Digital nomad là thuật ngữ chỉ những người sử dụng Internet và các thiết bị kỹ thuật số để làm việc từ xa. Văn phòng làm việc của họ ngày hôm nay có thể là tại nhà, nhưng mai là quán cà phê quen thuộc, ngày kia là một co-working space, hoặc thậm chí từ khu nghỉ dưỡng, một ngọn đồi có khung cảnh thơ mộng nào đó.Tuyết Nhung, ngụ Bình Chánh, TP.HCM là một người như thế. Từng làm việc cho nhiều công ty công nghệ tại Việt Nam, cô chọn cho mình đời sống của một digital nomad khi công việc mới mang lại cho Nhung thu nhập ổn định, đủ để cô thực hiện mong ước du lịch, cũng như thỏa mãn tính cách xê dịch của mình."Trong hành trình đó đây của mình, tôi thích di chuyển bằng xe máy. Đi đến một nơi rồi sẽ đến điểm tiếp theo vào ngày sau và không quay lại chỗ cũ. Ví dụ, đến sây bay nước đó, tôi sẽ đi một vòng tròn rồi trở lại sân bay để về Việt Nam", cô cho biết.Nhung thường chọn những quốc gia, khu vực có các đặc điểm phù hợp với bản thân. "Có những nơi như Bắc Thái, tôi đã đi 3, 4 lần. Tôi muốn tìm hiểu thật kỹ về nơi mình đã đến, chứ không phải chỉ để khoe rằng bản thân từng đến đó", cô bày tỏ.Nhung thường nghỉ 5-7 ngày giữa mỗi chuyến đi. Khoảng thời gian này theo như lời cô là nhằm "suy nghĩ để xem bản thân thực sự muốn đi đâu và làm gì".Dù đi nhiều nơi, chụp nhiều ảnh, Nhung không tự nhận mình là một travel blogger. Trang cá nhân của cô cũng không được định hướng để thu hút người xem chú ý. "Tôi sợ sự nổi tiếng", cô nói.Điều thú vị theo Nhung chia sẻ, sở thích khám phá và tìm tòi những vùng đất mới không phải là thứ gắn bó với con người cô trước đây. Nữ digital artist cho hay cô từng sống một cuộc đời đầy rụt rè, lo sợ nhiều thứ, cho đến khi những biến cố cuộc đời ập đến và trui rèn nên con người cô ngày nay. "Khi đi đâu đó, tôi luôn muốn được đi cùng những người mới. Nghe có vẻ rất kỳ lạ, vì thông thường mọi người thích được đi cùng bạn bè, gia đình. Nhưng với tôi, trải nghiệm mới mẻ mà một chuyến đi mang lại còn đến từ những câu chuyện của bạn đồng hành. Ở họ, tôi học được nhiều thứ, nuôi dưỡng cho mình không chỉ hiểu biết mà còn là sự đồng cảm trong cuộc đời", Nhung nói.Mang trong người 3 dòng máu Ấn Độ, Trung Quốc, Việt Nam, bằng một cách nào đó, Nhung tin rằng có thể cô vẫn chưa hiểu hết về bản thân mình. "Nếu theo bài hát "60 năm cuộc đời", thì đến nay tôi đã đi qua quá nửa. Nhưng luôn có những câu hỏi về danh tính, về công việc, sự nghiệp, niềm đam mê trong chính mình mà tôi vẫn đang từng ngày tìm lời giải đáp". "Đôi khi trong những chuyến đi, các sự cố ập đến, buộc mình phải đưa ra quyết định lập tức. Khi đó, tôi mới biết mình là con người như thế nào, có thực sự là người tốt như mình vẫn nghĩ. Sự thay đổi môi trường, con người, khí hậu thay cho đời sống công sở cho tôi những mảnh ghép trong bức tranh cuộc đời". Một trong những kỷ niệm đáng nhớ với Nhung là chuyến đi Nepal để thử sức với đỉnh Everest. Đó là lần đầu cô được nhìn thấy tuyết giữa mùa hè, trên đường từ Machapuchhre Basecamp lên Annapurna Basecamp."Tôi đã rất tự tin sẽ lên tới đỉnh. Trước đó, tôi đã từng luyện tập với những ngọn núi khác. Ngoài ra, tôi còn được tiếp sức bởi người bạn đời của mình. Chúng tôi chọn đi theo cung Annapurna Basecamp với hành trình bắt đầu từ Birethani"."Trên đường đi chúng tôi gặp mưa đá, lên cao hơn lại mưa tuyết và cuối cùng là khung cảnh tuyết phủ trắng xóa khắp nơi. Mọi thứ đều chuyển biến rất chậm giúp chúng tôi cảm nhận rõ ràng về sự thay đổi đầy khắc nghiệt của thời tiết"."Nhưng càng lên cao, nhiệt độ càng giảm, lượng ôxi trong không khí bắt đầu loãng dần. Dù đã dự tính trước tất cả điều này, tôi vẫn không thể chịu được và quyết định leo xuống"."Tôi tự nhủ mình đã hoàn thành được cung Annapurna Basecamp cao khoảng 4.130 m, dù so với cung Everest Basecamp thì còn kém xa. Sau 7 ngày leo núi, chúng tôi quay trở lại Kathmandu, dạo quanh phố Thamel. Cuối hành trình, cả 2 quyết định ghé thăm đại bảo tháp Boudhanath đậm dấu ấn cổ kính, thiêng liêng của Nepal".Aaron (Nguồn: TH&PL)TH&PL