Theo Bloomberg, thương vụ này vượt qua mức 26 tỷ USD mà họ từng chi để mua LinkedIn vào năm 2016, đưa hãng phần mềm vào vị trí công ty game có doanh thu lớn thứ ba trên thế giới, chỉ sau Tencent và Sony.
Danh sách các tựa game nổi tiếng bây giờ thuộc quyền sở hữu của Microsoft, bao gồm các tên tuổi như Call of Duty, Diablo, Overwatch, StarCraft, WarCraft, và Candy Crush Saga. Điều này mở ra cơ hội cho Microsoft tham gia mạnh mẽ trong ngành công nghiệp game và cạnh tranh với các đối thủ như Sony với hệ máy chơi game PlayStation cũng như Meta (trước đây là Facebook) với dịch vụ game trên nền tảng thực tế ảo Oculus.
Mặc dù việc hoàn tất thương vụ này đã không suôn sẻ và đã đối mặt với một số lo ngại về độc quyền cạnh tranh, Microsoft đã thỏa thuận để cho phép người dùng châu Âu có thể livestream miễn phí các trò chơi của Activision. Họ cũng đã ký các hợp đồng để cho phép Nintendo và Sony truy cập trò chơi Call of Duty trong 10 năm tới.
Bobby Kotick, CEO của Activision Blizzard, dự kiến sẽ tiếp tục giữ chức vụ này cho đến cuối năm, trong khi Phil Spencer, CEO của Microsoft Gaming, cho biết họ đang tích hợp nhiều trò chơi của Activision lên nền tảng Xbox Game Pass - nền tảng có hơn 25 triệu tài khoản đăng ký.
Với thương vụ này, Microsoft có cơ hội mở rộng hoạt động kinh doanh của mình ra khỏi hai lĩnh vực cốt lõi là hệ điều hành và phần mềm. Activision Blizzard được kỳ vọng sẽ đóng góp quan trọng vào việc Microsoft thực hiện kế hoạch này.
Trong năm 2022, Activision Blizzard đạt doanh thu 7,5 tỷ USD, và kết thúc quý II/2023, họ có thu nhập ròng 587 triệu USD trên doanh thu 2,2 tỷ USD, tăng 34% so với cùng kỳ năm trước.
Hiệp Nguyễn (Nguồn: TH&PL)