Mối quan hệ xung đột giữa mẹ chồng - nàng dâu vốn là một vấn đề không mới trên phim ảnh lẫn ngoài đời thật.
Từ lâu, những bộ phim truyền hình thuộc đề tài gia đình đã khai thác các vấn đề xung đột giữa mẹ chồng - nàng dâu bên cạnh những mâu thuẫn khác. Những năm trở lại đây, vấn đề này thậm chí còn được xoáy sâu, đào kĩ hơn nữa trong các bộ phim Việt và nhận được rất nhiều sự đón nhận từ khán giả bởi phản ánh quá đúng, quá thật.
Có nhiều cách để giải quyết vấn đề "cơm không lành, canh không ngọt" với mẹ chồng, nhưng trên thực tế, vẫn có rất nhiều cô con dâu chọn những cách thức tàn bạo, dã man nhất để đối đãi với người đã sinh ra chồng mình. Không những chửi mắng, bỏ đói, đánh đập bạo lực, mà có những nàng dâu còn ủ mưu hại chết mẹ chồng. Tất nhiên, những hành vi vô đạo đức và trái pháp luật ấy sớm muộn gì cũng sẽ chịu sự trừng trị của luật pháp.
Phim ảnh Việt cũng từng rất nhiều lần đưa những vụ án "con dâu sát hại mẹ chồng" có thật ngoài đời lên màn ảnh nhỏ, dù chỉ ở những tuyến nhân vật phụ nhưng phần nào cũng khiến khán giả cảm thấy rùng mình. Đầu tiên, phải kể đến bà Trang (NSUT Chiều Xuân) trong bộ phim Mặt nạ hạnh phúc (2021).
Trong phim, NSƯT Chiều Xuân vào vai một quý phu nhân giàu có, sang trọng nhưng ẩn giấu đằng sau vẻ ngoài đẹp đẽ ấy lại là một con người độc ác, tàn bạo. Người phụ nữ ấy ngoại tình với tài xế riêng sau lưng chồng tận mười năm, thông đồng với người khác vu oan chồng ngoại tình, kinh khủng hơn là bà ta còn rắp tâm mưu hại mẹ chồng. Chỉ vì mẹ chồng biết về vụ ngoại tình của mình, bà Trang đã thuê bác sĩ lang băm, thuê người "chăm sóc" để kìm hãm sự bình phục của bà Tính (nghệ sĩ Ngọc Tản), còn mua thuốc chuốc cho cụ luôn nằm trong cơn mộng mị.
Ngay cả khi không còn sự giúp sức của tay Thuận, bà Trang đành xuất chiêu dùng sự tra tấn tinh thần bà cụ bằng những lời lẽ cay nghiệt khiến cho bà suy nhược thần trí, tự tay bón thuốc an thần dưới cái mác thuốc bổ để mẹ chồng tiếp tục trong tình trạng không tỉnh táo. Thậm chí đến cái chết do đột quỵ của cụ Tính cũng xuất phát từ việc biết được sự thật cháu nội bao năm qua của mình lại là con của bà Trang cùng người tình.
Một nàng dâu cũng độc án không kém bà Trang, được xem là "cô con dâu ghê gớm nhất màn ảnh Việt 2017" chính là cô nàng Hạ Anh trong bộ phim Đánh cắp giấc mơ (2017). Từng là một cô gái hiền lành, ngoan ngoãn, luôn khát khao tình yêu thương của mẹ nuôi, nhưng sau này, Hải Vân (Hạ Anh) lại dần "hắc hóa" trở thành một người phụ nữ tàn bạo: bạo hành anh trai nuôi (cũng là chồng) tật nguyền, hại chị gái xảy thai, ngủ với anh rể và đặc biệt là hại chết mẹ nuôi (cũng là mẹ chồng),...
Hải Vân cũng từng rất khao khát tình yêu của mẹ Khanh (Huỳnh Trang Nhi) khi trở thành con nuôi của bà, nhưng cô nhận ra tình yêu của mẹ lúc nào cũng đặt lên người của Khánh Quỳnh (Quỳnh Hương) - người duy nhất bà muốn nhận nuôi. Để trả thù, Hải Vân vờ kết hôn với Bình (Bạch Công Khanh), con trai ruột mẹ Khanh và cũng là người có trí não không được bình thường hòng chiếm tài sản. Đến khi bà Khanh mắc bệnh ung thu, cô cũng là người tráo thuốc để bà chết dần chết mòn vì thuốc giả.
