Phủ sóng các sàn thương mại điện tử
Hiện tại, người tiêu dùng không khó tìm mua những chiếc điện thoại di động thuộc phân khúc cao cấp ở những năm 2017, 2018… trên những sàn thương mại điện tử ở Việt Nam.
Đa số các smartphone sử dụng hệ điều hành Android và đến từ các thương hiệu như Sony, LG, HTC… được giới thiệu là "món hời" dành cho người yêu thích công nghệ.
"Với mức giá chỉ từ 1,5 triệu đồng là có thể sở hữu một chiếc điện thoại sở hữu phần cứng khủng, chạy mượt mà các ứng dụng cơ bản và đáp ứng được các game thịnh hành như Liên Quân, PUBG", lời quảng cáo của dân buôn.
Ví dụ cụ thể về những chiếc Flagship đến từ Sony, Xperia XZ1 tại thời điểm ra mắt có mức giá là 15,9 triệu đồng. Thế nhưng sau 4 năm, hiện tại giá bán chỉ từ khoảng 1,1 - 1,5 triệu đồng. Máy có cấu hình gồm chip Snapdragon 835 8 nhân 64-bit, 4 GB RAM cùng 64 GB bộ nhớ trong.
Hay dòng máy cao cấp đến từ nhà LG, trang bị màn hình độ phân giải 2K, sở hữu cấu hình khủng, nhưng giá bán của LG V30 cũng rẻ đến bất ngờ. Thay vì bỏ ra hơn 18 triệu đồng để mua máy vào năm 2017. Đến tháng 6/2022 mức giá của LG V30 trên các nền tảng mua sắm trực tuyến chỉ khoảng hơn 2 triệu đồng.
Ngoài 2 sản phẩm kể trên, còn rất nhiều smartphone cao cấp đời cũ khác được rao bán tràn lan. Chỉ cần gõ tên chiếc điện thoại mong muốn và nhấn nút đặt hàng là có thể mua được hàng cao cấp nhưng giá chỉ… tầm trung. Nhưng nó có thật sự rẻ?
"Tiền mất, tật mang"
Trên một số diễn đàn mạng xã hội, người tiêu dùng cũng nhiều lần rơi vào cảnh "tiền mất, tật mang" khi mua các sản phẩm điện tử tại các trang thương mại điện tử. Vì tính chất mua trực tuyến nên không thể tự tay trải nghiệm, nên khi hàng về, ít nhiều người tiêu dùng cũng phải chịu một số rủi ro nhất định.
Tài khoản Nguyễn Văn Thường chia sẻ anh có đặt sản phẩm Sony Xperia XZ1 với mức giá 1,5 triệu đồng, phiên bản Nhật trên mạng. Sau ngày đầu sử dụng thì máy gặp ngay tình trạng giật lag so với LG G7. Ngoài ra khi chiến các game nặng cần đồ họa cao thì máy không thể đáp ứng nhu cầu.
Mặc dù người bán cam kết màn hình máy không phản quang, nhưng anh vẫn bắt gặp lỗi này. Anh chia sẻ vì là hàng xách tay từ Nhật nên xuất hiện nhiều ứng dụng cần phải tắt thông báo để tránh sự phiền toái.
Flagship giá rẻ, nên hay không?
Các flagship giá rẻ cũng được kha khá người tiêu dùng lựa chọn với những lý do chính như muốn trải nghiệm sản phẩm với cấu hình cao nhưng giá rẻ. Dùng các điện thoại flagship như một thiết bị phụ, thực hiện những tác vụ cơ bản, như nghe gọi, nhắn tin và sử dụng mạng xã hội. Hay đơn giản là vì người tiêu dùng thích sưu tầm hàng cổ, những "fan cứng" của các hãng sản xuất điện thoại thông minh.
Nhưng nhìn chung, cũng đã có nhiều chuyên gia công nghệ và các bài khuyến cáo người tiêu dùng hãy cân nhắc khi chọn mua các flagship cũ, đặc biệt là đặt hàng trên các sàn thương mại điện tử.
Vì đa số loại hàng này là máy cũ đã qua sử dụng, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Hoặc được xách tay từ các thị trường Nhật Bản, Trung Quốc nên chưa có phiên bản Việt hóa, gây khó khăn cho người sử dụng.
Chưa kể đến những flagship cũ đã không còn sự hỗ trợ và nâng cấp từ nhà sản xuất. Cấu hình có thể được xem là mạnh mẽ và "cân" được một số game trên thị trường nhưng máy vẫn chưa được tối ưu hóa để phục vụ trò chơi cần đồ họa cao.
Nếu thật sự muốn sở hữu những chiếc flagship với giá chỉ từ vài triệu đồng thì hãy kiểm tra kỹ mọi thông tin từ nhà cung cấp và chấp nhận số ít rủi ro về hiện tượng giật hay nóng máy khi sử dụng trong thời gian dài. Nên quay video khi nhận được hàng và hãy xem xét đánh giá từ những người từng mua sản phẩm trước đó.
(Nguồn: TH&PL)