Trong buổi Họp mặt mừng công tại TP.HCM quy tụ các VĐV, HLV đạt thành tích xuất sắc tại SEA Games 31, các thành viên GAM eSports (môn LMHT) và Team Flash (LMHT: Tốc Chiến) đại diện cho Việt Nam thi đấu tại SEA Games 31 đã nhận bằng khen từ Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.
Trước đó, các tuyển thủ eSports Việt Nam cũng được nhận bằng khen của Thủ tướng. Họ sánh ngang thành tích của những vận động viên thể thao truyền thống khác. Ba năm trước, trên đất Philippines, eSports Việt Nam chỉ giành được 3 huy chương đồng. Nhưng lần này, các game thủ có đến 4 huy chương vàng và 3 huy chương bạc.
Đây là một bước đệm quan trọng để xã hội có cái nhìn công bằng hơn với eSports.
Khác với bóng đá hay những môn thể thao phổ biến khác, khán giả của eSports chủ yếu là các bạn trẻ. Tuy nhiên, trong những ngày GAM eSports, đại diện Việt Nam, tranh tài ở bộ môn LMHT, một nhóm cổ động viên lớn tuổi vẫn có mặt để theo dõi các trận đấu.
Họ là bố mẹ, người thân của những game thủ đang ngồi trước màn hình máy tính. Họ căng thẳng, hồi hộp trong từng pha giao tranh dù không hiểu về tựa game này. Và rồi đến khoảnh khắc GAM eSports chính thức đánh bại Philippines trong trận chung kết để giành huy chương vàng, họ vỡ òa trong sung sướng.
Trong giây phút ấy, những người mẹ không kìm được giọt nước mắt. Những ông bố rắn rỏi hơn, họ không khóc nhưng ánh mắt cũng long lanh và ánh lên sự tự hào.
Khi người viết đặt câu hỏi về việc các phụ huynh có ủng hộ con mình đi theo con đường game thủ chuyên nghiệp hay không, hầu hết trả lời là "không". Họ chỉ gật đầu khi thấy con cái quá đam mê. Thậm chí, Võ "Divkid" Thanh Tùng, xạ thủ của GAM eSports, từng trốn gia đình, một mình từ Quảng Trị vào TP.HCM để theo đuổi sự nghiệp này.
eSports ở Việt Nam là một thị trường rất mới. Vì thế, các bậc phụ huynh có những hoài nghi, lo lắng là điều dễ hiểu.
Đó cũng là lý do họ vỡ òa hạnh phúc khi nhìn thấy con mình thành công. Mẹ của xạ thủ Sty1e chia sẻ bản thân rất hạnh phúc và tự hào khi con giành huy chương vàng, mang về vinh quang cho đất nước. Có lẽ, trong ngày Sty1e quyết định theo nghiệp game thủ, bố mẹ anh chưa từng nghĩ về điều này.
Trong khoảnh khắc đứng trên bục nhận huy chương, những chàng trai GAM eSports cũng rưng rưng, chực rơi nước mắt. Họ ở đẳng cấp vượt xa phần còn lại của Đông Nam Á từ lâu, bằng chứng là trong trận chung kết, họ giành chiến thắng chóng vánh 3-0 và không thể thua một ván nào ở SEA Games 31. Nhưng với họ, việc đem vinh quang về cho Việt Nam là điều quá thiêng liêng.
Ở chiều hướng ngược lại, những môn khác như Liên Quân Mobile, PUBG Mobile, các game thủ Việt Nam cũng đã khóc khi để vuột mất tấm huy chương vàng. Rõ ràng, eSports cũng mang lại những cung bậc cảm xúc khác nhau như bất cứ môn thể thao nào.
Những hào quang trên sân khấu như ở SEA Games 31 cùng việc được thoải mái chơi game khiến nhiều bạn trẻ nghĩ rằng việc trở thành vận động viên thể thao điện tử chuyên nghiệp là điều đáng mơ ước.
Trong suy nghĩ của nhiều người, đây là công việc "chỉ chơi game cũng ra tiền". Nhưng nó không chỉ có màu hồng.
Như bất cứ nghề nghiệp nào, sự cạnh tranh trong môi trường eSports là rất cao. Thậm chí, đó là sự cạnh tranh rất khốc liệt và các game thủ thành công phải đánh đổi rất nhiều.
Để giành được vinh quang ở SEA Games 31, GAM eSports hay Team Flash đã phải tập luyện rất nhiều. Họ dành thời gian luyện tập lên đến 14, 15 giờ đồng hồ mỗi ngày. Họ phải nghiên cứu chiến thuật, đối thủ và từng thông số nhỏ nhất trong game như thời gian hồi chiêu, chất tướng, lượng kinh nghiệm…
Với việc phải ngồi một chỗ trong một khoảng thời gian dài, các game thủ chuyên nghiệp đối mặt với những chấn thương nguy hiểm không kém các vận động viên thể thao truyền thống. Họ có thể chấn thương cổ tay, đau lưng hay cột sống…
Jian "Uzi" Zi-hao, game thủ thành công bậc nhất LMHT Trung Quốc, từng phải sớm giải nghệ vì chấn thương tay. Sinh năm 1997, và bác sĩ nói rằng tay anh như ở độ tuổi 4–50. Ở những bài tập vận động cơ bản, dễ dàng nhất, anh cũng không thể hoàn thành.
Uzi chia sẻ: "Đôi khi tôi không có cảm giác ở tay. Vì tôi ngồi một chỗ quá lâu nên đôi khi chân cũng không có cảm giác. Phần dưới của cơ thể như không thuộc về tôi vậy".
