Một vị trí, 100 ứng cử viên. Các nghệ sĩ đã phải làm gì để từ đáy vực rồi trở thành "đỉnh của đỉnh"?
Billboard Hot 100 là bảng xếp hạng 100 ca khúc phổ biến nhất của thị trường âm nhạc Hoa Kì. Dựa trên 3 tiêu chí chính đó là doanh số bán hàng (bản vật lý lẫn kĩ thuật số), lượt phát trên radio và lượt phát trên các nền tảng trực tuyến, hàng tuần, các số liệu ở 3 mảng trên sẽ được cập nhật và các thứ hạng trên BXH cũng từ đó mà "thay ngôi đổi chủ". Theo văn hóa của làng nhạc USUK, nếu một nghệ sĩ có thể vượt qua 99 các tên tuổi khác và đặt chân trên vị trí nhất bảng, điều này cũng đồng nghĩa rằng người đó đã đạt được thành công tuyệt đối với sản phẩm âm nhạc của mình. Cũng chính vì vậy mà có không ít lần các nghệ sĩ phải "trầy da tróc vảy" để đạt được vị trí Quán Quân.
Tuy nhiên, vị trí Quán Quân này mang lại cho nghệ sĩ những lợi ích gì mà họ lại phải nỗ lực như vậy? Và họ đã phải làm những gì để có thể gặt hái được thành tựu vẻ vang này?
Cách thức tính điểm của BXH Billboard Hot 100
Về công thức tính điểm cho các sản phẩm âm nhạc, đại diện bên Billboard đã không tiết lộ một cách chi tiết mà thay vào đó là một phép tính tương đối mơ hồ. Cụ thể, mỗi ca khúc đều sẽ được tính dựa trên 3 tiêu chí chính được chia theo tỉ lệ đó là: Doanh số bán hàng (35-45%), lượt phát trên radio (30-40%) và lượt phát trên các nền tảng trực tuyến (20-30%). Nói cách khác, tính thương mại của sản phẩm càng cao thì thứ hạng của nó sẽ càng cao.
Các dữ liệu này đều sẽ được theo dõi từ thứ 2 đến Chủ Nhật và cung cấp bởi phía bên thứ 3 đó là Nielsen BDS, MRC Data và các nền tảng âm nhạc trực tuyến. Sau khi nhận được số liệu, từ đó Billboard sẽ tổng kết điểm cho từng sản phẩm và công bố kết quả cuối cùng vào thứ 3 hàng tuần.
Theo nguồn tin của Olitunes có được sau một buổi phỏng vấn riêng tư cùng Billboard, mỗi ca khúc được nghe trực tuyến bởi tài khoản có đăng kí định kì thì sẽ được tính là 1 điểm. Tức là nếu tài khoản đó nghe trực tuyến một ca khúc nhất định 100 lần thì ca khúc đó sẽ nhận được 100 điểm. Ngược lại, đối với các tài khoản sử dụng miễn phí thì số điểm giảm đi một nửa. Ngoài ra, nếu như một ca khúc bất kì nhận được 1500 lượt stream thì album của ca khúc đó nhận thêm được 1 điểm.
Các trường hợp No.1 nổi bật
Tính tới hiện tại, đã có hơn 1000 ca khúc đặt chân lên vị trí nhất bảng kể từ khi BXH Billboard ra đời. Trong đó, có không ít các sản phẩm đã đạt được thành tích đặc sắc như siêu hit Old Town Road - Lil Nas X Ft. Billy Ray Cyrus với 19 tuần liên tiếp đạt No.1, My Life Would Suck Without You của Kelly Clarkson với bước nhảy lớn nhất lên nhất bảng, The Beatles với kỷ lục "đồ sộ" 20 ca khúc No.1...
Những thành tích trên đã góp phần không ít trong quá trình định vị các nghệ sĩ trên bản đồ âm nhạc. Đối với các nghệ sĩ vừa debut như Lil Nas X, No.1 Billboard không những đã giúp cho anh chàng khẳng định vị thế của mình trong làng nhạc mà nó còn đóng vai trò là đòn bẩy củng cố cho những hoạt động âm nhạc của anh. Nhờ vào màn thể hiện xuất sắc của Old Town Road trên Billboard Hot 100, anh chàng đã có thể vượt mặt vô số các đối thủ nặng kí khác như Ariana Grande hay Post Malone và chiến thắng 2 chiếc kèn vàng danh giá vào lễ trao giải Grammy 2020. Từ một nghệ sĩ vô danh, Lil Nas X đã lập nên vô số những kỷ lục khiến cho các tên tuổi lớn khác cũng phải dè chừng.
Nghệ sĩ sẽ đạt được những lợi ích gì với một ca khúc No.1?
