Metaverse
Metaverse được biết đến rộng rãi vào năm 2021 khi Mark Zuckerberg, ông chủ của Facebook, công bố dự án phát triển thế giới thực tế ảo. Ngay lập tức, nhiều công ty ở khắp nơi trên thế giới bắt đầu nghiên cứu và tung ra các phiên bản metaverse của riêng mình với mong muốn trở thành một phần trong làn sóng chuyển dịch mới.
Metaverse được xem là cầu nối kết nối các công nghệ lại với nhau như VR và AR, nơi người dùng tồn tại dưới dạng kỹ thuật số. GameFi và Play-To-Earn là hai trong số những ví dụ điển hình về mô hình metaverse hiện nay có thể mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dùng. Từ đây, nhiều cơ hội mở ra trong metaverse khi mọi người sẵn sàng dành thời gian sống trong thế giới ảo và kiếm tiền thật. Trong năm 2023, thị trường tài chính của metaverse được dự đoán tăng 20,6% so với năm 2022.
Trí tuệ nhân tạo (AI)
Nhiều năm trở lại đây, trí tuệ nhân tạo đã trở nên quen thuộc với đại chúng khi được tích hợp vào nhiều ứng dụng công nghệ khác nhau, từ thương mại điện tử đến thuật toán đề xuất hiển thị nội dung trên các nền tảng mạng xã hội. Năm 2023, AI được dự đoán sẽ bùng nổ trong lĩnh vực hình ảnh và âm nhạc. Tuy rằng sẽ không thể nào thay thế hoàn toàn người thật, AI có thể góp phần nâng cao năng lực của người lao động, giúp các công việc được tốt và toàn diện hơn.
Thị trường AI 2023 được dự đoán phát triển vượt mốc 50 tỷ USD. Khi hàng nghìn công ty trong các ngành tiếp tục tạo ra những bước đột phá, đây sẽ là năm bản lề để trí tuệ nhân tạo có thể được cộng tác và chia sẻ kiến thức một cách minh bạch nhằm giảm thiểu rủi ro, tiếp tục thúc đẩy đổi mới.
Điện toán đám mây
Trong năm 2023, mảng điện toán đám mây sẽ phát triển mạnh mẽ với mục tiêu chống lại sự phân mảnh giữa các nền tảng với nhau. Hiện tại, nhiều doanh nghiệp đang sử dụng ít nhất từ 2 nền tảng đám mây để phục vụ cho công việc sản xuất, kinh doanh. Điều này khiến việc đồng bộ giữa chúng trở nên phức tạp và người dùng không thể tận dụng được toàn bộ lợi ích đi kèm, cũng như gây phát sinh chi phí.
Để dễ hình dung, chúng ta có thể hình dung việc dịch vụ truyền hình cáp và dịch vụ nội dung trực tuyến cạnh tranh nhau. Sau cùng, dịch vụ phát trực tuyến dành phần thắng khi vừa có kho nội dung đa dạng mà vẫn có thể xem truyền hình. Theo báo cáo từ hãng kiểm toán Deloitte, giải pháp cho lĩnh vực điện toán đám mây trong năm 2023 là xây dựng hệ sinh thái điện toán "bầu trời", tức tập hợp nhiều "đám mây" lại với nhau thành một một dịch vụ thống nhất.
Chất bán dẫn và tự lực sản xuất
Giới chuyên gia cho rằng cuộc chiến ở Ukraine sẽ thúc đẩy sự phát triển về việc tự chủ sản xuất. Theo đó, các nhà sản xuất ô tô ở Trung Quốc đã tự mua tàu vận chuyển để xuất khẩu ô tô ra thế giới. Trong khi nhiều công ty lớn như Apple đang dần chuyển dịch dây chuyền sản xuất sang các nước để giảm sự phụ thuộc vào quốc gia tỷ dân.
Tương tự, trong năm 2023, ngành công nghiệp bán dẫn cũng đáng lưu tâm không kém khi sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc đã và đang nóng hơn bao giờ hết. Sau khi bị Mỹ ngừng cấp phép sử dụng các thành phần bán dẫn quan trọng, các công ty Trung Quốc đã tìm cách xoay sở tự sản xuất chất bán dẫn và thoát khỏi thế khó mà chính phủ Mỹ đưa ra.
Internet of Things
Internet of Things hay IoT là mạng lưới cơ sở hạ tầng công nghệ được kết nối với nhau và có thể thu thập dữ liệu về mọi thứ, từ hệ thống nhà thông minh cho đến tình trạng ùn tắc giao thông trên đường phố. IoT được dự đoán sẽ tiếp tục tác động mạnh mẽ đến ngành công nghiệp năng lượng vào năm 2023, khi các bộ điều khiển nhiệt thông minh có thể theo dõi mức tiêu thụ và điều chỉnh để giúp giảm chi phí sử dụng.
Bên cạnh đó, năm 2023 cũng sẽ là thời điểm chứng kiến sự gia tăng của các sản phẩm và dịch vụ IoT liên quan đến thể chất và sức khỏe tinh thần khi nhiều thiết bị như đồng hồ thông minh có khả năng theo dõi nhiều chỉ số sức khỏe hơn ra đời.
Thái Âu (Nguồn: TH&PL)