Đây là phát biểu của Đại biểu Quốc hội Đỗ Chí Nghĩa (Phú Yên) trong cuộc thảo luận tại Quốc hội về tình hình kinh tế xã hội chiều 31/10.
Theo Vietnamnet, Đại biểu Quốc hội Đỗ Chí Nghĩa cho biết sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 chứng kiến một sự thay đổi rất lớn trong nhận thức, trong tư duy, trong hành động, trong chuyển biến của các cấp, các ngành liên quan đến văn hóa.
"Việt Nam có 100 triệu dân với tăng trưởng kinh tế 5% đến 6% một năm. Đây là mơ ước của nhiều quốc gia khác với tỷ lệ dân số trẻ. Người Việt Nam thích bàn luận, thích xem, thích cái mới và rất say sưa với chữ nghĩa, với văn hóa, đó là dư địa để phát triển văn hóa, nghệ thuật rất lớn", ĐB Nghĩa nhận định.
Ông dẫn ví dụ về chuyến lưu diễn của nhóm nhạc Hàn Quốc BLACKPINK ở Việt Nam chỉ có 2 đêm đã tổng thu hơn 13 triệu USD. Trong chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa được phê duyệt năm 2016 đề ra mục tiêu năm 2020 đạt tổng doanh thu nghệ thuật biểu diễn là 16 triệu USD, năm 2030 phấn đấu đạt 31 triệu USD.
"Như vậy, chỉ hai đêm diễn của BLACKPINK đã được non nửa con số chúng ta phấn đấu của tổng thu của nghệ thuật biểu diễn năm 2030, đó là điều rất đáng suy nghĩ. Họ thu ở trên đất nước chúng ta, của người Việt Nam chúng ta, trên SVĐ Mỹ Đình của chúng ta", ĐB trăn trở.
Ông Nghĩa cho biết khi vào TP.HCM làm việc, lãnh đạo Sở VHTT&DL nói do sân vận động tại đây không đủ tiêu chuẩn, nếu không BLACKPINK đã diễn thêm 2 đêm nữa. "Vậy chỉ cần 4 đêm diễn, doanh thu của họ đã bằng chúng ta phấn đấu đến năm 2030", ông nói.
Từ những con số nêu trên, ĐB Đỗ Chí Nghĩa nhận định dư địa phát triển nghệ thuật biểu diễn tại Việt Nam là rất lớn nhưng còn nhiều vấn đề.
Ông nêu thực trạng các nhà hát thì không có diễn viên, diễn viên không có nhà hát. Có nhà hát, trung tâm biểu diễn nghệ thuật quản lý đến 5 địa điểm "đất vàng, đất kim cương" của thành phố nhưng chỉ vận hành 1 địa điểm, 4 địa điểm còn lại hoặc là để hoang hoặc cho thuê và tốn tiền bảo vệ, tiền điện nước.
Ngược lại, phần lớn các đoàn nghệ thuật không có nhà hát riêng để biểu diễn, muốn biểu diễn phải đi thuê, rất khó khăn.
Hay như câu chuyện về nhân lực, có những nghệ sĩ đã thành nghề 10 năm nhưng vẫn phải bỏ, phải thôi vì không được biên chế.
Ông cho biết khi đi khảo sát ở các trường nghệ thuật, ngành nghệ thuật truyền thống rất ít người đăng ký vào học.
ĐB Đỗ Chí Nghĩa chia sẻ: "Chúng ta đã có những Lưu Quang Vũ với 40 vở kịch cùng những đêm diễn đỏ đèn". Do vậy, chúng ta hy vọng với sự phát triển của công nghiệp văn hoá, với các chính sách thiết thực sẽ có những tác phẩm văn hoá văn nghệ, tác phẩm văn chương xứng tầm, mang hơi thở thời đại, nhất là trong bối cảnh cuộc đấu tranh chống tiêu cực tham nhũng hiện nay, hơi thở đời sống rất nhiều, những số phận rất nhiều, những câu chuyện rất nhiều.
Chúng ta chờ đợi những tác phẩm mang hơi thở đời sống, càng thật thì càng sống lâu với thời gian, càng thật thì càng được đón nhận một cách sâu sắc", ông Nghĩa nói.
Nguồn: TH&PL