“Ngày xửa ngày xưa” là thương hiệu nổi tiếng của sân khấu kịch Idecaf, ra mắt lần đầu vào tháng 6/2000, với vở “Tấm Cám”.
Sau 23 năm, Ngày xửa ngày xưa đã có 34 vở diễn. Năm 2005, có đến 3 vở được dựng gồm: Aladin và đủ thứ thần, Huyền thoại nữ thần Lee Kim Chi, Cậu bé rừng xanh, ra mắt vào dịp hè, Tết Trung thu và Giáng sinh.
Cậu bé rừng xanh là vở duy nhất diễn tại rạp xiếc TP.HCM (đường Phạm Ngũ Lão, quận 1). Khi diễn vở này NSƯT Thành Lộc bị tuột tay khỏi dây trong cảnh cậu bé rừng xanh bay lên cao và rơi xuống sàn.
Cú ngã khiến anh bị gãy dập 3 đốt xương cột sống và chấn thương nhiều vị trí quan trọng trên cơ thể. May mắn cuối cùng anh cũng đã bình phục để trở lại với sân khấu, dù sức khỏe của anh ảnh hưởng khá nhiều sau tai nạn.
Vở diễn gần nhất của chương trình này là Nàng công chúa và chiếc áo tầm gai vừa khép lại hôm 3/9, lập kỷ lục với 62 suất. Đây cũng là vở diễn được dư luận chú ý bởi sự rời đi của NSƯT Thành Lộc sau nhiều năm gắn bó với Idecaf.
Anh cũng là một trong những nghệ sĩ xây dựng nên linh hồn của chương trình này. Những nghệ sĩ khác cũng gắn bó với Ngày xửa ngày xưa như: NSƯT Hữu Châu, NSƯT Mỹ Duyên, nghệ sĩ Bạch Long, Hoàng Trinh, Đình Toàn, Lê Khánh, v.v..
Ngoài nghệ sĩ, chương trình cũng gắn liền với các tác giả: Hoàng Hải, Thanh Phương, Hoàng Long, Minh Phương, Quang Thảo. Hùng Lâm, Vũ Minh và Đình Toàn thường đảm nhận vai trò đạo diễn.
Đạo diễn Vũ Minh từng dàn dựng nhiều vở của chương trình này như: Hoàng tử - Công chúa và 9 vị thần... bị bắt, Nàng công chúa đi lạc, Truy tìm Thủy Long Kiếm, Hoàng tử xấu xí và cô gái tóc vàng, v.v.. Anh qua đời vào tháng 3/2022.
Chương trình ăn khách nên việc sở hữu vé Ngày xửa ngày xưa rất khó khăn. Vài năm gần đây, sân khấu chuyển sang hình thức bán vé trên trang trực tuyến, thay cho việc xếp hàng dài mua trực tiếp như trước kia.
Nội dung liên quan
Nguồn: TH&PL