Người viết từng có cơ may được chứng kiến một Văn Mai Hương trẻ trung năm 17 tuổi, làm khách mời và cũng là nhân vật được chú ý nhất tại một buổi prom của một ngôi trường cấp 3. Mười năm sau, Văn Mai Hương của ngày hôm nay vẫn tiếp tục bỏ túi những "hit" và xây chắc hình ảnh của mình.
Có được một ca khúc "hit" trong năm 2021 - năm mà dịch bệnh tiếp tục làm ảnh hưởng đến kế hoạch của rất nhiều nghệ sĩ là một việc không phải dễ. Nhiều người đã nhầm tưởng rằng sức mạnh của mạng xã hội và các trào lưu online sẽ giúp những sản phẩm âm nhạc lan tỏa hơn, nhưng câu chuyện lại không đơn giản như vậy.
Số lượng ca khúc kiếm được cho mình một thứ hạng cao trong top trending Youtube và một bản remix đáng nhớ để tạo xu hướng trên Tik Tok trong năm nay thực tế là không nhiều. "Hương" của Văn Mai Hương là một trong số ít những sản phẩm đạt được cả hai điều đó; bài hát được sáng tác bởi Hứa Minh Tuyền và có sự giúp sức của rapper Negav đã có cho mình phiên bản acoustic, phiên bản remix, để rồi giờ đây câu hát "Một chút Martini, hòa cùng một chút Armani..." trở thành câu hát cửa miệng của nhiều người thời gian qua.
Phần điệp khúc luôn là đoạn tạo nên giá trị thương mại của rất nhiều ca khúc. Trong một bản ballad, phần điệp khúc góp phần giúp cảm xúc ở những câu hát trước đó được dâng trào, bung tỏa như một bông hoa đẹp. Trong một bản nhạc điện tử, phần điệp khúc là nơi con beat được "thả" từ một độ cao nhất định sau khi đã đi từng bậc một để đến với phần cao trào.
Tất nhiên, để đòi hỏi một phần điệp khúc hay, người sáng tác ra ca khúc cũng cần biết xây dựng một "công trình" bao quanh có chất lượng tương xứng. Một bài hát chỉ hoàn thiện, chỉn chu một trong hai phần đều sẽ không thể được coi là một sản phẩm có chất lượng đồng đều trọn vẹn.
"Hương" của Văn Mai Hương được viết bởi chàng nhạc sĩ Hứa Minh Tuyền - người đã giúp nhiều ca sĩ khác như Hoàng Duyên, AMEE,... bỏ túi một vài bản "hit" trong thời gian qua. Với ca khúc này, anh đã chăm chút khá kỹ lưỡng để bài hát nghe tươi mới như chính hình ảnh của Văn Mai Hương những ngày đầu sự nghiệp, đồng thời có những yếu tố đương thời giúp tạo nên một ca khúc "bắt tai" giới trẻ trong thời điểm hiện tại.
"Hương" quyến rũ trong bốn câu hát đầu, để rồi trở nên "bập bùng" từ khi giọng ca nữ mời gọi những vũ điệu, sắc màu và hương vị của tình yêu vào trong bài nhạc. Và chỉ mất mười tám giây để từ những bập bùng đó, người nghe được kéo đến một sàn nhảy nhờ vào âm nhạc pha một chút disco, giọng hát đầy gợi tình của Văn Mai Hương, và "một chút Martini, hòa cùng một chút Armani..." Mọi thứ đã kết hợp để trao cho Văn Mai Hương một phần điệp khúc hoàn hảo trong một ca khúc vô cùng hợp phong cách với cô, album "Hương" và thị trường âm nhạc của năm 2021.
Giai điệu bập bùng của ca khúc cũng tạo nên chất liệu để Negav đóng góp những câu rap chất lượng, tôn vinh tình yêu đẹp và không làm chìm đi những giá trị đẹp của người con gái. Là "homie" của HIEUTHUHAI, MANBO và những anh em trong GERDNANG, Negav là một trong nhiều rapper đại diện cho phong cách rap love đang được giới trẻ yêu thích, với ngôn từ tương đối lành mạnh và nhiều câu "thính" chất lượng cho những cuộc hẹn hò được diễn ra.
Sự ngọt ngào của "Hương" khác với sự ngọt ngào trong giai điệu của "Sao anh chưa về nhà" - AMEE hay "Sài Gòn đau lòng quá" - Hoàng Duyên; với Văn Mai Hương, Hứa Minh Tuyền hiểu rằng sản phẩm của mình cần một con người và câu chuyện khác để thể hiện.
