họ không làm theo, nếu không sẽ bị đào thải tức thì. Không ít các nghệ sĩ cũng đã nỗ lực theo đuổi tiêu chuẩn kép này và hậu quả là không còn nhận ra bản thân là ai hay nên làm gì nữa. Tôi nghĩ rằng đây cũng chính là nguồn gốc của những giá trị ảo trong showbiz: Một trong những nền công nghiệp hào nhoáng, xa xỉ nhất của nhân loại.
Theo quan điểm cá nhân, tôi nghĩ rằng khán giả cần tỉnh táo hơn trước những trào lưu tẩy chay diện rộng như #Cancelculture. Họ cần chịu trách nhiệm trước việc lựa chọn thần tượng một người lạ và phân biệt thế nào là thần tượng và thế nào là nghệ sĩ, để từ đó sử dụng "cỗ máy tẩy chay" này một cách đúng đắn, để họ bình tĩnh trước những sự việc bất bình, và để cho #Cancelculture là một màng lọc thay vì là một lỗ hổng của nền công nghiệp giải trí 4.0.
Nguồn: TH&PL