Apple từng khiến toàn ngành công nghệ nói chung và ngành dịch vụ quảng cáo trực tuyến nói riêng chấn động khi giới thiệu tính năng App Tracking Transparency (ATT – Minh bạch theo dõi người dùng) trên phiên bản iOS 15.4 vào năm 2021. Theo đó, ATT yêu cầu các nhà phát triển ứng dụng bổ sung một cửa sổ mới khi lần đầu truy cập app, với nội dung hỏi ý kiến người dùng có cho phép các ứng dụng và website bên thứ ba thu thập dữ liệu hay không.
Tính năng này nhận được nhiều sự đồng tình từ phía người dùng khi họ có thể tự quyết định ứng dụng nào được phép theo dõi thông tin. Sau khi ATT ra mắt, gần 80% người dùng chọn không cho phép các ứng dụng theo dõi dữ liệu trên iPhone, theo một số báo cáo cho biết.
Tuy nhiên, ATT đã khiến các ứng dụng "sống" nhờ vào quảng cáo chịu thiệt hại không nhỏ về doanh thu bởi số lượng khách hàng mà quảng cáo tiếp cận tỷ lệ thuận với số tiền kiếm được.
Lúc này, các bên quảng cáo sẽ không thể thu thập dữ liệu người dùng, từ đó mất đi những dự đoán về sở thích, thói quen người dùng nhằm phục vụ cho mục đích cá nhân hóa quảng cáo, cũng như không đúc kết được mức độ hiệu quả sau mỗi chiến dịch quảng cáo trên iPhone.
Như đã đề cập, Apple từng chỉ trích một nền tảng mạng xã hội kiếm tiền từ việc quảng cáo và đó không ai khác đó ngoài Facebook. Chính sách ATT ra đời đã đánh "một đòn chí mạng" và làm mất "miếng cơm" của Facebook khi công ty mẹ Meta báo cáo thất thu khoảng 10 tỷ USD.
Cùng với Facebook, ứng dụng Snapchat cũng chứng kiến mức sụt giảm về lượng quảng cáo được hiển thị trong app, kéo theo doanh thu giảm do người dùng không cho phép theo dõi dữ liệu.
Ngược với tình cảnh tréo nghoe mà các nhà phát hành quảng cáo phải đối mặt, Apple lại đang hưởng lợi vì trở thành đầu mối duy nhất có thể tiếp nhận hợp tác quảng cáo với các nhà xuất bản nội dung, sản xuất ứng dụng hay thậm chí các cửa hàng, nhà bán lẻ muốn đưa quảng cáo của mình lên iPhone hay iOS.
Lúc này, Apple sẽ nhận tiền từ các đối tác để quảng cáo nội dung của họ trong các ứng dụng trên iPhone. Với lượng lớn ứng dụng mặc định được cài sẵn trên hệ điều hành iOS, Apple có thể dễ dàng lồng ghép các quảng cáo vào ứng dụng của mình để chúng có thể tiếp cận với lượng người dùng khổng lồ trên toàn cầu.
Bên cạnh đó, người dùng có thể tắt tính năng cá nhân hóa nâng cao bên trong phần cài đặt. Apple cho biết 78% người dùng iOS đã không kích hoạt tính năng này, song công ty vẫn cho phép hệ thống tận dụng dữ liệu người dùng như danh tính nhà cung cấp dịch vụ, loại thiết bị và những nội dung hiển thị để phục vụ cho việc bán quảng cáo. Lúc này một câu hỏi được đặt ra rằng tại sao các ứng dụng của Apple không hiện lên cửa sổ ATT mà chỉ có trên các ứng dụng khác.
Theo Apple, ứng dụng do hãng phát triển không theo dõi người dùng trên các ứng dụng và website do công ty khác sở hữu. Trong trường hợp ứng dụng bên thứ ba không theo dõi thông tin hoạt động, dữ liệu người dùng thì nó sẽ không xuất hiện thông báo ATT.
Một báo cáo đến từ hãng phân tích Omdia cho thấy, số tiền Apple kiếm được từ quảng cáo trong năm 2021 đã tăng 238% so với năm 2020 lên mức 3,7 tỷ USD. Nguồn tin từ Bloomberg cho biết vài tháng trước, Phó Chủ tịch phụ trách mảng quảng cáo Todd Teresi của nhà Táo đã nhắc đến việc mở rộng hoạt động kinh doanh quảng cáo khi mang đến 4 tỷ USD doanh thu hàng năm.
Với kết quả đó, Teresi muốn tăng doanh thu lên mốc hai con số và điều này cho thấy tham vọng trong tương lai của Apple còn rộng lớn hơn.
Trước mắt, nhiều nguồn tin tiết lộ, Apple đang thử nghiệm chèn nhiều quảng cáo bên trong nhiều ứng dụng có sẵn hơn, bao gồm App Store, Maps, Books và Podcasts. Một số dịch vụ ngay cả khi người dùng trả phí Apple cũng bổ sung quảng cáo vào, như News+ hay Apple TV+.
Trên App Store, quảng cáo được hiển thị ở phần Suggested trong tab Search. Thời gian tời, Apple cũng sẽ sớm mở rộng quảng cáo sang các tab Today và Downloads. Khi đó, các nhà phát triển có thể trả tiền để ứng dụng của mình được xuất hiện trong kết quả khi người dùng nhập các cụm từ khóa liên quan.
Hay với ứng dụng Maps, Apple đang thử nghiệm hiển thị các kết quả lân cận khi người dùng tìm kiếm một địa chỉ nào đó. Hoặc với Books và Podcasts, nhà xuất bản có thể chi tiền để Apple gắn tác phẩm của họ lên đầu kết quả tìm kiếm.
Đối với Apple TV+, Táo khuyết có thể tung ra gói trả phí đi kèm quảng cáo trong ứng dụng với mức giá hấp dẫn hơn mà chất lượng chương trình vẫn được đảm bảo.
Từ lâu, Apple đã xây dựng hình ảnh một nhà sản xuất luôn hướng đến quyền riêng tư của người dùng. Và với chiến lược mới đẩy mạnh kinh doanh phần mềm hơn nữa – bao gồm cả kinh doanh quảng cáo, không biết người dùng có kịp thích nghi hay bày tỏ sự phản đối. Hãy cùng chờ xem trong tương lai.
Thái Âu (Nguồn: TH&PL)