Đã qua rồi thời Văn Mai Hương trở nên nhí nhảnh, tươi vui trong "Nếu như anh đến" hay là "Chuyện tình nhà thơ", giờ đây ở tuổi 27, cô đã hát về tình yêu của những người trưởng thành, trong guồng quay của công việc và cần một thứ cảm xúc mãnh liệt hơn. Nếu tình yêu đó ngọt ngào, đó sẽ là sự ngọt ngào đầy thổn thức, không thể chối từ như trong "Cầu hôn"; nếu tình yêu đó đắng cay, đó sẽ là sự đắng cay đầy sang trọng, long lanh những giọt nước mắt rơi chậm khỏi đôi như trong "Đốt".
Với "Hương", từ khóa cho những bản remix, cover,... là "sự mời gọi". Làm mới ca khúc này cũng giống như pha một ly rượu mời khách vậy: nếu bạn chọn một tiếng guitar mộc mạc, cùng chút piano và tiếng trống tạo nhịp bập bùng, bạn sẽ có phiên bản live acoustic của "Hương" - một ly rượu để nhâm nhi nơi bãi biển khi ánh hoàng hôn đang phủ khắp không gian.
Còn nếu bạn chọn dàn âm thanh điện tử, tiếng trống nhạc house cùng một đoạn sample guitar mở đầu, bạn sẽ có phiên bản remix của "Hương", được chính chủ gửi gắm nơi RINV và HAOZI. Ở phiên bản này, chất liệu disco được nhấn mạnh rõ hơn nhờ những quả "drop beat" tinh tế và hòa trộn cùng thể loại nhạc house để làm nên một ly rượu mạnh hơn nơi sàn nhảy, giúp mang đến chất kích thích cho những điệu nhảy đôi trong club vào một buổi tối cuối tuần.
Những bản remix của "Hương" - vốn giờ đây cũng đã có rất nhiều - cho đến nay vẫn đang khuynh đảo Tik Tok. Chắc chắn rằng sau khi dịch bệnh qua đi và bạn có điều kiện để đi đó đây, một lúc nào đó bạn sẽ nghe được những giai điệu đầy quyến rũ của "Hương", dù là bản gốc hay một phiên bản khác đã được làm mới.
Tik Tok mang đến cho bài hát "Hương" sự lan tỏa - điều mà hẳn Văn Mai Hương cùng ê-kíp vẫn đang tận hưởng trong một vài tháng qua. Nhưng ở một khía cạnh ngược lại, chính Tik Tok cũng đang dường như hạ thấp đi một thứ làm nên giá trị của ca khúc cũng như người thể hiện nó: sự sang trọng.
Sự sang trọng của "Hương" không nằm ở những câu chữ tiếng Anh, cùng tên của những món đồ quý phái như nước hoa và rượu. Sự sang trọng đó đến từ những điều tinh tế hơn mà hẳn những bản remix với âm nhạc xập xình sẽ không thể chạm đến: một chút khàn trong giọng của Văn Mai Hương, một chút "lịch sự" trong cách truyền tải của Negav, và một chút nhẹ nhàng ở đoạn điệp khúc với những câu "du-bi-du" được lặp đi lặp lại.
Sau nhiều scandal thời trẻ, ở tuổi 27 - một lứa tuổi quan trọng trong sự nghiệp của nhiều nghệ sỹ - Văn Mai Hương giờ đã trưởng thành hơn nhiều trong cuộc sống cũng như trong giọng hát. Tương lai sẽ còn mang đến cho Văn Mai Hương nhiều bản "hit" hơn nữa, nhưng với "Hương", cô hoàn toàn có thể chọn cho mình hình ảnh quyến rũ với những ca khúc quyến rũ, đáng để thưởng thức ở những khung cảnh sang trọng nhất.
Nói văn hoa hơn thì, có thể ví âm nhạc của Văn Mai Hương với ly martini. Không đơn giản chỉ là một ly martini thông thường, mà là một ly martini "shaken, not stirred", chạm đến những dây thần kinh sâu thẳm trong cảm xúc của người nghe.
Và, với một chút Armani đắp lên mình, bạn sẽ cảm thấy thật "fancy", và muốn nhiều hơn nữa thứ âm nhạc sang trọng này...
Nguồn: TH&PL