Bí kíp mùa thi: Làm thế nào để học thuộc bài và nhớ lâu?

Bạn là học sinh, bạn luôn ám ảnh việc mỗi ngày đều ôm cuốn vở và "học thuộc lòng" những câu chữ khó nhằn? Bạn bực tức đến phát khóc và trách bản thân là "Sao mình học mãi chẳng thuộc"?

Hãy bình tĩnh và ngồi xuống "uống miếng nước - ăn miếng bánh", lấy giấy bút ra ghi chép những mẹo nhỏ sau đây để biến hành động học thuộc bài không còn là nỗi sợ của bạn nữa! 

1. Áp dụng kỹ thuật lặp lại 

Đối với những loại kiến thức bắt buộc học sinh phải thuộc lòng từng chi tiết nhỏ như là ngày tháng năm trong sự kiện lịch sử, hoặc thuộc lòng một bài thơ thì việc áp dụng kỹ thuật lặp lại để thuộc lòng là rất cần thiết. Nhưng bạn cần biết áp dụng đúng cách!

Hãy đọc to, rõ từng câu, từng chữ kết hợp với việc ghi chép lại nhiều lần. Người ta thường nói rằng, 1 lần chép thì bằng 10 lần đọc. Thế nên, viết ra giấy sẽ giúp bạn ghi nhớ lâu hơn. Tuy nhiên, hãy viết bài thơ dưới dạng rút gọn – chỉ giữ lại chữ cái đầu tiên của từng từ để buộc bộ não phải suy nghĩ.

bi kip mua thi lam the nao de hoc thuoc bai va nho lau - anh 0

Ví dụ:

"Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi! 

Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi" 

Thì bạn sẽ viết tắt là: SMXRTTO/ NVRNNCV. Từ những chữ cái đơn lẻ thế này, khi nhìn vào đọc bạn sẽ có tâm lý buộc phải đoán nội dung đúng của đoạn thơ, phương pháp này sẽ giúp bạn nhớ lâu hơn bao giờ hết. 

2. "Chia năm xẻ bảy" bài học thành những phần nhỏ trước khi nhập chữ vào đầu

Trước một đống bài vở ngổn ngang, nếu bạn chỉ học theo một trình tự quy củ thì khó lòng mà nhớ được hết tất cả. Để tránh tâm lý "choáng ngợp" trước khối kiến thức lớn, bạn cần nhia nhỏ bài học thành những đoạn nhỏ và sắp xếp theo một trình tự có khoa học để tiếp thu bài nhanh hơn. 

Không chỉ dừng lại ở việc chia nhỏ, bạn cần đặt tên cho từng phần đã chia, hãy giành thời gian nghiền ngẫm xem đoạn này nói về nội dung gì, đoạn kia nói về vấn đề nào. Từ đó, bạn chỉ cần nhớ lấy từ khóa mình đã đặt tên, là tự động bạn sẽ nhớ những nội dung còn lại. 

Chẳng phải lúc nào lên khảo bài, bạn cũng yêu cầu giáo viên nhắc mình chữ cái đầu đúng chứ? Áp dụng ngay cách này để không bị trừ điểm nhé! 

bi kip mua thi lam the nao de hoc thuoc bai va nho lau - anh 0

3. Học bài theo sơ đồ tư duy 

Có quá nhiều môn học dài dòng và bao trùm nhiều ý, sẽ thật ''rối não" nếu bắt bạn phải nhớ trình tự chi tiết những gì diễn ra từ trên xuống. Chính vì thế, cách tốt nhất là bạn nên sắp xếp lại bài học theo sơ đồ tư duy mà bất cứ thầy cô nào cũng đều khuyên bạn hệ thống theo cách này vì nó thật sự hữu dụng. 