Bên cạnh danh tiếng lừng lẫy với những cơ hội rộng mở, với một ca khúc No.1, nghệ sĩ một lần có thể nhận về hàng triệu đô. Lấy trường hợp của Miley Cyrus, vào năm 2017, cô nàng đã cho ra mắt ca khúc Malibu và sản phẩm đã làm chao đảo làng nhạc khắp nơi trên thế giới. Sản phẩm đã được nghe 54.407.460 lần trên nền tảng âm nhạc trực tuyến chỉ sau một tuần phát hành và thành quả Miley nhận được là 272.037.30 đô la. Và đây chỉ mới là một nền tảng. Kết hợp với các nền tảng khác như Itunes, Pandora, Apple Music hay Amazon, Malibu đã thu về xấp xỉ 2 triệu đôla chỉ sau hai tuần. Lưu ý rằng, đây chỉ mới là ca khúc đạt vị trí số 10 trên BXH Billboard.
Hãy tưởng tượng xem, ca khúc No.1 sẽ thu về lợi nhuận kinh khủng như thế nào?
Để đạt được No.1, các nghệ sĩ đã phải làm những gì?
1. Số nhỏ đổi lấy số lớn
Do sự áp đảo của công nghệ streaming nên để đáp ứng được tiêu chí doanh số, các nghệ sĩ cùng hãng đĩa đã phải bán âm nhạc của mình với mức giá "nhẹ tay" nhất có thể để có thể thu hút được nhiều lượt mua. Điều này ta thường thấy rõ nhất ở các nền tảng kỹ thuật số, điển hình như Itunes. Đa số các ca khúc trên Itunes đều chỉ ở mức giá...6.500VNĐ. Thậm chí chỉ với 79.000VNĐ, bạn đã có thể sở hữu album 1989 của Taylor Swift (sản phẩm đã chiến thắng giải thưởng cao nhất của Grammy). Đây chắc chắn là một mức giá vô cùng nhỏ so với lượng chất xám đồ sộ được đầu tư vào sản phẩm. Dù thích hay ghét thì ta cũng phải công nhận rằng chiến lược này đã giúp các sản phẩm âm nhạc tiếp cận người nghe dễ hơn rất nhiều.
2. Một cây làm chẳng lên non, ba bản remix chụm lại nên No.1 Billboard
Các nghệ sĩ cũng tận dụng chiến lược cho ra mắt nhiều bản remix hay MV của một sản phẩm để kích thích doanh số cho sản phẩm đó. Một vài trường hợp tiêu biểu như Dynamite - BTS, Say So - Doja Cat Ft. Nicki Minaj hay Old Town Road - Lil Nas X Ft. Billy Ray Cyrus đã chinh phục thành công vị trí No.1 nhờ vào chiến lược này. Tuy nhiên, nó vẫn hoàn toàn phụ thuộc vào chất lượng của ca khúc. Cụ thể, đối với trường hợp gần đây nhất của "nữ hoàng tắc kè hoa" Katy Perry, cô nàng đã cho ra mắt một loạt MV cho các ca khúc Small Talk, Never Really Over và Smile nhưng các sản phẩm vẫn sở hữu thứ hạng "lẹt đẹt" thậm chí trượt hoàn toàn ra khỏi BXH.
3. Truyền thông ta làm nên tất cả!
Để đáp ứng 2 tiêu chí còn lại đó là lượt phát trên radio và nền tảng âm nhạc trực tuyến, các nghệ sĩ đã phải tối ưu hóa các hoạt động quảng bá của mình để nhiều người biết đến sản phẩm âm nhạc của mình hơn. Điều này thường được thực hiện qua các hoạt động như diễn tour, live show, phỏng vấn, quảng cáo... Nhiều hãng đĩa cũng hợp tác với những chương trình truyền hình hay radio để quảng bá cho ca khúc của mình. Chi phí cho những dự án như thế này có thể lên đến hàng triệu đô.
Ma trận No.1 và những lỗ hổng
1. Bán kèm album cũng là một cái tội?
Như mọi cuộc thi, thí sinh đều luôn cố gắng tìm những phương pháp tốn kém ít mà lợi ích nhiều. Vào những năm trước 2020, để có thể tăng tỉ lệ no.1 của mình, nhiều nghệ sĩ đã bao gồm một CD bản vật lý hoặc kỹ thuật số của album với mỗi merchandise (áo, quần, lightstick...) được bán ra và nó đã được tính vào tiêu chí doanh số của Billboard.