Ngay trong ngày cưới của Khánh Quỳnh cùng người cô yêu, vì quá uất hận mà Hải Vân đến bệnh viện tìm mẹ chồng và nói hết sự thật cho bà biết. Từ nỗi ấm ức khi không được yêu thương, đến những âm mưu mà cô đã tính toán, những tội ác mà cô đã nhúng tay, tất cả như một nhát dao chí mạng với bà Khanh đang trong tình trạng bệnh tật lúc đó. Bà đã chết tức tưởi khi Hải Vân bồi thêm "nhát dao" cuối cùng bằng câu chuyện cô âm thầm phá đi đứa con cháu chưa kịp thành hình, đứa con của cô và Bình.
Nói đi cũng phải nói lại, trong một mối quan hệ mâu thuẫn thì không chỉ mỗi mẹ chồng là người chịu thiệt, đời thật có những bà mẹ chồng quá quắc, độc ác cũng không kém gì. Khi đưa những mâu thuẫn này lên màn ảnh, đã có rất nhiều diễn viên thủ vai mẹ chồng phải than trời vì bị ghét từ trong phim ra đến ngoài đời vì diễn vai mẹ chồng quá đáng sợ. Sống chung với mẹ chồng, Thương ngày nắng về, Cuộc chiến hoa hồng,...là những bộ phim khai thác rất nhiều khía cạnh giữa mẹ chồng - con dâu với những kiểu mẹ chồng khó tính, khó ưa, ghê gớm, hành con dâu "lên bờ xuống ruộng". Bên cạnh những xung đột về tinh thần, thậm chí có nhiều bà mẹ chồng còn độc ác hơn khi lừa đảo, bạo hành con dâu tiêu biểu như bà Sáng (Bích Hằng) trong Hoa hồng không dành cho em.
Trong phim, bà Hằng không chỉ âm mưu cướp nhà của gia đình con dâu Thùy Hạnh (Lan Phương) mà còn đối xử với cô vô cùng thậm tệ. Bà liên tục chửi mắng, lăng mạ, thậm chí là đánh đập con dâu của mình khiến cô phát điên vì áp lực.
Một bộ phim khác của Việt Nam cũng có bà mẹ chồng ghê gớm hơn như thế, đó là Hoa hồng trên ngực trái (2019) với tuyến nhân vật phụ xoay quanh hai vợ chồng Dũng - San (Diệu Hương) và bà mẹ chồng (NSƯT Thanh Quý). Bà Kim ghét con dâu chỉ vì nghĩ rằng chồng và con dâu có gian tình và tìm cách khiến hai vợ chồng con trai "tan nhà nát cửa".
Với mục đích tống cổ con dâu ra đường, bà Kim giả điên và liên tục chửi mắng, đánh đập San mà không cần bất cứ lí do gì. Sau một thời gian hành hạ con dâu thì sự thật bị phát giác, những tưởng bà sẽ hối hận và yêu thương San nhiều hơn, nhưng bà Kim vẫn tiếp tục những âm mưu thâm độc của mình lên người con dâu tội nghiệp. Biết tin San có thai, tưởng như bà Kim sẽ vui mừng vì mình sắp có cháu, nhưng bà lại bỏ thuốc vào nước cam để con dâu xảy thai. Câu nói của bà khiến khán giả không khỏi căm phẫn vì sự tàn độc, nhẫn tâm với cả cháu ruột của mình: "Tôi làm, vì tôi không muốn dòng giống nhà này dính líu đến cô".
Nói đến mẹ chồng - nàng dâu là nói đến muôn vàn câu chuyện từ dở khóc dở cười cho đến những vụ việc thương tâm nhất, khi mâu thuẫn của cả hai đi đến bước đường cùng không cách nào hòa giải. Vậy mới nói, "đời như phim mà phim cũng như đời", cùng là phận đàn bà với nhau nhưng khác máu tanh lòng, câu chuyện mẹ chồng - nàng dâu bao giờ mới đi đến cái kết đẹp?
Nguồn: TH&PL