Hiện nay người tiêu dùng thường so sánh chất lượng của camera điện thoại với số megapixel (MP) mà smartphone có. Tuy nhiên, đây là một nhận thức sai lầm về máy ảnh điện thoại. Vậy tiêu chí để lựa camera điện thoại hàng đầu là gì và tại sao điện thoại iPhone chỉ 12 MP nhưng chất lượng ảnh lại thuộc top đầu trong các hãng smartphone, hãy cùng tìm hiểu.
Kích thước cảm biến - tiêu chí hàng đầu để lựa chọn camera
Hiểu một cách đơn giản, cảm biến có vai trò xác định lượng ánh sáng cần thiết để tạo nên một bức ảnh. Mặc dù về cơ bản, độ phân giải đóng vai trò quan trọng trong việc tái tạo chi tiết cho ảnh, nhưng lượng ánh sáng thu được sẽ quyết định các yếu tố như độ cân bằng sáng thậm chí là cả độ sắc nét.
Cùng một thông số, cảm biến nào có kích thước lớn hơn sẽ thu được nhiều ánh sáng hơn vì vậy ảnh cho ra sẽ trông nổi bật hơn. Với thế hệ iPhone 13, Apple đã nâng kích thước cảm biến thành 1/1,9 inch, lớn hơn đáng kể so với cảm biến 1/2,55 inch của các thế hệ iPhone trước.
Công nghệ lấy nét là tiêu chí bắt buộc
Đây là một công nghệ đã khá phổ biến và không quá xa lạ với đa số mọi người. Về cơ bản, công nghệ lấy nét sẽ tự động lấy nét cho hình ảnh, giúp cho hình ảnh hiển thị sắc nét hơn. Từ đó, người dùng sẽ không cần phải tốn quá nhiều thời gian căn chỉnh và giữ vững tư thế để cho ra một bức ảnh đẹp.
Cho tới hiện tại, có lẽ Dual Pixel là công nghệ lấy nét tự động được tin dùng nhất. Công nghệ này giúp lấy nét những vật thể đang di chuyển với tốc độ cao, giúp bức ảnh có độ chính xác hơn.
Ngoài ra, độ sáng của ảnh khi chụp bởi Dual Pixel cũng tăng thêm 25% và thực sự chất lượng ảnh đầu ra của thiết bị sở hữu công nghệ này sẽ không thua các máy ảnh chuyên nghiệp tầm cỡ.
Thuật toán xử lý trên camera đóng vai trò cực kỳ quan trọng
Có thể ví thuật toán xử lý như một người chỉnh sửa để sửa chữa những chi tiết của ảnh. Một số thuật toán xử lý phổ biến hiện nay: HDR, Night Mode, AI,... Các thuật toán này giúp trải nghiệm chụp ảnh trở nên tối ưu hơn và đặc biệt chất lượng ảnh cho ra cũng tốt hơn.
Ví dụ AI có thể giúp điều chỉnh sẵn thông số camera cho người chụp, từ màu sắc, khẩu độ đến ánh sáng thông qua khả năng phán đoán đồ vật. Nó còn có một số chức năng phổ biến như xóa nếp nhăn, làm mắt to ra,...
Cùng với xu hướng hiện nay, các nhà sản xuất dần tích hợp thêm rất nhiều tính năng hay ho để giúp chúng ta chụp ảnh đẹp hơn như Night Mode để giúp chụp đêm tốt hơn, một số khác lại là tính năng quay phim Cinematic giúp quay video nhìn trông điện ảnh hơn.
Độ phân giải Megapixel càng cao, tốc độ xử lý ảnh càng chậm
Một bức ảnh được cấu tạo từ vô số điểm ảnh (Pixels), như vậy, nếu số điểm ảnh càng lớn thì bức ảnh sẽ càng chi tiết. Độ phân giải Megapixel là tổng số điểm ảnh mà camera có thể thu được. Tức là nếu số Megapixel càng lớn thì khi ta phóng to sẽ ít bị vỡ ảnh hay mất nét.
Những smartphone có camera độ phân giải khủng hiện nay thực tế chụp ảnh bị chậm. Khi bật chế độ chụp với độ phân giải cao nhất, các smartphone này cho tốc độ xử lí cực kì chậm. Điều này cho chúng ta thấy, camera nhiều MP sẽ tốn nhiều thời gian để xử lí hình ảnh hơn, con chip sẽ hoạt động với công suất cao hơn, tốn pin hơn. Điều này lại dẫn đến máy hoạt động chậm hơn.
(Nguồn: TH&PL)