Vào 7 giờ sáng nay (26/9), tâm bão trên vùng biển phía Đông khu vực Bắc và giữa Biển Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 720km về phía Đông.
Bão số 4 được đánh giá là một cơn bão di chuyển nhanh và rất mạnh. Từ Đà Nẵng đến Bình Định sẽ có mức độ cảnh báo rủi ro thiên tai ở mức cấp 4, mức hiếm khi được dùng trong công tác dự báo cảnh báo thiên tai. Dưới đây là những điều cần biết về cơn bão nguy hiểm này:
Bão mạnh trong 20 năm, Noru gây tác động rất lớn cả đất liền và biển
Bão Noru được dự báo là một cơn bão rất mạnh, dự báo là một trong những cơn mạnh nhất trong vòng 20 năm trở lại đây ảnh hưởng đến Trung Trung Bộ (tương đương cơn bão số 6-Xangsane 9/2006, bão số 9-Ketsana 10/2009 và bão số 9-Molave 10/2020).
Theo đó, cơn bão số 9 (Ketsana) 10/2009 có tâm bão vào khu vực Quảng Nam - Quảng Ngãi, gió mạnh 32m/s (cấp 11) giật 43m/s (cấp 14) (tại đảo Lý Sơn), 22m/s (cấp) giật 30m/s (cấp 11) (tại Đà Nẵng), Quảng Bình 120-270mm, Quảng Trị - Quảng Ngãi, Gia Lai và Kon Tum 200-400mm, Thừa Thiên Huế - Quảng Ngãi 400-600mm. Bão Ketsana làm 629 người bị thương, 21614 ngôi nhà bị sập và trôi, 258564 nhà bị hư hỏng, 294711 nhà bị ngập.
Bão số 6 (Xangsane) 9/2006 có tâm bão vào Đà Nẵng - Quảng Nam, gió mạnh nhất 38m/s (cấp 13) giật 44m/s (cấp 14) (tại Đà Nẵng), Nghệ An - Quảng Ngãi 200-300mm, riêng Quảng Bình - Thừa Thiên Huế 300-400mm (30/9-4/10), 76 người chết và mất tích, 532 người bị thương, gần 350 nghìn căn nhà bị đổ, hư hại, gần 1000 tầu thuyền bị chìm và hư hại.
Bão số 9 (bão Molave) vào 10/2020 và hoàn lưu của cơn bão này đã gây ra những hậu quả đau lòng ở miền Trung. Đã có 23 người chết, 47 người mất tích, 2642 ngôi nhà bị sập, 32 trụ sở cơ quan bị tốc mái, hư hỏng, 92356 ngôi nhà bị tốc mái, 157 trường học bị hư hỏng, 2450 nhà bị ngập, 20 cầu cống bị xói lở, hư hỏng,...
Sức gió mạnh cấp 13, giật trên cấp 14
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, điều kiện khí tượng trên Biển Đông đang rất thuận lợi cho sự mạnh lên của bão Noru. Vì vậy sau khi giảm cường độ do ma sát với đảo Luzon của Philippines, bão sẽ mạnh trở lại và tiếp tục di chuyển với tốc độ rất nhanh. Thời điểm áp sát đất liền nước ta vào đêm mai (27/9), bão Noru vẫn duy trì sức mạnh cấp 12-13.
Cụ thể, trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25km có xu hướng mạnh thêm. Đến 7 giờ ngày 27/9, tâm bão cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 190km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (134-149km/giờ), giật cấp 16.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25km và tiếp tục mạnh thêm. Đến 7 giờ ngày 28/9, tâm bão trên khu vực biển Quảng Trị-Quảng Ngãi. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13-14 (134-166km/giờ), giật cấp 16.
Dự báo ngày 28/9, bão Noru sẽ đổ bộ vào đất liền Trung Bộ
Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển nhanh theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được 20-25 km, đi vào đất liền khu vực Trung Trung Bộ. Đến 10 giờ ngày 28-9, vị trí tâm bão ở khoảng 15,6 độ Vĩ Bắc; 107,5 độ Kinh Đông, trên đất liền Thừa Thiên - Huế đến Bình Định. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (62-88 km/giờ), giật cấp 11.
