Chính phủ Trung Quốc đã công bố kế hoạch cho nền điện ảnh nước nhà.
Theo tờ Do News, mới đây, Cục Điện ảnh Quốc gia Trung Quốc đã công bố "Kế hoạch Phát triển Điện ảnh Trung Quốc". Cục Điện ảnh Quốc gia đã đề ra mục tiêu làm phim thuộc nhiều thể loại, chủ đề khác nhau và trình chiếu khoảng 10 phim ăn khách mỗi năm.
Không dừng lại ở đó, số lượng phòng chiếu cũng sẽ tăng lên hơn 100.000 rạp vào năm 2025, với mục tiêu đưa phim Trung Quốc chiếm hơn 55% doanh thu rạp chiếu hàng năm.
"Chúng tôi sẽ đạt được sự phát triển chất lượng cao của phim Trung Quốc và tăng cường khả năng sáng tạo." – đại diện Cục Điện ảnh Trung Quốc cho biết. Việc này cho thấy sự tự tin trong việc xây dựng một cường quốc điện ảnh sau khi Trường Tân Hồ (The Battle At Lake Changjin) thành công vang dội tại phòng vé.
Đây được dự đoán sẽ là bước đi mạo hiểm của Trung Quốc khi mới chỉ dựa vào doanh thu khủng của một bộ phim gần đây mà đánh đồng với tất cả các bộ phim điện ảnh trước đó.
Trường Tân Hồ là bom tấn có kỹ xảo hoành tráng với kinh phí 200 triệu USD, đồng thời có những thước phim cảm động. Trường Tân Hồ là minh chứng rõ nét cho sự phát triển của nền điện ảnh Trung Quốc khi thoát khỏi lối làm phim sử thi cổ trang, tập trung vào nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau cùng với hình ảnh và kỹ xảo tinh tế. Không những vậy, bộ phim còn quy tụ được giàn diễn viên vừa thu hút khán giả, vừa có diễn xuất thực lực như Dịch Dương Thiên Tỷ (TFBOYS).
Vì vậy việc bộ phim thu về 854 triệu USD, trở thành phim có doanh thu cao nhất trên toàn thế giới vào năm 2021 cũng là điều có thể dự đoán được.
Trường Tân Hồ không phải là bộ phim điện ảnh đầu tiên được đầu tư với kinh phí khủng như vậy. Trước đó, vào năm 2011, làng điện ảnh Hoa ngữ cũng đã có nhiều bộ phim có mức đầu tư kinh phí rất cao và mang về doanh thu khủng.
Ví như Kim Lăng Thập Tam Thoa có gần 5 năm "thai nghén" do đạo diễn Trương Nghệ Mưu thực hiện, với mức đầu tư lên đến 600 triệu NDT cùng sự góp mặt của ngôi sao Hollywood Christian Bale. Ra mắt chưa đầy một tháng nhưng đã thu về hơn 500 triệu NDT (khoảng 1667 tỷ đồng).
Trường An 12 Canh Giờ có ngân sách lên tới 600 triệu Nhân dân tệ, huy động gần 30.000 diễn viên và mất 7 tháng ròng rã để hoàn thành dự án "khủng" vậy nên khoảng thu nhập hơn 1 tỷ NDT (tương đương 3400 tỷ đồng) cũng là điều có thể lí giải.
Asura cũng là một trong những bộ phim điện ảnh đắt đỏ nhất trong lịch sử Trung Quốc, với chi phí sản xuất lên tới 750 triệu NDT bao gồm Lưu Gia Linh, Lương Gia Huy, nam diễn viên trẻ Ngô Lỗi thế nhưng doanh thu mở màn thấp đến đau đớn của Asura (vỏn vẹn 7,1 triệu đô) đã khiến các nhà sản xuất đành muối mặt đem phim về.
Dự kiến bắt đầu từ 2022, Trung Quốc sẽ tiếp tục đẩy mạnh lần lượt các dự án phim với mức đầu tư cực khủng, ít nhất là từ 100 triệu Nhân dân tệ. Đây có thể coi là bệ phóng để nâng tầm nền điện ảnh của đất nước tỷ dân này lên tầm thế giới.
Nguồn: TH&PL