Trong quá khứ, Apple từng xem Việt Nam là thị trường hạng ba khi không dành nhiều sự quan tâm và ít mang đến những chính sách có lợi cho người tiêu dùng. Điển hình nhất là việc các sản phẩm chính hãng của Apple chịu nhiều thuế, phí khiến cho giá bán khi đến tay người dùng cuối bị tăng cao.
Cùng với đó, đối với các sản phẩm Apple mới ra mắt, nguồn hàng phân bổ ở Việt Nam thường trễ hơn so với nhiều thị trường lân cận như Thái Lan, Singapore, Hong Kong từ một đến hai tháng với lượng máy bán ra "nhỏ giọt". Điều này đã tạo điều kiện cho sự phát triển của iPhone xách tay trong thời gian dài.
Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, Apple đã thay đổi "cách nhìn" về thị trường Việt Nam khi liên tục mở rộng sự hiện diện bằng việc hợp tác với các nhà bán lẻ địa phương và cho phép họ mang đến các chính sách ưu đãi về giá. Thêm vào đó, gã khổng lồ công nghệ Mỹ đã "thanh lọc" thị trường iPhone xách tay tại Việt Nam bằng việc ra đời chính sách chỉ bảo hành các sản phẩm có hóa đơn mua hàng đầy đủ và dọn đường cho iPhone VN/A.
Giờ đây, khi được hỏi về việc chọn mua iPhone chính hãng hay được nhập qua đường tiểu ngạch như trước, có lẽ nhiều người sẽ chọn hàng VN/A vì được bảo hành đầy đủ, cũng như mức giá không còn quá chênh lệch.
Mặt khác, Apple đã cho thấy sự quan tâm nhiều hơn đối với thị trường Việt Nam khi liên tục cấp chứng nhận AAR cho nhiều hệ thống bán lẻ, cũng như các chuỗi Mono Store, cửa hàng chuyên bán sản phẩm Apple do hãng trực tiếp thiết kế, đầu tư và được xem như Apple Store thu nhỏ.
Thậm chí, một số hệ thống còn trở thành đối tác sửa chữa, bảo hành thiết bị của Apple khi thành lập các Trung tâm Bảo hành Ủy Quyền (AASP) để hỗ trợ người tiêu dùng Việt thay thế các thiết bị điện tử nhanh chóng.
Hay trong báo cáo gần đây, CEO của Apple Tim Cook đã nhấn mạnh Việt Nam, Brazil, Indonesia là một trong 3 thị trường có kết quả kinh doanh tốt nhất của hãng trên toàn cầu. Đây được xem là một trong những dấu hiệu cho thấy thị trường Việt Nam đang ngày một được thăng hạng về mức độ ưu tiên.
Đại diện một số đại lý bán lẻ đã đưa ra các nhận định về việc Apple đang để mắt nhiều hơn đến thị trường Việt Nam. Dễ thấy nhất là thời gian mở bán sau khi ra mắt của các sản phẩm Táo khuyết tại Việt Nam đang ngày càng rút ngắn và chỉ chậm hơn thị trường quốc tế từ 1 – 2 tuần.
"Theo tôi, Việt Nam đang tăng thứ hạng trong mắt Apple bởi vì rất nhiều lý do như cửa hàng được đầu tư đẹp và hoành tráng hơn trước, ngày càng nhiều nhà bán lẻ gia nhập AAR cũng như Mono Store. Trong đó quan trọng nhất là doanh số thị trường Việt Nam đang tăng trưởng ổn định với dự kiến năm 2023 đạt 2 tỷ USD. Chính vì thế, Việt Nam sẽ sớm được xếp ngang hàng với Thái Lan trong khoảng từ năm 2023 – 2024", ông Xà Quế Nguyên, CEO chuỗi hệ thống bán lẻ HnamMobile, chia sẻ.
Được biết, sắp tới đây HnamMobile sẽ gia nhập các hệ thống AAR tại Việt Nam, ghi tên mình vào danh sách các địa điểm mua hàng Apple uy tín để người dùng lựa chọn.
Đồng quan điểm với đại diện HnamMobile, CEO của hệ thống Vender, ông Duy Anh nhận định: "Việt Nam sở hữu thế mạnh về mặt dân số cùng với việc mở rộng chuỗi bán lẻ được thực hiện thông qua các đại lý uỷ quyền. Tôi tin chắc rằng Việt Nam sẽ nằm trong top 3 các thị trường dẫn đầu Đông Nam Á trong năm sau".
Ngoài ra, ông cũng không quên nhắc tới các sản phẩm mới của Apple đều được mở bán từ rất sớm. Theo đó, mẫu MacBook Air M2 đã được mở bán chính hãng chỉ sau 13 ngày kể từ khi sự kiện ra mắt toàn cầu diễn ra. Hay với iPhone 13, người dùng Việt mất 1 tháng để có thể sở hữu trên tay. Vì vậy, khả năng cao là khoảng thời gian chờ mở bán của dòng iPhone 14 ra mắt vào cuối năm nay sẽ càng ngắn lại.
Trong khi đó, bà Kim Vân, đại diện hệ thống Di Động Việt nhận định với sự tăng trưởng 2 con số trong 2 năm gần nhất, thị trường Việt Nam đang được Apple xem xét nâng bậc 2 ngang với Thái Lan trong năm nay (hiện tại bậc 3), Singapore đang là bậc 1.
Thái Âu (Nguồn: TH&PL)