Đó là lý do hầu hết game thủ chuyên nghiệp giải nghệ ở độ tuổi 25-27. Khi lớn tuổi hơn, phản xạ của họ không còn đủ nhanh để ứng biến với những diễn biến rất nhanh trong game.
Không chỉ vậy, áp lực với một game thủ chuyên nghiệp cũng cực kỳ lớn. Họ luôn phải cải thiện để cạnh tranh với đồng nghiệp, khẳng định bản thân. Và khi càng nổi tiếng, càng có trình độ cao, họ chịu thêm áp lực của việc giành danh hiệu.
"Nếu bạn không phải là một trong những người giỏi nhất, bạn không thể kiếm được nhiều tiền", Yang Zhikun - game thủ 22 tuổi ở tựa game sinh tồn PUBG - khẳng định với South China Morning Post.
Chơi game giỏi, bạn có thể trở thành một vận động viên eSports chuyên nghiệp và là thần tượng nhiều người. Nhưng đó chỉ mới là điều kiện cần. Bạn cần phải rèn luyện thêm nhiều phẩm chất khác như khả năng chịu đựng áp lực, sự kiên nhẫn… để có thể vững bước trên con đường game thủ chuyên nghiệp.
Những người bước ra ánh sáng như GAM eSports, Team Flash… cũng đã phải vượt qua rất nhiều thử thách và áp lực. Họ không phải là những kẻ "đầu to mắt cận", "suốt ngày chỉ biết chơi game"... như nhiều người nghĩ. Họ cũng phải lao động cật lực, bỏ rất nhiều chất xám và cả hy sinh để có được thành công.
Tốc độ phát triển của eSports đang rất nhanh trong khoảng thời gian gần đây. Điều này giúp nhiều game thủ và những người làm việc ở ngành này có thể kiếm sống, thậm chí là giàu có.
Trong 2 năm qua, eSports lại càng phát triển. Dịch bệnh khiến các giải đấu thể thao truyền thống bị đóng băng. Nhờ đó, sự quan tâm dành cho eSports càng lớn hơn khi những giải đấu lớn như World Championship, Mid Season Invitational (LMHT), Arena of Valor World Cup (Liên Quân Mobile)... vẫn diễn ra bình thường.
Nhiều tổ chức eSports lớn trên thế giới cũng dần dành sự quan tâm cho khu vực Việt Nam. Team Flash, Secret… đổ vốn để xây dựng các đội tuyển. Nhờ đó, eSports đang phát triển từng ngày, từng giờ.
Việt Nam cũng có nhiều lợi thế để phát triển nền công nghiệp eSports. So với các nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore, Việt Nam có xuất phát điểm thấp hơn nhưng giờ lại vươn lên thành nền eSports hàng đầu Đông Nam Á. Ở SEA Games 31, eSports Việt Nam vượt trội với 4 tấm huy chương vàng, 3 huy chương bạc.
"Lợi thế của Việt Nam là dân số đông và khá trẻ. Vì thế, eSports của chúng ta phát triển hơn Singapore, một đất nước giàu có. Trong khi đó, Thái Lan lại không có được lớp game thủ kế cận, sẵn sàng thay thế những người đàn anh. Sau một khoảng thời gian, eSports Việt Nam vượt lên trên dù có những thời điểm chúng ta thụt lùi so với các nước này", anh Nguyễn Khánh Hiệp, quản lý cấp cao của GAM chia sẻ với .
"Người Việt Nam cũng rất thông minh. Chúng ta không có lợi thế quá nhiều về mặt hình thể để cạnh tranh ở một số môn thể thao truyền thống. Nhưng ở eSports, chúng ta có sự khéo léo, nhanh nhẹn để phát triển", ông Hiệp nói thêm.
eSports cũng không chỉ có nghề game thủ chuyên nghiệp. Nó cũng mở ra rất nhiều công việc khác như streamer, huấn luyện viên, bình luận viên…
Những mô hình hiện đại để phát triển eSports cũng đang được hình thành ở Việt Nam. Các game thủ sinh hoạt tập trung ở nhà chung, được gọi là gaming house. Họ được tạo điều kiện tốt nhất để ăn ở, tập luyện và thi đấu.
Một số đội còn thuê PT (Personal Trainer), xây phòng gym, phòng giải trí… để cải thiện đời sống game thủ.
Những đội eSports mạnh còn có cả đội academy (học viện) để đào tạo những tài năng trẻ, trở thành lớp kế cận cho đàn anh và sẵn sàng cạnh tranh những danh hiệu. eSports có thể chưa được công nhận rộng rãi nhưng nó đang phát triển theo hướng rất chuyên nghiệp.
Một số nhà đài lớn từng có những phóng sự nói về mặt tối của việc chơi game, từng có ác cảm với eSports dần thay đổi quan điểm và dần có cái nhìn đúng đắn hơn về thể thao điện tử.
Ở những nước có nền eSports phát triển như Hàn Quốc, Trung Quốc, game thủ giỏi nổi tiếng không kém những ngôi sao thuộc lĩnh vực khác như ca nhạc, bóng đá… Lee "Faker" Sang-hyeok, người được ví như Lionel Messi của LMHT, luôn nhận sự chào đón nồng nhiệt của cổ động viên tại nơi công cộng.
Người Hàn Quốc coi Faker là một trong 5 "báu vật" của quốc gia. Những người còn lại là nhóm nhạc BTS, đạo diễn Bong Joon-ho (giành giải Oscar với bộ phim Ký sinh trùng), siêu sao bóng đá Son Heung-min và nữ thần trượt băng nghệ thuật Kim Yuna.
Đó là cơ sở để tin rằng eSports ở Việt Nam có thể khẳng định một vị trí vững chắc trong xã hội thay vì nhận nhiều định kiến như thời gian qua.
(Nguồn: TH&PL)