Những yếu tố văn hóa được các chương trình truyền hình thực tế cài cắm vào show như một hình thức lan tỏa.
Tính đến thời điểm hiện tại, Hàn Quốc vẫn đang là quốc gia hàng đầu trong ngành công nghiệp giải trí. Không chỉ kiếm ra tiền, đất nước này còn có cách sử dụng truyền thông, show truyền hình hay các sản phẩm âm nhạc để quảng bá văn hóa đất nước, đưa hình ảnh Hàn Quốc đến gần hơn với người dân châu Á và thế giới.
Nội dung liên quan
Những chương trình truyền hình thực tế của xứ sở Kim Chi được đầu tư chỉn chu từ nội dung cho đến hình ảnh. Vì vậy, nó thu hút được một lượng lớn người xem không chỉ ở quê nhà mà còn tại nhiều quốc gia khác.
Với một kênh truyền thông hữu hiệu như vậy, Hàn Quốc rất thoải mái để đưa yếu tố văn hóa cài cắm trong nội dung và về sau, Trung Quốc hay Việt Nam cũng đang đi theo con đường này.
Running Man các phiên bản
Thời điểm ban đầu, Running Man lựa chọn những cái tên hot để xuất hiện trong chương trình. Lâu dần, khi đã có một lượng khán giả trung thành, ekip bắt đầu đưa những tên tuổi ca sĩ, diễn viên, nghệ sĩ nổi tiếng trong nước vào show để họ quảng bá các dự án của mình và thông qua đó, giúp âm nhạc và phim ảnh nước nhà có độ nhận diện cao hơn ở thị trường quốc tế.
Nội dung liên quan
Ngay từ bản gốc, Running Man đã truyền bá văn hóa đất nước thông qua việc cho dàn cast mặc quốc phục Hanbok ở vài số ghi hình. Là chương trình nổi tiếng ở nước ngoài, việc đưa Hanbok vào show đã phần nào giúp Hàn Quốc khẳng định đây là quốc phục của họ chứ không phải bất cứ quốc gia nào.
Tương tự Hanbok, văn hóa ẩm thực của Hàn Quốc chắc chắn không thể không xuất hiện trong Running Man, có thể kể đến như Tokbokki, rượu soju, bánh cá,... Ekip cũng đã đi qua nhiều địa điểm nổi tiếng ở Hàn Quốc để ghi hình, góp phần quảng bá du lịch khi khơi gợi sự tò mò, thích check-in để "cheap moment" với thần tượng của giới trẻ.
Thậm chí, khi ghi hình ở Việt Nam, ekip Hàn Quốc cũng quảng bá văn hóa của điểm đến như phố cổ, khu Tạ Hiện ở Hà Nội hay các địa danh tại Ninh Bình. Ẩm thực Việt Nam cũng từng xuất hiện trong tập 134 và 136. Ngay như ở tập 136, dàn cast Hàn Quốc đã mặc áo dài và phân định thắng thua bằng trò chơi dân gian của Việt Nam.
Keep Running - phiên bản Trung Quốc của Running Man thường xuyên cho dàn cast diện trang phục của đất nước hay đưa yếu tố văn hóa vào show. Đặc biệt, ekip sản xuất còn cho ra mắt thêm phiên bản Hoàng Hà để quảng bá, thúc đẩy kinh tế của khu vực này trong thời gian gần đây.
Ở phiên bản Hoàng Hà, các thành viên sẽ đến những khu chợ để thực hiện thử thách, chẳng hạn như giúp người dân buôn bán nông sản.
Tại Việt Nam, Running Man mùa 2 - Chơi Là Chạy đã góp phần quảng bá, kích cầu du lịch sau gần 2 năm im ắng vì đối mặt với dịch bệnh. Ngược lại, khi sang Hàn Quốc ghi hình, dàn cast cũng chọn trang phục truyền thống để xuất hiện trong phần mở đầu của chặng đua tại xứ sở Kim Chi.
Hướng Về Cuộc Sống
Hướng Về Cuộc Sống là một trong những chương trình góp phần thúc đẩy du lịch của Trung Quốc. Lấy chủ đề là "Rời xa nhịp sống hối hả và nhộn nhịp của thành phố, đưa bạn đi tìm cuộc sống mà bạn hằng khao khát", chương trình sẽ đưa nghệ sĩ đến những vùng nông thôn và sinh sống tại đây.
Họ sẽ bỏ qua mọi công việc để thực sự "enjoy" với cuộc sống này và sẽ có cả những câu chuyện thú vị xuất hiện. Để có tiền và thức ăn, nghệ sĩ sẽ phải làm việc hay nói cách khác là trải nghiệm cuộc sống "tự cung tự cấp".
Như ở mùa gần nhất là mùa 5, , dàn cast và ekip đã đến thôn Bạch Lân Châu, Đào Hoa Nguyên ở tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc). Những mùa trước, Hướng Về Cuộc Sống chọn địa điểm cũng phù hợp với tính chất của chương trình như ở Chiết Giang, Tương Tây, Vân Nam,...
Ban đầu, nội dung của chương trình là để xây dựng nông thôn giàu đẹp, thúc đẩy nông nghiệp ở các vùng quê Trung Quốc nhưng mùa 3, những giá trị nhân văn và phong tục ở địa điểm quay hình đã được ekip truyền tải thông qua cuộc sống của dàn cast ở làng quê, tiếp xúc với dân địa phương,...
Thực Khách Vui Vẻ
Mặc dù chưa quá đình đám nhưng Thực Khách Vui Vẻ - một chương trình truyền hình thực tế của Việt Nam sản xuất đã thành công trong việc tái hiện hình ảnh đất nước, cài cắm những yếu tố văn hóa vào hành trình của các nghệ sĩ.
Cùng với Dương Lâm và Khả Như, mỗi tập sẽ có một khách mời để cùng khám phá nhiều vùng đất khác nhau. Như ở tập 88, bộ ba nghệ sĩ đã có dịp được thưởng thức nhã nhạc cung đình Huế trên sông Hương - di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận và là nét đẹp văn hóa nghệ thuật đáng tự hào của Việt Nam.
Hoặc như lần khác, Dương Lâm - Khả Như được trải nghiệm nghề làm nhang, làm bánh bột lọc, ăn "cơm âm phủ" ở Huế,... Có thể thấy, đây là một nỗ lực để góp phần đưa những giá trị văn hóa đến gần hơn với khán giả trẻ và có thể mở rộng hơn trong tương lai.
Nguồn: TH&PL