Apple được biết đến là thương hiệu smartphone luôn dẫn đầu về sự đổi mới. Đại diện điện thoại iPhone được xem là "gà đẻ trứng vàng" của Apple. Thế nhưng trong những năm gần đây, một trong những điều khiến nhiều tín đồ công nghệ thắc mắc khi màn hình iPhone vẫn chưa được nâng cấp lên độ phân giải 2K thậm chí là 4K. Vậy lý do đó là gì, có phải thực sự iPhone lạc hậu so với các hãng smartphone khác?
Trải nghiệm thực tế của màn hình 2K hay 4K không được đánh giá cao
Apple từ lâu đã nhận ra rằng trong một thiết bị như điện thoại thông minh, số lượng pixel bất kỳ không có quá nhiều ý nghĩa đối với người dùng. Thay vào đó, họ đã đưa ra một thuật ngữ mới được gọi là "Retina". Đây là ngưỡng mật độ pixel vượt quá mức mà người dùng có thể nhìn thấy từng pixel riêng lẻ của màn hình bằng mắt thường ở khoảng cách xem bình thường.
Ở vị trí tương tác cách màn hình thường thấy, rất khó để mắt người nhận ra sự khác biệt về mật độ điểm ảnh giữa 2K, 4K và các mức phân giải thấp hơn trên một tấm nền có kích thước khoảng 6,5 inch (phổ biến ở smartphone hiện nay). Như vậy, việc trang bị tấm nền 2K, 4K thực sự không có quá nhiều ý nghĩa về mặt trải nghiệm thực tế.
Nâng cấp chỉ gây lãng phí
Chi phí sản xuất màn hình 2K, 4K sử dụng trong điện thoại thông minh có giá không hề rẻ. Chi phí cho hai loại màn hình này sẽ dẫn đến một chiếc điện thoại đắt đỏ, hoặc người dùng phải chấp nhận hy sinh ở một vài khía cạnh khác để có mức giá dễ chịu hơn. Với màn hình 2K và 4K, Apple có thể phải tăng thêm dung lượng cho iPhone và nâng cấp cả sạc nhanh khi thực sự nó không cần thiết.
Tiêu tốn khá nhiều điện năng
Màn hình được xem là thành phần ngốn nhiều điện năng nhất trên một chiếc điện thoại. Độ phân giải lớn hơn đồng nghĩa với mật độ điểm ảnh dày hơn. Khi đó, sẽ cần nhiều năng lượng hơn để kết xuất và chiếu sáng số lượng lớn các pixel.
Trong khi đó, khác với máy tính hay tivi sử dụng nguồn điện trực tiếp, smartphone hay cụ thể là iPhone có cách tiếp cận chặt chẽ để quản lý năng lượng, tránh việc tiêu thụ quá nhiều pin. Song, người dùng thường ưu tiên cao hơn vào thời lượng pin thay vì độ phân giải quá cao, bởi thực sự 2K hay 4K chưa đủ cơ sở để tạo cho người dùng cảm nhận rõ sự khác biệt.
Công tâm mà nói trong thời đại chạy đua cấu hình, thì màn hình 2K hay 4K là một con số có ý nghĩa về hoạt động truyền thông quảng bá. Tuy nhiên thực tế lại hoàn toàn trái ngược vì những sự đánh đổi quá lớn khi trang bị màn hình 2K, 4K trên một chiếc điện thoại nhỏ. Độ phân giải cao lại mang tới nhiều bất lợi trong sử dụng thực tế. Apple đã đi đúng hướng khi chỉ chú ý vào chất lượng hiển thị, chứ không phải con số độ phân giải vô nghĩa.
(Nguồn: TH&PL)