Mới đây, thông tin về việc Zalo sẽ thu phí trong thời gian sắp tới khiến nhiều người dùng hoang mang và bất ngờ. Đại diện VNG - công ty chủ quản của Zalo nhấn mạnh các thay đổi này có lộ trình từ trước với mục đích nâng cao tính bảo mật và sự riêng tư cho khách hàng.
Tuy nhiên, trong thời đại bùng nổ của công nghệ thì chắc chắn Zalo không thể độc quyền, càng không thể lấy lý do nâng cao độ bảo mật để thu phí người dùng. Bởi, có rất nhiều ứng dụng tương tự như Zalo đang hiện diện ở Việt Nam, có thể kể đến như Telegram, Signal, Wickr, những ứng dụng này mặc dù không phổ biến ở Việt Nam như Zalo nhưng vẫn có tính bảo mật cao.
Telegram
Telegram sử dụng biện pháp mã hóa chuyển đổi tin nhắn thành mật mã mà không cần sự trợ giúp của máy chủ ở giữa khiến nó gần như không thể truy cập vào giao tiếp giữa hai người dùng khi không có sự đồng ý của họ. Durov, nhà sáng lập Telegram, đã trả lời rằng lý do hàng đầu giúp Telegram thành công như ngày hôm nay chính là nhờ vào việc xây dựng một cách thức giao tiếp có tính bảo mật cao.
Hệ thống của Telegram bảo mật cao đến mức ngay cả các công ty an ninh của Nga cũng không thể tiếp cận được. Do đó, nhắn tin hay tương tác với bạn bè mà không phải lo lắng bị các cơ quan an ninh hay hacker đánh cắp thông tin. Chức năng này của Telegram còn được gọi là Secret Chat.
Tuy nhiên, tính năng này không được bật mặc định, thay vào đó, người dùng cần phải kích hoạt bằng cách mở ứng dụng Telegram, bấm vào biểu tượng cây bút ở góc phải bên dưới và chọn New Secret Chat, sau đó chọn người cần nhắn tin.
Wickr
Wickr là ứng dụng nhắn tin có độ bảo mật cực cao. Có lẽ đó cũng là lý do chính mà phần mềm này là trở thành lựa chọn hàng đầu của các nhà kinh doanh lớn, bởi thông tin về khách hàng chính là sự sống còn đối với họ.
Ứng dụng làm cho ID của người dùng (cả thiết bị và ứng dụng) và tên người dùng được an toàn với nhiều lớp mã hóa. Công nghệ được sử dụng cho việc này được gọi là SHA256.
Wickr không bao giờ truy cập vào mã định danh duy nhất trên thiết bị, điều này giúp giữ nguyên tính ẩn danh của người dùng.
Mỗi tin nhắn đều có một khóa mã hóa mới. Nội dung tin nhắn bên người nhận cũng không tự động hiển thị mà được đánh dấu bằng biểu tượng ổ khóa. Để xem được thì phải di chuột vào đó (hoặc chạm tay vào màn hình nếu dùng trên smartphone). Ngoài ra, Wickr không bao giờ lưu hoặc chia sẻ bất kỳ mật khẩu nào của người dùng.
Signal
Tất cả thông tin liên lạc trên Signal như: tin nhắn một-một, tin nhắn nhóm, truyền file, ảnh, cuộc gọi thoại và cuộc gọi video… đều được mã hóa đầu cuối hay còn gọi là mã hóa 2 chiều. Chỉ những người tham gia giao tiếp mới có thể thấy nội dung tin nhắn. Công ty vận hành Signal cũng không thể nhìn thấy những tin nhắn ngay cả khi họ muốn.
Khi gửi tin nhắn quan trọng cho một ai đó, tránh trường hợp người khác đọc lén tin nhắn, bạn có thể thiết lập thời gian hủy tin nhắn tự động trong Signal App. Người dùng có thể thiết lập bật tính năng An ninh màn hình để chặn chụp màn hình tin nhắn trên Signal.
(Nguồn: TH&PL)