Để các yếu tố đồng tính được phỏng chiếu chân thật, văn minh như ngày nay, thì chúng đã phải trải qua một cuộc cách mạng dài.
Chủ đề về LGBTQ+ là một chủ đề có hành trình đầy gian truân trên màn ảnh rộng. Suy cho cùng, có lẽ bởi vì đây là một chủ đề rất nhạy cảm, không chỉ trong nền điện ảnh nói riêng, mà còn là trong mọi loại hình nghệ thuật.
Với một số quy tắc bất thành văn của đặc thù chính trị - xã hội, cùng với yếu tố tôn giáo, khiến cho việc ủng hộ, thể hiện xu hướng tính dục trở nên khó khăn, và việc khai thác những yếu tố đó trên các phương tiện truyền thông lại càng là một sự cấm kị.
Tuy nhiên, với sự phát triển của xã hội, khi xã hội ngày càng văn minh hơn thì xu hướng tiếp nhận thông tin của con người đã có phần thay đổi. Nhóm nhân vật thiểu số này ngày càng nhận được nhiều sự công bằng hơn, ngày càng được xã hội đón nhận hơn. Từ đó, chủ đề này cũng được đưa lên phim ảnh rộng rãi hơn và nền ảnh đã có những bước chuyển mình, những tiếng nói đại diện chân thật, nhân văn hơn.
Sự hiện diện mờ nhạt và bị cấm đoán đến cùng cực trong quá khứ
Yếu tố đồng tính sơ khai nhất từng được thể hiện trong phim ảnh là ở bộ phim ngắn The Dickson Experimental Sound Film (1895). Các nhà phê bình điện ảnh cho rằng, đạo diễn đã cố tình thể hiện chủ đề đồng tính, khi bộ phim có phân cảnh hai người đàn ông ôm nhau, khiêu vũ trên một điệu nhạc.
Sau những phản ứng không mấy tích cực từ công chúng thì những bộ phim sau đó như Algie the Miner (1912), A Florida Enchantment (1914), The Wings (1916)… chỉ mang đến hình ảnh rất hạn chế, nếu không muốn nói là quá mờ nhạt cho người đồng tính.
Những bộ phim đề cập đến chủ đề đồng tính nhiều hơn, thì lại tạo ra một motif nhân vật với thái độ giễu cợt, khi cố gắng khai thác các yếu tố gây cười bằng những hành động ẻo lả, suy nghĩ ngớ ngẩn…
Tuy vậy, vẫn có những cá nhân có nhận thức mạnh mẽ về quyền được sống thật của cộng đồng LGBTQ+. Năm 1919, bộ phim Different From The Others của đạo diễn Richard Oswald và nhà tâm lý học nổi tiếng Magnus Hirschfeld - người sáng lập phong trào giải phóng đồng tính ở Đức năm 1897- đã trở thành bộ phim đề tài đồng tính hoàn chỉnh đầu tiên.
Mặc dù nhân vật chính có kết cục bi thảm, nhưng ít ra bộ phim cũng đã thể hiện được sự đồng cảm và cái nhìn chống lại định kiến xã hội, bất chấp việc từ năm 1871 luật pháp nước Đức đã tuyên bố đồng tính là tội phạm. Sự mạnh mẽ đó đã khiến cho bộ phim bị lên án kịch liệt. Không chỉ bị cấm chiếu, mà bộ phim còn bị buộc phải tiêu hủy ngay lập tức.
Sử dụng hình ảnh để gây sốc, xây dựng hình tượng tiêu cực
Khi cuộc Đại suy thoái (1929) diễn ra, các hình thức giải trí - bao gồm cả rạp chiếu phim, không còn là ưu tiên của người dân. Để có thể níu giữ doanh thu, các nhà làm phim chấp nhận đưa lên các yếu tố gây sốc, bao gồm các cảnh khỏa thân và đề cập trực tiếp đến nhân vật đồng tính.
Có thể nói, vào thời điểm này, các nhà làm phim đã "góp" một phần không nhỏ, trong việc khiến cho việc "định hình" hình ảnh người đồng tính trong tâm trí khán giả là một cộng đồng bệnh hoạn, đáng bị phán xét và không bao giờ xứng đáng có được sự chấp nhận của xã hội.
Có rất nhiều bộ phim, để đảm bảo cho sự an toàn của mình, đã bất chấp đem đến những tư tưởng lệch lạc và sai lầm, về hình ảnh người đồng tính với một cái nhìn đầy giễu nhại, cười cợt tới khán giả. Một số bộ phim thậm chí còn khắc họa người đồng tính là những kẻ có tâm lý biến thái, có xu hướng cao trong việc phạm tội, làm gia tăng cảm giác ghê sợ, dè chừng với người đồng tính.
Xu hướng làm phim này tồn tại, và kéo dài hàng thập kỷ, tạo nên một góc nhìn tiêu cực, khó mà xóa nhòa được trong tâm trí công chúng. Nền điện ảnh trong suốt khoảng thời gian đó, trưng dụng cộng đồng này như một điểm nền giải trí hái ra tiền. Cho đến những năm đầu thế kỉ 21, không khó để bắt gặp những điều tương tự ở nền điện ảnh Việt Nam.
