Không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh thì nhiều bom tấn Hollywood trong năm nay cũng thảm bại phòng vé bởi chất lượng gây thất vọng.
“Kỳ vọng càng lớn, thất vọng càng nhiều” là cảm giác chung của khán giả khi nói đến “bom xịt” của điện ảnh toàn thế giới trong năm nay. Bất chấp dàn diễn viên thực lực, đạo diễn lừng danh hay cốt truyện đặc sắc, các bộ phim này vẫn thất bại thảm hại tại phòng vé, gây lỗ đến hàng trăm triệu USD và khiến khán giả chùn bước trước mỗi lần móc hầu bao xem phim.
1. The Grudge – Nỗi thất vọng tới từ thương hiệu kinh dị đình đám Nhật Bản
Là phiên bản tái khởi động thương hiệu phim kinh dị kinh điển Nhật Bản, The Grudge do đạo diễn Sam Raimi của loạt Spider-Man sản xuất được kỳ vọng sẽ khiến cho khán giả thế giới phải kinh sợ như người tiền nhiệm từng làm được 18 năm về trước. Đáng buồn thay, bộ phim lại tiếp tục đi vào vết xe đổ của những “thảm họa” điện ảnh Hollywood khi thiếu sự đầu tư về mặt nội dung và những yếu tố làm nên thành công của thương hiệu.
Những chiêu trò hù dọa cũ kỹ, mạch truyện thiếu điểm nhấn, đến nỗi cây viết của tờ San Francisco Chronicle, Mick LaSalle còn phải thốt lên rằng, “Tôi đi xem phim vào buổi trưa, không hề bị thiếu ngủ mà vẫn thỉnh thoảng phải tát vào mặt mình mấy cái cho tỉnh.” Phim chỉ đạt 21% trên Rotten Tomatoes và doanh thu vỏn vẹn gần 50 triệu USD.
2. Dolittle – Màn kết hợp nhạt nhẽo của “Người Sắt” và “Người Nhện”
Nếu như trong MCU (Vũ trụ Điện ảnh Marvel), Iron Man có thể bảo vệ cả nhân loại trong bộ giáp sắt thì ở ngoài đời, hào quang của Robert Downey Jr. chẳng thể cứu được Dolittle. Đây cũng là bộ phim đầu tiên của anh sau kỷ nguyên Tony Stark. Tác phẩm về bác sĩ có thể nói chuyện với động vật Dolittle là nỗi thất vọng lớn tại phòng vé với khoản lỗ 100 triệu USD cho nhà phát hành Universal.
Sự kết hợp giữa Iron Man và “Nhện nhí” Tom Holland chẳng khỏa lấp nổi nội dung nhạt nhẽo. Không những vậy, phim còn phung phí tài năng của loạt diễn viên hạng A như Rami Malek, Ralph Fiennes hay Antonio Banderas. Dolittle bị các trang phê bình hàng đầu đánh giá bằng những tính từ như “mớ bòng bong”, “nhạt nhẽo” hay “xem trong đau khổ”.
3. Harley Quinn: Birds of Prey – Cố gắng sáng tạo thất bại của Warner Bros.
Thật khó tin khi bộ phim hậu truyện về nàng tội phạm Harley Quinn (Margot Robbie) xinh đẹp lại trở thành là “bom xịt” của năm 2020. Phần phim hậu truyện của Sucide Squad (2016) chỉ kiếm được 201 triệu, so với kinh phí 100 triệu và khiến cho Warner Bros. chịu lỗ hơn 100 triệu USD. Lý do đến từ việc tựa phim ban đầu gây khó hiểu khi đưa nhóm Birds of Prey ít tiếng tăm lên trước.
Song, phim lại nhận được nhiều lời tán dương từ giới phê bình, phần lớn dành cho diễn xuất của nữ chính Margot Robbie và những pha hành động mãn nhãn. Lối kể chuyện của đạo diễn Cathy Yan cũng được cho là có sáng tạo theo phong cách tưng tửng của nữ ác nhân nhưng chưa thật sự xuất sắc.