Do ảnh hưởng của bão, từ khoảng chiều 25-9, ở vùng biển phía Đông khu vực Bắc và Giữa Biển Đông có gió mạnh dần lên cấp 8-9, sau tăng lên cấp 10-11, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 12-13, giật cấp 16; sóng biển cao từ 6-8 m, vùng gần tâm bão sóng biển cao từ 8-10 m; biển động dữ dội.
Có thể làm sập nhà cấp 4
Thông thường, với những ngôi nhà xây dựng không kiên cố, nếu gió giật cấp 7-8, nhà sẽ bị rung lắc, tốc mái, bung cửa; gió từ cấp 9-10 sẽ làm sập đổ một phần của ngôi nhà, hư hỏng kết cấu; gió từ cấp 11-12 sẽ làm sập đổ hoàn ngôi nhà; cấp gió từ 13-16, với sức gió cực kỳ lớn sẽ cuốn bay nhà, chỉ còn lại mỗi phần móng,…
Đà Nẵng - Quảng Nam - Quảng Ngãi, Bình Định: 4 tỉnh ở cấp rủi ro thiên tai cấp 4
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia có nhận định, từ chiều 27.9, cơn bão bắt đầu ảnh hưởng trực tiếp khu vực đất liền Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định với cường độ bão cấp 12 - 13, rủi ro thiên tai cấp 4 (rủi ro rất lớn). Ngoài ra, 4 tỉnh khác chịu tác động ở mức độ nhẹ hơn là: Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Phú Yên, Kon Tum với rủi ro thiên tai cấp 3 (rủi ro lớn).
Rà soát phương án sơ tán 868.230 nghìn người
Các tỉnh từ Quảng Bình - Bình Thuận đã rà soát phương án sơ tán dân với tổng số 213.914 hộ với 868.230 người. Trong đó các tỉnh trọng tâm dự kiến bão đổ bộ từ Thừa Thiên Huế - Quảng Ngãi sẵn sàng phương án sơ tán 93.312 hộ/368.878 người tuỳ theo diễn biến của bão.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, theo Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, dự báo bão Noru là cơn bão mạnh, di chuyển với tốc độ nhanh, ảnh hưởng trên phạm vi rất rộng. "Những cơn bão có cường độ lớn cấp 13 đến cấp 16 thì ảnh hưởng rất lớn, thiệt hại tới tài sản tính mạng của nhân dân" - Phó Thủ tướng nói.
Do vậy, Phó Thủ tướng yêu cầu các đơn vị liên quan tập trung, lãnh đạo chỉ đạo từ sớm, từ Trung ương tới địa phương trong việc ứng phó với bão Noru. "Trên cơ sở tình hình thực tiễn tại địa phương, phải rà soát kỹ tất cả cơ sở vật chất, cơ sở xung yếu, có giải pháp để thống nhất trước khi bão đổ bộ" - Phó Thủ tướng nói.
Cân nhắc phương án cấm người dân ra đường trong vòng 24 giờ
Chủ động các biện pháp phòng tránh mưa ngập, lên phương án bảo đảm an toàn, giảm thiểu thiệt hại về cơ sở vật chất, công trình trường học, tài liệu, sách vở và dụng cụ học tập. Chủ động khắc phục hậu quả mưa lũ (nếu có) để sớm đưa hoạt động dạy và học trở lại bình thường.
Bão Noru hình thành từ một vùng áp thấp ngoài khơi Philippines, mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới trong ngày 22/9, tiếp tục mạnh lên thành bão vào 23/9. Đây là cơn bão khá dị thường khi di chuyển thần tốc, tăng cấp rất nhanh, cường độ thời điểm mạnh nhất xấp xỉ một siêu bão. Trên Biển Đông, Noru được dự báo là một trong những cơn mạnh nhất trong vòng 20 năm trở lại đây, tương đương cơn bão Xangsane năm 2006, bão Ketsana năm 2009 và bão Molave năm 2020. Đây đều là những cơn bão từng gây thiệt hại nặng nề cho các tỉnh miền Trung.
Nguồn: TH&PL