Hãy bắt đầu với cụm từ đại ý, sau đó lan rộng ra những nhánh nhỏ, trong nhánh nhỏ đó sẽ có thành phần gì? Đừng xem thường sơ đồ tư duy... ngay trong lúc bạn vẽ ra một cái sơ đồ như thế bạn đã thuộc và hiểu được 80% bài học rồi đấy, sau đó chỉ việc nhẩm lại và ghi nhớ thôi. 

bi kip mua thi lam the nao de hoc thuoc bai va nho lau - anh 0

4. Chọn thời điểm tốt nhất để học bài 

Dĩ nhiên sẽ không có thời điểm nào trong ngày giúp bạn học thuộc bài một cách nhanh nhất và mỗi người sẽ có thời gian phù hợp riêng với mình. Có bạn chỉ học bài được vào buổi tối, đó là khoảng thời gian minh mẫn nhất đối với bạn ấy. Có bạn lại chẳng thế như thế vì quá buồn ngủ nên chọn cách... đi ngủ để sáng mai dậy sớm và học bài. 

Phương pháp này sẽ không chỉ ra cho bạn một khung giờ nào cụ thể mà chính bạn cần tìm ra khoảng thời gian tốt nhất cho mình. Nhưng mà đừng cố ép bản thân phải học và nhớ cái gì quá nhiều trong khi tâm trí không thật sự thoải mái và trở nên mộng mị. Vì như thế chỉ như "công dã tràng" mà thôi! 

bi kip mua thi lam the nao de hoc thuoc bai va nho lau - anh 0

5. Gán ghép cảm xúc của chính mình vào trong bài học 

Kiến thức luôn khô khan, do đó học vẹt chưa từng là một phương pháp tốt. Bạn chỉ như một chiếc máy photocopy, in ra thật nhiều phiên bản, nhưng trong trí óc không hề có sự liên tưởng và kết nối cảm xúc thực sự.

Gán ghép cảm xúc nghe có vẻ phức tạp nhưng thật ra rất đơn giản chỉ cần bạn biết tưởng tượng. Nếu cảm thấy quá chán nản với những câu chuyện lịch sử chứa nhiều sự kiện, sao bạn lại không liên tưởng đến những bộ phim cổ trang đầy kịch tính bạn từng xem, chẳng lẽ "Ba lần kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên - Mông" lại không hay ho và thú vị như những bộ phim ấy sao? 

Khi đọc một tác phẩm văn học cũng vậy, bạn cần đặt mình vào vị trí của Lão Hạc, hay chị Dậu để thấm được nỗi đau của họ. Chỉ vì cái đói, cái nghèo, cái chiến tranh nên cả hai đành đứt ruột bán đi những gì yêu thương nhất với mình. Ai mà không đau lòng trước những tình huống như thế? 

Khi đã hiểu và có "cảm tình" với bài học, thì vài năm sau đó hay thậm chí khi về già bạn vẫn có thể nhớ đến câu chuyện như một kỉ niệm đẹp trong thời học sinh của mình. 

bi kip mua thi lam the nao de hoc thuoc bai va nho lau - anh 0

6. Bộ nguyên tắc vàng cần tuân thủ: 

Thứ nhất, loại bỏ hoàn toàn những thứ gây phiền nhiễu xung quanh như tin nhắn điện thoại, tiếng ti vi, tiếng ồn xe cộ, hãy đóng cửa lại và chọn không gian yên tĩnh để học bài.

Thứ hai, đừng ép buộc bản thân phải cố gắng tập trung liên tục, chắc chắn bạn cũng không thể làm điều ấy. Vậy nên sau mỗi 30 – 60 phút học hãy nghỉ giải lao từ 5 -10 phút để não bộ thư giãn trở lại bằng việc ra ban công đi dạo hoặc uống một ly nước mát, thậm chí cần ăn dặm thêm để lấy sức học bài tiếp.

Thứ ba, học xong môn này rồi mới chuyển sang môn khác, tránh ôn luyện nhiều môn học cùng lúc sẽ làm kiến thức của bạn trở nên hỗn loạn giống như ''râu ông nọ cắm cằm bà kia''. 

Cuối cùng, nhớ ngủ đủ giấc 7 - 8 giờ mỗi đêm để không cho cơn buồn ngủ cản trở sự tập trung và ghi nhớ của bạn.

(

Nguồn: TH&PL

)
Chia sẻ