Với sự trở lại lần này, một số ý kiến cho rằng Samsung đã mang đến các mẫu Galaxy Z Fold và Z Flip "3+1". Sở dĩ khi đặt cạnh phiên bản tiền nhiệm, Galaxy Z Flip4 không có sự khác biệt về vẻ ngoài ngay khi nhìn vào, trong khi Galaxy Z Fold4 thì được tăng kích thước màn hình phụ.
Đa phần những cải tiến đều đến từ bên trong và khắc phục một số điểm yếu trên thế hệ cũ, như kích thước màn hình phụ được tăng nhẹ, các viền được làm mỏng hơn và cải tiến vật liệu để giúp nếp gấp giữa được "tàng hình" tốt hơn. Tuy nhiên xét về tổng thể, sự thay đổi của Samsung trên thế hệ Galaxy Z mới là không quá nổi bật.
Đứng trên "đỉnh vinh quang" khiến Samsung chậm thay đổi
Với thị phần dẫn đầu thị trường smartphone gập, Samsung hiện đang giữ thế thượng phong nên có lẽ vì thế hãng đã ít thay đổi trên thế hệ sản phẩm mới. Samsung cũng không có nhiều đối thủ cạnh tranh ở mảng điện thoại gập mà chỉ có một vài sản phẩm như Motorola Razr 2022, Xiaomi Mix Fold 2, Vivo X Fold.
Nhiều đối thủ cạnh tranh là thế, bộ đôi Galaxy Z Fold4 và Z Flip4 vẫn cho thấy sự nổi bật hơn nhờ độ hoàn thiện cao và được tối ưu tốt về mặt phần mềm. Với chiếc Motorola Razr 2022, dù đã trải qua ba thế hệ sản phẩm gập, chiếc điện thoại có thiết kế gập vỏ sò tương tự Z Flip4 vẫn không thể "ngồi chung mâm" với đại diện của Samsung khi có ngoại hình cục mịch, kém bắt mắt.
Trong khi đó, các sản phẩm như Xiaomi Mix Fold 2, Vivo X Fold sở hữu cơ chế gập tương tự Galaxy Z Fold4 được đánh giá cao về ngoại hình, công nghệ bên trong, cũng như sự đổi mới qua từng thế hệ. Tuy nhiên, nhược điểm của chúng là chỉ được bán ra ở thị trường Trung Quốc nên người dùng quốc tế khó có thể tiếp cận. Điều này khiến cho thị phần của các thương hiệu này ở mảng điện thoại gập bị giới hạn mặc dù có lượng lớn điện thoại gập không thua kém gì Samsung.
Thêm vào đó, mặc dù đánh mạnh vào công nghệ, phần cứng, các mẫu smartphone gập Trung Quốc lại không được tối ưu hóa phần mềm tốt như Samsung. Đa phần chỉ tập trung tối ưu giao diện, khai thác các tính năng của màn hình gập cho các ứng dụng nội địa.
Về phần mình, Samsung hợp tác với Google để đưa hệ điều hành Android 12L dành cho các thiết bị màn hình lớn có thể gập lại lên Galaxy Z Fold4. Phiên bản Android 12L giúp tối ưu hóa giao diện của ứng dụng dù là được sử dụng trên bất cứ thiết bị nào từ trên điện thoại thường, điện thoại gập cho đến các mẫu tablet. Google cũng tối ưu hóa rất nhiều các ứng dụng trên thiết bị 2 màn hình giúp tối ưu hóa năng suất làm việc.
Làm mới thiết kế mỗi năm một lần không còn phù hợp
Một lý do khác lý giải cho việc Samsung ít thay đổi trên thế hệ lần này là muốn tối ưu hóa dây chuyền sản xuất. Thay đổi mạnh về thiết kế trên điện thoại gập nói riêng và smartphone nói chung buộc nhà sản xuất phải chi nhiều để làm mới dây chuyền sản xuất. Đó là lý do vì sao Apple nhiều năm vẫn dùng chung một ngôn ngữ thiết kế cho iPhone, hoặc nếu có thì chỉ tinh chỉnh nhẹ.
Người dùng giờ đây cũng đã quen thuộc với việc mẫu điện thoại mới ra mắt không có thay đổi nhiều về thiết kế, ngoại hình so với thế hệ cũ. Thay vào đó, họ mong muốn có một trải nghiệm tốt hơn trên thế hệ mới và toàn diện nên việc Galaxy Z mới ít thay đổi mà tập trung hoàn hiện những điểm chưa tốt cũng là điều có thể chấp nhận được.
Lợi ích khác của việc tối ưu dây chuyền sản xuất là giá bán của thế hệ smartphone gập của Samsung năm nay mềm hơn. Cụ thể bộ đôi sản phẩm được bán ra với giá 41 triệu đồng cho Z Fold4 và 24 triệu đồng cho Z Flip4, thấp hơn 1 triệu đồng so với giá niêm yết của Z Fold3 và Flip3 năm ngoái.
Nhìn chung bỏ qua những điểm trừ về thiết kế thiếu đột phá, Galaxy Z Fold4 và Z Flip4 vẫn là hai thiết bị cao cấp đáng mua. Nếu chưa từng trải nghiệm công nghệ màn hình gập, bộ đôi smartphone của Samsung chính là thiết bị dành cho bạn. Ngược lại, nếu đang sử dụng thế hệ Galaxy Z năm ngoái, người dùng có thể đợi phiên bản tiếp theo để được nhìn thấy những cải tiến mạnh mẽ hơn từ nhà sản xuất Hàn Quốc.
Thái Âu (Nguồn: TH&PL)