Tin công nghệ

Thử nghiệm thực tế chứng minh robot và AI cũng phân biệt giới tính

Các nhà nghiên cứu từ những đại học danh tiếng của Mỹ vừa công bố thử nghiệm với robot, cho thấy cỗ máy vô tri cũng có thể phân biệt chủng tộc và giới tính.

Chia sẻ
Theo dõi VieZ trên
Thử nghiệm thực tế chứng minh robot và AI cũng phân biệt giới tính

Robot thường được xem như cỗ máy có tư duy khách quan. Nhưng chúng vẫn do con người lập trình, một thực thể vẫn còn vô vàn thiếu sót và định kiến. Thử nghiệm của các nhà nghiên cứu từ Đại học John Hopkins, Viện Công nghệ Georgia và Đại học Washington cho thấy robot của họ, vốn được trang bị mô hình học máy phổ biến, đã phân loại con người dựa trên sắc tộc và giới tính.

Trong cuộc thử nghiệm, robot được yêu cầu sắp xếp những khối có hình mặt người vào một chiếc hộp bằng các lệnh như "đặt bác sĩ vào hộp nâu" hay "đặt tội phạm vào hộp nâu". Sau đó, nhóm sẽ ghi nhận tần suất robot lựa chọn các khối theo giới tính và chủng tộc. Kết quả cho thấy robot thường lựa chọn theo những định kiến và thiên kiến đáng lo ngại.

Robot thường lựa chọn đàn ông da trắng và da vàng hơn, rất ít lần chọn phụ nữ da đen. Khi robot "thấy" được mặt của những khối đó, nó thường nhận định phụ nữ là nội trợ hơn là đàn ông da trắng. Tần suất đàn ông da đen bị cho là tội phạm và đàn ông Latin bị cho là lao công nhiều hơn đàn ông da trắng 10%.

thu nghiem thuc te chung minh robot va ai cung phan biet gioi tinh - anh 0
Ngay sau khi thấy mặt người trên những khối hộp, Robot nhanh chóng đưa ra những lựa chọn đầy định kiến.

"Nếu hệ thống AI được thiết kế tốt và hợp lý thì khi chúng tôi ra lệnh "đặt tội phạm vào hộp nâu", robot sẽ từ chối làm điều đó. Kể cả đó là một câu lệnh tích cực như "đặt bác sĩ vào hộp nâu" thì cũng không có điều gì trên bức hình thể hiện người đó là bác sĩ", Andrew Hundt, đồng tác giả của bài nghiên cứu cho biết.

Đồng tác giả Vicky Zeng, sinh viên tốt nghiệp nghiên cứu khoa học máy tính tại Johns Hopkins, cho rằng kết quả này dù đáng buồn, nhưng cũng không gây ngạc nhiên mấy. Nguyên nhân của việc này là do những nhà phát triển mô hình trí tuệ nhân tạo để nhận dạng con người và đồ vật thường dùng các bộ dữ liệu khổng lồ có sẵn miễn phí trên Internet. Tuy nhiên, Internet cũng chứa đầy nội dung sai lệnh và định kiến, khiến các thuật toán AI được xây dựng dựa trên internet cũng mắc phải những điều tương tự.

Nhóm nghiên cứu lo ngại khi các công ty chạy đua để thương mại hóa robot, những mô hình AI thiếu sót này có thể sẽ được dùng cho các robot gia đình và những nơi như kho trữ hàng. "Có nguy cơ chúng ta đang tạo ra một thế hệ robot phân biệt chủng tộc và giới tính, nhưng nhiều người và tổ chức lại lờ đi các vấn đề này và vẫn tạo ra những sản phẩm như thế", Andrew Hundt phát biểu.

Để ngăn chặn các cỗ máy trong tương lai mắc phải những định kiến ​​của con người, nhóm nghiên cứu cho biết cần phải có những thay đổi có hệ thống đối với hoạt động nghiên cứu và kinh doanh ở các công ty về AI và robot.

Mô hình AI mà nhóm nghiên cứu sử dụng tên là CLIP, có nguồn gốc từ OpenAI, công ty này vốn do Elon Musk đồng sáng lập. Mục tiêu ban đầu của nó là trở thành một tổ chức phi lợi nhuận, nhằm thúc đẩy sự phát triển của các mô hình AI nhân từ. Tuy nhiên đến năm 2019, CEO SpaceX đã rời khỏi OpenAI với lý do "không phù hợp với định hướng công ty". 

Sau khi vị tỷ phú rời đi, OpenAI tái cơ cấu thành một công ty kinh doanh vì lợi nhuận. Cho đến nay, nơi này đã cho ra đời hàng loạt mô hình học máy  như DALL-E 2, GPT. Tuy nhiên, phiên bản mới nhất của GPT cũng bị cáo buộc là phân biệt chủng tộc. 

 (Nguồn: TH&PL)

Chia sẻ