Ngay từ phần vỏ hộp, Microsoft vẫn theo đuổi phong cách tối giản khi in hình Surface Pro 9 đang được dựng đứng tương tự thế hệ tiền nhiệm. Nhìn thoáng qua, thiết kế của Surface Pro 9 hầu như không thay đổi và vẫn mang nét đặc trưng của dòng máy tính lai. Có vẻ như đây đã là thiết kế sản phẩm hoàn hảo nhất mà Microsoft muốn mang đến cho người dùng hiện tại nên việc thay đổi hầu như không cần thiết. Mặt lưng với chân đế kickstand được hoàn thiện từ nhôm nguyên khối sơn nhám, có thể hạn chế tối đa hiện tượng bám mồ hôi, dấu vân tay trong quá trình sử dụng. Các cạnh viền trên Surface Pro 9 được bo cong nhẹ giúp tạo cảm giác thoải mái hơn khi sử dụng như một chiếc máy tính bảng. Giống với Surface Pro 8, Surface Pro 9 sở hữu màn hình cảm ứng PixelSense Flow 13 inch (2880 X 1920 pixel) với tần số quét 120Hz và tỷ lệ khung hình 3:2. Màn hình trên Surface Pro 9 không quá vượt trội nhưng vẫn đủ tốt để hiển thị rõ ràng, chất lượng các nội dung công việc hay giải trí nhờ hỗ trợ HDR và độ sáng tối đa 450 nit theo như Microsoft công bố. Trên Surface Pro 9, Microsoft chỉ trang bị hai cổng USB-C và cổng sạc Surface Connect. Với từng phiên bản chip khác nhau, người dùng sẽ nhận được các tiêu chuẩn kết nối khác nhau. Cụ thể, Surface Pro 9 dùng chip Intel sẽ hỗ trợ Thunderbolt 4 qua hai cổng USB-C, trong khi bản dùng chip ARM thì không. Kể từ Surface Pro 8 trở đi, Microsoft đã loại bỏ cổng USB-A và chuyển sang dùng hoàn toàn USB-C nhằm tối ưu độ mỏng cho thiết bị. Nhìn chung, số lượng cổng kết nối trên Surface Pro 9 đủ để đáp ứng nhu cầu sử dụng và khi cần vẫn có dock hỗ trợ mở rộng. Phần bàn phím Type Cover trên Surface Pro 9 vẫn được phủ lớp vải Alcantara mềm mại, song dễ bám bẩn sau thời gian sử dụng. Khi gập vào, máy trông như một cuốn sổ tay nhỏ gọn, độc đáo. Ngoài ra, Microsoft còn bán mẫu bàn phím Surface Pro Signature Keyboard có khe chứa bút cảm ứng Slim Pen 2 dùng chung với Pro 9 và có giá hơn 8 triệu đồng. Cảm giác gõ phím trên phụ kiện này khá tốt nhờ hành trình phím sâu và touchpad đi kèm cho độ nhạy ấn tượng. Trong khi bút cảm ứng Slim Pen 2 có độ chính xác cao và không gặp hiện tượng trễ, một phần là nhờ vào tần số quét 120 Hz được trang bị. Về hiệu năng, Surface Pro 9 có hai phiên bản dùng chip Intel Gen 12, cụ thể là Core i5 1235U và phiên bản dùng chip Microsoft SQ3 được hợp tác sản xuất với Qualcomm. Sở dĩ Microsoft cho người dùng lựa chọn về cấu hình chip vì hướng đến hai nhu cầu làm việc khác nhau. Theo đó, cấu hình chip Intel phù hợp cho khối lượng công việc lớn, như làm việc văn phòng, chỉnh sửa ảnh và video. Trong khi với SQ3, Surface Pro 9 cho khả năng kết nối 5G di động và thời lượng pin tốt hơn. Theo Microsoft, Surface Pro 9 có thể cho thời lượng sử dụng lên đến 15,5 giờ. Song trải nghiệm thực tế cho thấy con số này chỉ dừng ở mức 10 giờ onscreen ở điều kiện kết nối WiFi và độ sáng trung bình. Bên cạnh đó, nhiệt độ của máy tỏa ra trong quá trình sử dụng không quá nóng và gây khó chịu. Surface Pro 9 được trang bị một webcam có độ phân giải Full HD và một camera sau 10 MP. Về chất lượng, camera ở mặt trước cho chất lượng khá tốt để tham gia các cuộc họp trực tuyến với màu da có phần ấm và sinh động hơn. Còn đối với camera sau, chất lượng ảnh vẫn đáp ứng đầy đủ nhu cầu nhưng có phần nhiễu hay và bị trôi so với camera trước. Tại sự kiện công bố Surface Pro 9, Microsoft cũng cho biết đã sử dụng các thuật toán thông minh để xử lý màu da qua webcam. Hiện tại, mức giá cho Surface Pro 9 khởi điểm từ 28,99 triệu đồng cho bản Intel Core i5 12350U, 8 GB RAM và SSD 128 GB, chưa bao gồm bàn phím Type Cover, tham khảo tại cửa hàng Surface City.