Đã có khá nhiều trường hợp áp dụng phương pháp và thành công điển hình như Travis Scott với album phòng thu Astroworld. Theo báo cáo, sản phẩm đã bán ra được 537.000 nghìn bản trong đó chỉ có 270.000 là bản thuần. Nhờ vào những bản album đi kèm của anh chàng, Astroworld đã đạt được vị trí nhất bảng và đĩa đơn SICKO MODE của anh chàng cũng từ đó mà vươn lên ngôi No.1 trên Billboard Hot 100. Phương pháp này đã giúp cho khá nhiều nghệ sĩ đạt được vị trí Quán Quân nhưng đồng thời cũng khiến cho không ít nghệ sĩ mới vào ngành vào phải chịu thiệt thòi. Cũng chính vì vậy mà vào tháng 7/2020, Billboard cũng đã chính thức loại trừ bản bán kèm như một hình thức thúc đẩy doanh số.
2. Cơn ác mộng "payola"
Nếu như việc bán kèm album có thể khiến cho ca khúc tăng 5% tỉ lệ đạt No.1 thì 'payola' có thể khiến cho tỉ lệ đó gấp đôi, thậm chí là gấp 3.
Payola là một thuật ngữ dùng để chỉ những hành động trao đổi lợi ích phi pháp giữa các hãng đĩa và các nhà đài. Cụ thể hơn, sau cuộc trao đổi này, ca khúc mà hãng đĩa yêu cầu sẽ được ưu tiên phát nhiều lần liên tiếp trên một nhà đài nhất định, giúp thúc đẩy độ nhận biết của ca khúc đối với thị trường âm nhạc và từ đó đáp ứng được toàn bộ các tiêu chí No.1 của Billboard. Xét về mặt pháp luật, đây là một hành động phi pháp và sẽ bị kỉ luật nặng nề nếu như bị lật tẩy.
Đếm không xuể những trường hợp các nghệ sĩ đã sử dụng phương pháp này. Trường hợp gần đây nhất có lẽ là vào tháng 10/2020 vừa qua, khi mà tạp chí Rolling Stone đã thẳng thừng phanh phui hàng loạt các nghệ sĩ lớn trong ngành bao gồm những tên tuổi như Khalid, Dua Lipa, Shawn Mendes và kể cả Ariana Grande.
Cụ thể về trường hợp của "tiểu diva" Ariana Grande với kỉ nguyên Sweetener và Thank U, Next, theo báo cáo từ RollingStone, tạp chí đã trình bày rằng vào thời điểm 2 sản phẩm ra mắt, trên các đài radio cứ vài phút đều sẽ nghe ca khúc của Ariana một lần. Và điều này lặp đi lặp lại xuyên suốt một ngày.
Những chiêu trò của payola đã gây nên không ít ảnh hưởng trong cuộc đua No.1 nói riêng và ngành âm nhạc nói chung. Về mặt lợi, nó góp phần lớn tăng cơ hội nổi tiếng cho những nghệ sĩ mới vào ngành hơn. Xét trường hợp của Iggy Azalea và Charli XCX với bản siêu hit Fancy, sản phẩm về bản chất đã vô cùng chất lượng, nếu đã không có những hiệu ứng cộng hưởng của payola, có lẽ Fancy sẽ không đủ mạnh mẽ để để lại dấu ấn cho tới tận ngày hôm nay, và Charli cũng Iggy cũng sẽ khó mà tiếp cận được thị trường một cách nhanh chóng nhưng bền vững như vậy.
Về mặt hại, không cần bàn tới thì ta cũng thấy rõ được sự bất công dành cho các nghệ sĩ khác trong nghề, đặc biệt là các nghệ sĩ mới vào nghề. Hành vi này không những hủy hoại giá trị thực sự của vị trí Quán Quân Billboard mà còn có tiềm năng hủy bỏ đi những tài năng xứng đáng hơn được công nhận. Thử nghĩ xem, nếu như Payola đã không bị lên án và tẩy chay thì làng nhạc này chỉ là sân chơi dành cho những hãng đĩa chứ không phải những nghệ sĩ. Và những nhân vật đi theo con đường chính thống cũng sẽ không bao giờ có cơ hội để tỏa sáng tại sân chơi này.
Kết
Như mọi cuộc đua, con đường chạm đến vinh quang chưa bao giờ dễ dàng. Và Billboard cũng vậy. Có thể thấy rằng, đường đua âm nhạc ngày càng trở nên khắc nghiệt hơn và điều này không chỉ xuất phát từ những làn gió mới như Billie Eilish, Ava Max hay Lil Nas X mà nó còn bắt nguồn từ những cú bắt tay mờ áp của các hãng đĩa và những kẻ bất chấp như 6ix9ine. Do vậy, để có thể trở thành "đỉnh của đỉnh", các nghệ sĩ còn phải cần có tài năng thật sự kèm theo một đội ngũ quảng bá liêm chính và chuyên nghiệp. Để vị trí Quán Quân này vẫn là một thành tựu đầy giá trị và xứng đáng được ngưỡng mộ.
Nguồn: TH&PL