4. The Call of the Wild – Lạm dụng kỹ xảo quá đà
Tác phẩm kinh điển của nhà văn Mỹ Jack London về hành trình sinh tồn để về với chốn hoang dã của chú chó Buck là một phần quan trọng trong tuổi thơ nhiều người trên thế giới. Chính vì vậy, phiên bản chuyển thể năm 2020 với chàng “Han Solo” Harrison Ford đã lập tức thu hút sự chú ý của nhiều khán giả yêu điện ảnh và được hi vọng là sẽ đem lại cú hích lớn về doanh thu.
Nhưng tình hình ngoài phòng vé lại bi đát ngoài tưởng tượng của nhiều người, khi tác phẩm chỉ thu được 45 triệu USD trong nước và 100 triệu USD quốc tế. The Call of the Wild bị chỉ trích về việc lạm dụng kỹ xảo quà đà và không khắc họa được sự khắc nghiệt của thiên nhiên vùng núi Yukon.
5. Artemis Fowl – “Bom xịt” cắt hết cảnh quay tại Việt Nam
Có vẻ như sau thất bại với A Wrinkle in Time (2018), Disney vẫn chưa rút ra được thêm bài học nào trong việc làm phim chuyển thể từ các tiểu thuyết thiếu nhi ăn khách. Bộ phim của đạo diễn Kenneth Baraghan bị nhiều người hâm mộ tiểu thuyết gốc quay lưng vì thay đổi hoàn toàn cốt truyện gốc, tẩy trắng nhân vật và bỏ qua toàn bộ những tình tiết quan trọng của các nhân vật.
Thậm chí, những cảnh quay ở Việt Nam xuất hiện trong trailer trước đó cũng biến mất không dấu vết trong bản phim cuối. Khi các rạp chiếu tại Mỹ phải đóng cửa vì đại dịch Covid, Disney buộc lòng phải đưa Artemis Fowl lên nền tảng phát trực tuyến Disney+ hòng vớt vát phần nào từ chi phí sản xuất 125 triệu USD và khiến đây trở thành một trong những bộ phim lỗ nhất năm 2020.
6. Tenet – Phép thử sai của Christopher Nolan
Là một trong những bom tấn hiếm hoi ra rạp vào “mùa hè ảm đạm” của Hollywood, tác phẩm khoa học viễn tưởng của đạo diễn Christopher Nolan là cái tên được chờ đợi nhất năm nay. Tenet còn được kì vọng là phép thử phòng vé trong bối cảnh một bom tấn khác là Mulan đã trở thành phim trực tuyến. Phim có cốt truyện phức tạp, thách thức quy luật thời gian và vật lý bình thường nhưng vẫn rất hấp dẫn, lôi cuốn khán giả. Chính vì thế, nhà phát hành vẫn có cơ sở để tin tưởng vào mức doanh thu 500 triệu USD trở lên mới đủ hòa vốn.
Đáng buồn, siêu phẩm có mặt cả Robert Pattinson và John David Washington chỉ kiếm được 347 triệu USD toàn cầu. Bộ phim chủ yếu bị chỉ trích bởi nội dung quá khó hiểu cũng như phần âm thanh to quá lố lấn át đi lời thoại. Ngoài ra, thất bại này cho thấy khán giả thế giới vẫn chưa thực sự sẵn sàng để đến rạp vào thời điểm hiện tại.
7. The New Mutants – Cái kết "buồn" của thương hiệu X-Men
Là tác phẩm cuối cùng của thương hiệu X-Men, The New Mutants phải chịu số “con ghẻ” hẩm hiu khi nhiều lần bị lùi lịch chiếu và chỉnh sửa. Cuối cùng, sau hơn 3 năm chờ đợi, bộ phim về các dị nhân trẻ tuổi ra mắt trong thời điểm tệ nhất của điện ảnh Mỹ khi các rạp chiếu bị đóng cửa vì dịch. Trong tuần đầu ra rạp The New Mutants chỉ thu lại được 23,3 triệu USD và tổng kết là 44,5 triệu USD, so với chi phí 80 triệu USD.
Tác phẩm của Josh Boone nhận nhiều chỉ trích cho cốt truyện nhàm chán, phản diện nhạt nhẽo và tình tiết lộn xộn, hệ quả từ việc cắt cảnh quá nhiều. Yếu tố kinh dị trong các trailer trước đó cũng không thật sự ấn tượng. Siêu sao từ loạt phim Game of Thrones là Massie Williams cũng bị chê bai nhiều về khả năng diễn xuất trong vai Wolfsbane.
Nguồn: TH&PL