Đà phát triển của thương mại điện tử kéo theo sự bùng nổ về cạnh tranh, gia tăng hàng hoá và chi tiêu của người tiêu dùng. Trong giai đoạn bình thường mới sau đại dịch, thói quen mua sắm trực tuyến đã được hình thành.
Từ cuối năm 2020 đến nay, thương mại điện tử đã mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp tiếp cận với khách hàng dễ dàng hơn mà ít tiêu tốn chi phí trung gian. Trong khi đó, người dùng được hưởng lợi với lượng hàng hóa dồi dào và mức giá cạnh tranh.
Hiện tại, thị trường thương mại điện tử Việt Nam đang được chi phối bởi bốn ông lớn Shopee, Lazada, Tiki và Sendo. Số liệu thống kê từ Metric.vn cho thấy, Shopee là cái tên chiếm thị phần lớn nhất với doanh số 43.118 tỷ đồng, tương đương 72% thị phần trong khoảng từ tháng 11/2021-5/2022. Lazada về nhì với 20,9% thị phần, đạt 12.539 tỷ đồng doanh số. Vị trí thứ ba và tư lần lượt là Tiki và Sendo. Với kết quả phát triển ngoài mong đợi, Việt Nam đã trở thành thị trường thương mại điện tử lớn thứ 2 ở Đông Nam Á, chỉ xếp sau Indonesia.
Theo Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), lĩnh vực mới này đã tăng trưởng hơn 20% trong năm 2021 với quy mô hơn 16 tỷ USD. Kết quả này được đánh giá là tạm ổn trong bối cảnh thị trường chịu nhiều ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19.
Vừa qua, trong buổi đối thoại "Thích nghi để bức phá", nền tảng mua sắm hoàn tiền ShopBack cho biết, tính đến tháng 7/2022, ứng dụng có hơn 2,5 triệu người mua tích cực, 350 đối tác và đã hoàn gần 90 tỷ đồng cho người dùng Việt Nam.
Ngoài mua sắm, ngành du lịch cũng đang dần hồi phục sau đại dịch. Theo đó, ShopBack ghi nhận doanh thu từ các đối tác du lịch trên nền tảng giai đoạn 6 tháng đầu năm 2022 đã tăng 4,5 lần so với cùng kỳ năm trước.
Cùng với đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa xuyên biên giới ở Việt Nam ước tính tăng trưởng trên 20%/năm và thu về hơn 75 nghìn tỷ đồng vào năm ngoái. Kết quả này được Amazon đưa ra trong báo cáo xu hướng thương mại điện tử toàn cầu tại Việt Nam. Điểm đáng chú ý là trong 75 nghìn tỷ đồng đó, có 64% doanh số đến từ các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.
Trong tương lai, mức tăng trưởng của thương mại điện tử được dự đoán tiếp tục tăng. Công ty phân tích Statista dự báo thị trường này có thể cán mốc 39 tỷ USD vào năm 2025.
Thái Âu (Nguồn: TH&PL)