Trải qua bao giai đoạn khó khăn, HLV Mai Đức Chung vẫn dốc sức mình chèo lái tuyển nữ để tiếp tục giữ vững ngôi vô địch SEA Games.
Tối 15/5, người hâm mộ thể thao Việt Nam đã vỡ òa khi đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam chính thức lên ngôi vô địch tại SEA Games 32 sau khi giành chiến thắng 2 - 0 trước đối thủ Myanmar.
Trước đại hội năm nay, ông Chung cùng học trò đã đăng quang ở Malaysia 2017, Philippines 2019 và Việt Nam 2021.
Thành tích quá đỗi tự hào này không chỉ là thành quả của các cô gái sau tháng ngày miệt mài luyện tập, mà còn nhờ vào phần lớn công lao dìu dắt của HLV Mai Đức Chung. Ở tuổi 72, thầy vẫn quyết chọn cái khó, cái khổ, làm việc ngày đêm để cùng đội tuyển nữ giữ vững ngôi vương SEA Games, đem đến những giây phút huy hoàng cho bóng đá Việt Nam.
Và hôm nay, thầy Chung đã một lần nữa ghi dấu ấn tuyển nữ Việt Nam trong lịch sử thể thao nước nhà.
52 năm phụng sự bóng đá nước nhà
Trước khi đến với vai trò HLV cho đội bóng nữ Việt Nam như thời điểm hiện tại, thầy Chung từng tham gia thi đấu và là một trong những chân sút kỳ cựu của Việt Nam vào những năm 70, 80. Thầy khởi đầu sự nghiệp cầu thủ vào năm 1971 và đầu quân cho CLB Xe ca Hà Nội. Với chiều cao nổi bật và lối đá linh hoạt, thầy có thể đảm nhiệm nhiều vị trí từ tiền đạo, tiền vệ, cho đến hậu vệ. Từ năm 1975 đến 1984, thầy thi đấu cho Tổng cục Đường sắt, và trong khoảng thời gian đó, thầy cũng đồng thời góp mặt trong đội tuyển Việt Nam (1981 - 1984).
Năm 1997, thời điểm đội tuyển nữ Việt Nam vừa được thành lập và đang chuẩn bị lực lượng tham dự kỳ SEA Games đầu tiên. HLV Mai Đức Chung bắt đầu dẫn dắt tuyển nữ từ khoảng thời gian đó và ngay lập tức cùng với đội đem về HCĐ cho Việt Nam tại SEA Games.
Đến nay, trong 7 tấm HCV SEA Games mà tuyển nữ Việt Nam giành được thì có đến 5 tấm là nhờ công lao dẫn dắt to lớn của HLV Mai Đức Chung, vào các năm 2003, 2005, 2017, 2019, 2022 và mới đây nhất là tấm HCV tại chung kết SEA Games 32, tối ngày 15/5/2023.
Thực tế, từng có giai đoạn, nhiều CLB ở V-League mời gọi HLV Mai Đức Chung với mức lương hấp dẫn, song thầy đều từ chối vì trách nhiệm dìu dắt tuyển nữ Việt Nam. Trả lời với giới truyền thông, thầy khẳng định: "Tôi có quan điểm rất rõ ràng, đã ký hợp đồng với ai thì trung thành, làm hết mình. Hợp đồng chưa hết hạn hoặc mục tiêu huấn luyện còn dở dang, chưa đạt được mong muốn thì cố gắng làm cho bằng được".
Người cha của tuyển nữ Việt Nam
Không phải tự nhiên mà các cầu thủ thường gọi HLV Mai Đức Chung với cái tên thân mật - "bố" Chung. Bởi bên cạnh việc huấn luyện, thầy luôn yêu thương, quan tâm các cầu thủ như con như cháu. Trong những ngày tháng khó khăn tại Giải vô địch bóng đá nữ Châu Á 2022, khi phần lớn các cầu thủ trong đội nhiễm Covid-19, "bố" Chung đã luôn ở bên cạnh, động viên các học trò, rằng: "Việc của các cháu là cố gắng thi đấu. Nếu đạt được thành tích cao thì các cháu sẽ hưởng, còn nếu thua thì bác sẽ đứng mũi chịu sào".
Thầy luôn nhận phần thiệt về mình cũng không phải ngày một ngày hai. Trong việc tập luyện hằng ngày, thầy không ngồi trong cabin huấn luyện, mà đội mũ, đeo còi, đứng giữa sân đồng hành cùng các cầu thủ, chỉ vì không muốn "các con" một mình chịu mưa, chịu nắng. Trước mỗi trận đấu, thầy cũng không đặt nặng trách nhiệm ghi bàn để giúp cả đội có tinh thần thoải mái khi thi đấu.
Quả thật, bóng đá nữ Việt Nam đã may mắn khi gặp được HLV Mai Đức Chung, không phải chỉ trên cương vị là một người thầy, mà còn là một người "bố" luôn sẵn sàng chèo lái tuyển nữ đi qua mọi thách thức, chông gai.
Chiến thắng ngày hôm nay đã đi vào lịch sử bóng đá Việt Nam, đồng thời đưa HLV Mai Đức Chung đi lên con đường trở thành tượng đài của nền thể thao nước nhà. Ở Việt Nam hay thậm chí trong khu vực, có lẽ cũng rất ít người đã để lại một sự nghiệp bóng đá đồ sộ, gắn bó và tận tụy cả đời với bóng đá như những gì thầy Chung đã làm cho tuyển nữ Việt Nam.
Nguồn: TH&PL