Những thước phim hời hợt, phiến diện về cộng đồng LGBTQ+ được khai thác sơ sài, xen màu nhục dục chỉ mong kích thích được sự hiếu kì của khán giả. Cách truyền tải này không hơn gì là những trò mua vui nhất thời, chọc ngoáy vào nỗi đau bất lực trước thể xác, sự cô độc về tinh thần của những người không cùng tiếng nói với đa số.
Đi sâu vào thể nghiệm, tôn trọng nội tâm con người
Theo thời gian, sự phát triển của nền văn minh khiến cho con người có những cách diễn ngôn khác nhau cho cùng một chủ đề. Những yếu tố LGBT được lồng ghép trong các bộ phim càng ngày càng chân thật, được diễn tả đúng hơn về chủ đề này.
Họ không còn bài xích, bỡn cợt hay có những quan niệm lệch lạc và sai lầm đối với vấn đề này. Giờ đây, nền điện ảnh đã công bằng hơn, văn minh hơn khi chấp nhận hiện thực và tái hiện hiện thực thông qua những bộ phim mà họ truyền tải. Những góc khuất được gợi mở, nội tâm sâu sắc được khai thác, tình yêu chân thành được thừa nhận.
Đi đầu trong xu hướng này có thể kể đến những bậc đạo diễn Châu Á như Lý An (Hỷ Yến), Vương Gia Vệ (Xuân Quang Xạ Tiết), Trần Khải Ca (Bá Vương Biệt Cơ). Họ khai thác nhân vật của mình dưới góc nhìn chân thật về con người với những vấn đề xã hội.
Trong đó phải kể đến đạo diễn Lý An khi ông đã trực tiếp đề cập đến yếu tố đồng tính và thẳng thắn đưa ra quan điểm của mình trong bộ phim Hỷ Yến (1993). Đó là về việc con người có quyền lựa đưa và ra quyết định về hạnh phúc của bản thân, chứ không phải dựa vào các thể chế cổ hủ, dù cho nền văn hóa Á Đông (bối cảnh của bộ phim) có hà khắc đến thế nào.
Không chỉ dừng lại ở việc ủng hộ, hiện nay các bộ phim có yếu tố LGBT+ thậm chí còn được chạm tay vào các giải thưởng danh giá - điều mà ở những thế kỉ trước là điều không thể. Điển hình là bộ phim Brokeback Moutain (2005) đã thắng lớn vào năm 2005, khi mang về cho mình 3 giải Oscar, liên tiếp sau đó, các bộ phim có yếu tố LGBT+ đồng loạt "thừa thắng xông lên".
Sau khi đạt được sự đồng thuận nhất định đến từ công chúng và giới chuyên môn, các bộ phim tiếp tục đi sâu vào tâm lí của công đồng để phát triển hình ảnh nhân vật một cách chân thật nhất.
Những niềm hân hoan khi được yêu (Call Me By Your Name) ở nam giới, tính nữ mềm mại từ cô gái mang thể xác đàn ông (The Danish Girl), tình cảm tột cùng chỉ với những cử chỉ nhẹ nhàng rất đàn bà (Portrait Of The Lady On Fire)... đều là những diễn ngôn sâu sắc nhất cho cộng đồng LGBTQ+.
Cách khai thác này đã liên tiếp đưa những bộ phim LGBTQ+ xuất hiện ở những liên hoan phim danh giá như Oscar, Venice, Cannes, Berlin…, minh chứng khẳng định cho sự công nhận của giới hàn lâm về chất lượng của phim.
Một tương lai tươi sáng đáng để kì vọng
Quan điểm xã hội đang dần cởi mở hơn, tạo tiền đề cho một con đường tươi sáng hơn để những bộ phim LGBTQ+ tiến bước sau này. Điện ảnh không chỉ là giải trí mà còn là một lát cắt phản ánh thực tế xã hội. Diễn ngôn của điện ảnh như một khoảng thời gian để cho công chúng cùng nhìn nhận lại thế giới xung quanh họ.
Hy vọng rằng với việc thể hiện yếu tố LGBTQ+ dưới góc nhìn văn minh, hiện đại và nhân văn hơn, thì những định kiến hằn sâu từ bao thế kỷ nay sẽ được xóa bỏ. Chúng ta có quyền đồng cảm, yêu thương với nhân vật trên màn ảnh, và sẽ càng sâu sắc hơn nếu tình cảm đó được chia sẻ dành cho cộng đồng xung quanh. Đó là cách hay nhất để mỗi khán giả được phản ánh điện ảnh thông qua chính mình.
-----------
Ngày 28/6/1969 được coi là mốc đánh dấu bước khởi đầu của phong trào đấu tranh đòi quyền lợi cho cộng đồng LGBTQ+ trên toàn thế giới, cũng là căn nguyên của Tháng Tự Hào sau này, một dịp để toàn thế giới tôn vinh sự đa dạng về giới và tính dục. Sau 52 năm, ngày 28/6 năm nay, tập trung chia sẻ những câu chuyện về cộng đồng LGBTQ+ Việt nhưng đặt trong giá trị thiêng liêng của tình cảm gia đình vì 28/6 cũng là ngày Gia đình Việt Nam. Hãy cùng lắng nghe để xóa bỏ những định kiến còn tồn tại vì sự bình đẳng cho cộng đồng LGBTQ+!
Nguồn: TH&PL