Trưa 8/7, hai tiếng súng lần lượt vang lên giữa một con phố ở tỉnh Nara, Nhật Bản làm thế giới rúng động. Ông Shinzo Abe - cựu thủ tướng Nhật Bản đổ gục. Máu loang trên ngực trái ông. Đám đông hỗn loạn. Vài tiếng sau, viễn cảnh mọi người lo sợ trở thành sự thật: người đàn ông 67 tuổi này đã qua đời sau vụ ám sát.
Hình ảnh và âm thanh
Tính đến cuối ngày 8/7, chỉ hơn 12 tiếng từ khi ông Abe nằm xuống, từ khóa #Shinzoabe đạt khoảng 84 triệu lượt xem trên TikTok.
Không phải đến thời đại của TikTok, thông tin mới được truyền đi nhanh chóng như vậy. Năm 2007, những người Việt thường xuyên theo dõi thông tin thế giới bất ngờ trước thông tin bà Benazir Bhutto, cựu thủ tướng Pakistan bị ám sát. Bà Bhutto gây được sức hút lớn khi là người phụ nữ đầu tiên lãnh đạo một đất nước Hồi giáo sau thời kỳ thuộc địa.
Khi đó, phần lớn người dân Việt Nam đón nhận tin tức vào buổi cơm tối, thông qua chương trình Thời sự. Nhưng một số khác tiếp cận Internet sớm hơn đã biết được thông tin từ trước đó.
Sự khác biệt trong cách thông tin được truyền đi nằm ở chỗ, ở thời đại TikTok, hình ảnh được ghi lại rõ ràng và trực quan đến đáng sợ. Không còn là những thước phim nhiễu hạt như năm 2007, vụ ám sát ông Abe dù được truyền thông thế giới làm mờ, vẫn được quay lại và phát đi bởi những chiếc smartphone hiện đại. Khu phố mà ông Abe nằm xuống, những con người châu Á tóc đen hỗn loạn xung quanh ông tạo nên sự đồng cảm to lớn cho độc giả Việt.
Độ chi tiết và sắc nét của vụ ám sát một trong những chính khách có ảnh hưởng bậc nhất toàn cầu khiến người ta phải rùng mình.
Việc truyền hình ảnh trực tiếp để nói lên câu chuyện là điều hiển nhiên ở ngày nay. Tuy nhiên, mọi thứ không phải tự nhiên mà có.
Vụ ám sát cố Tổng thống Mỹ John F.Kennedy vào ngày 22/11/1963 là một sự kiện đã tạo nên cuộc cách mạng trong ngành thông tin, thay đổi hoàn toàn cách độc giả tiếp nhận tin tức. Trước khi sự kiện này xảy ra, báo chí Mỹ chưa từng được dạy về việc truyền tải một tin tức tầm vóc lớn tương tự. Có thể nói, 6 giây diễu hành của cố tổng thống ở Dallas, Texas, Mỹ đã thay đổi cách thức hoạt động của truyền thông trong nhiều thập kỷ sau đó.
Trong bốn ngày, bắt đầu bằng tiếng súng ở Dallas và kết thúc bằng lễ tang của Kennedy ở Washington, các hãng thông tấn lớn của Mỹ đã phải ganh đua bằng cách trực tiếp đưa tin. Mọi tin tức quảng cáo bị tạm ngưng. Theo Reuters, lần thứ 2 truyền thông Mỹ phải trải qua những ngày gần tương tự là khi sự kiện 11/9 xảy ra.
"Giống như chuyện xảy ra vào ngày 11/9, chúng tôi không biết phải làm gì với nó (vụ ám sát tổng thống John F.Kennedy)", phát thanh viên kỳ cựu của đài CBS ông Bob Schieffer, người từng đưa tin về cả hai thời khắc chấn động nước Mỹ cho biết.
Thời đại TikTok
Khi đó, để truyền hình trực tiếp bi kịch nhà Kennedy, các phóng viên Mỹ phải di chuyển những máy quay truyền hình nặng hàng trăm kg vào các nơi như trụ sở cảnh sát Dallas, cột dây cáp nặng lên tường, xuyên qua văn phòng cảnh sát trưởng.
Trong vụ việc của ông Abe, tất cả được thay bằng smartphone và Internet.
Theo thống kê của Nielsen, vào thời điểm Nhà Trắng xác nhận tổng thống Kennedy qua đời, 45,4% ngôi nhà ở Mỹ có TV đã dùng thiết bị để theo dõi. Và ngay sau khi chiếc caisson chở quan tài đến Nghĩa trang Quốc gia Arlington, con số trên tăng lên 81%, đạt xếp hạng truyền hình cao nhất trong lịch sử quốc gia này. Thảm kịch đã được đưa hình trực tiếp vào nhà của người dân xứ cờ hoa.
Trước vụ ám sát ông Kennedy, báo chí và đài phát thanh là những nguồn tin chính của người dân Mỹ. Năm 1950, chỉ có 9% hộ gia đình Mỹ có TV. Đến năm 1960, con số này là 90%. Rõ ràng, gia đình Kennedy đóng góp lớn vào việc biến Mỹ trở thành một quốc gia truyền hình ở những thập niên sau đó.
Ngày nay, một người trẻ không sử dụng smartphone hẳn sẽ gây nhiều ngạc nhiên.
Nhìn ở góc độ khác, khi phần lớn kênh truyền thông trên khắp thế giới còn đang phải chạy theo vụ việc của ông Abe qua các kênh thông tấn lớn ở Nhật Bản, nhiều người trẻ đã không phải chờ đợi lâu đến thế. Họ dễ dàng tiếp nhận thông tin qua những thước phim được ghi lại và truyền đi không phải bởi phóng viên - những người được trả tiền để làm chuyện đó. Ở thời đại của TikTok, thông tin đến từ những người có mặt đúng lúc thời khắc oan nghiệt xảy ra và giơ smartphone lên tại con phố tại Nara, Nhật Bản.
(Nguồn: TH&PL)